Theo nhà nghiên cứu Mark Kurlansky (tác giả “Đời giấy”), văn hóa truyền miệng đã giúp con người bảo tồn nhiều tác phẩm giá trị.
Ảnh minh họa. Nguồn: Medium. |
Tác phẩm của Homer đôi khi còn được gọi là bài hát. Trong thời đại truyền miệng, giữa bài thơ và bài hát không có nhiều khác biệt. Tương tự, một trong những tác phẩm cổ xưa nhất của nền thơ ca Trung Quốc gọi là Kinh Thi. Và thậm chí ngày nay, nhiều nhà thơ coi tác phẩm của họ là một phần truyền thông truyền miệng. Trong bài tiểu luận về Thần Khúc của Dante, nhà thơ kiêm nhà tiểu luận người Argentina Jorge Luis Borges nhấn mạnh rằng thơ của ông vẫn còn được truyền miệng:
Một bài thơ hay thực sự cần phải được đọc to.Một bài thơ hay không cho phép người ta đọc nhỏ giọng hay đọc thầm. Nếu có thể đọc thầm thì đó không phải một bài thơ hợp lẽ: một bài thơ cần phải được phát âm lên. Hãy luôn nhớ rằng, thơ là nghệ thuật truyền miệng trước khi trở thành nghệ thuật viết. Hãy luôn nhớ rằng, đó là bài hát đầu tiên.
Bài hát thuộc văn hóa truyền miệng. Mọi thứ về cách chúng được viết đều là truyền miệng, chính vì thế nên chúng mới dễ ghi nhớ. Không phải ngẫu nhiên mà một bài hát cứ văng vẳng trong đầu chúng ta. Chúng được tạo ra chính vì mục đích đó, toàn bộ văn học truyền miệng được thiết kế dành cho mục đích đó. Vì không được viết ra, vậy làm sao để nó có thể tồn tại đây?
Vào thế kỷ 5 TCN, thời đại của Euripides, những người Hy Lạp bị bắt làm tù binh ở Sicily đã được thông báo rằng họ sẽ được trả tự do nếu có thể đọc thuộc lòng các tác phẩm của Euripides. Họ chưa bao giờ đọc, bởi vì vào thời đó, kịch hát chỉ truyền miệng. Họ không thể nhớ lại khung cảnh hay cuộc hội thoại nào. Nhưng phần lớn bọn họ lại thuộc lòng được phần điệp khúc. Giống như phần điệp khúc của một bài hát, điệp khúc lặp đi lặp lại của một vở kịch Hy Lạp được thiết kế để dễ ghi nhớ.
Các bài kiểm tra IQ thường bị chỉ trích vì không thực sự đo lường được trí thông minh. Thế thì, chúng đo lường cái gì? Chúng đo lường khả năng đọc viết, bởi vì chúng ta đang ngày càng gắn liền khả năng đọc viết với trí thông minh. Trong khi đó, chúng ta không thể hình dung ra một xã hội truyền miệng được nữa.