Thị trường tiền tệ liên tiếp đón các tác động mới, có sức nặng ảnh hưởng đến các dòng chảy…
Từ đầu tuần này, Kho bạc Nhà nước (KBNN) bắt đầu mở rộng hoạt động mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP), với tất cả các ngày làm việc trong tuần.
Trước đó, sau phiên đầu tiên vào 13/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (NHX) – đầu mối phối hợp tổ chức – kỳ vọng nghiệp vụ trên sẽ “mang lại cho thị trường TPCP làn gió mới với sự tham gia của nhà đầu tư đặc biệt là KBNN, góp phần hoàn thiện thị trường TPCP với các nghiệp vụ mới, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy các giao dịch TPCP trên thị trường thứ cấp và hỗ trợ thanh khoản cho các thành viên thị trường”.
Thị trường tiền tệ theo đó ghi nhận thêm một dòng chảy mới và có hướng đậm nét hơn. Cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định giảm mạnh giá mua vào ngoại tệ, tạo “làn gió mới” trở lại khi chuyển từ mua ngoại tệ theo kỳ hạn sang mua giao ngay.
Trong tổng hòa các tác động cùng những yếu tố mới đó, lãi suất và tỷ giá USD/VND đã và đang thay đổi trên thị trường liên ngân hàng. Và theo dự báo của Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA), hai chỉ tiêu này sẽ tiếp tục giảm sâu.
Định kỳ hàng tháng, các thành viên của VIRA đến từ các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán đưa ra dự báo về 4 chỉ tiêu: tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước. Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết những dự báo này tại: https://vira.org.vn .
TRƯỚC NHỮNG DÒNG CHẢY ĐAN XEN
Quyết định giảm mạnh giá mua vào ngoại tệ được NHNN thực hiện vào đầu tuần thứ hai của tháng 8 vừa qua, đi cùng với việc trở lại phương thức mua giao ngay.
Như điểm nhấn ở kỳ dự báo trước, thay đổi đó diễn ra khi tháng 9 gần kề, tháng mà thị trường đặt trọng tâm chú ý vào cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với đón đợi tín hiệu thu hẹp chính sách nới lỏng; tháng mà nguồn tiền cung ứng từ NHNN qua mua ngoại tệ kỳ hạn trước đó đáo hạn giảm thiểu đi; tháng chốt quỹ vẫn thường tiềm ẩn những biến động nhất định.
Song, như trên, việc NHNN trở lại mua ngoại tệ giao ngay đồng nghĩa với tạo dòng chảy tiền cung ứng tức thời khi có giao dịch. Cùng đó, việc KBNN bắt đầu mở rộng nghiệp vụ mua lại TPCP cũng là kênh tạo cung mới, bên cạnh hoạt động gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM thời gian qua.
Ở hoạt động mua lại TPCP của KBNN, một con số được chú ý. Đầu mối này tính toán tổng hạn mức trong quý 3 này là 54.760 tỷ đồng, trong khi tháng 7 và 8 còn hạn chế nên chủ yếu sẽ dồn vào tháng 9 này; vấn đề còn lại là nhu cầu của thị trường và nguồn TPCP đối ứng.
Thị trường có thêm những yếu tố tạo cung như vậy, trong khi đầu ra tín dụng vẫn gặp trở ngại lớn từ hạn chế giãn cách xã hội mở rộng và kéo dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nguồn tiền có dấu hiệu ứ đọng nhất định và thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào, lãi suất cả trên thị trường 1 và 2 đều có xu hướng giảm vừa qua.
Riêng trên thị trường liên ngân hàng, như dự báo chung của VIRA, lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần đã rơi xuống đúng vùng dự báo, bình quân thực tế tháng 8 chỉ còn 0,98%/năm. Lãi suất này theo dự báo của VIRA sẽ tiếp tục rơi sâu trong tháng 9, bình quân dự báo sẽ chỉ còn 0,81%/năm.
Cũng liên quan đến điều chỉnh trên của NHNN, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh trong tháng 8. Có biến động nhất định trong nửa cuối tháng 8, nhưng tỷ giá liên ngân hàng đã dần trượt về gần với mức mua vào của NHNN (22.750 VND).
Theo dự báo của VIRA, giá USD giao ngay trên thị trường này sẽ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9, bình quân dự báo ở 22.778 VND, rơi sâu so với mức bình quân thực tế 22.852 VND của tháng 8.
XU HƯỚNG BÌNH ỔN KÉO DÀI
Ở chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước, bình quân dự báo của các thành viên VIRA cho tháng 9 này ở mức 2,73%. Lạm phát thấp theo đó tiếp tục nối dài thực tế đã thể hiện từ đầu năm đến nay.
Trong xu hướng đó, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư là yếu tố bao trùm đối với giá cả hàng hóa, tập trung ở điểm hạn chế đối với sức cầu trên thị trường. Song, cũng chính đại dịch dẫn đến đứt gãy nguồn cung hoặc gây trở ngại lớn trong kết nối cung – cầu, dẫn đến chi phí vận chuyển và phân phối hàng hóa bị đội lên và tác động tăng giá cục bộ, nhất là với nhóm hàng lương thực và thực phẩm.
Cùng đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm đầu năm đã tăng tới 22,86% so với cùng kỳ năm trước, cũng là yếu tố tác động đáng chú ý đối với đà tăng của CPI…
Song về tổng thể, dự báo của VIRA cũng như nhiều tổ chức đưa ra thời gian qua cùng hướng đến triển vọng kiểm soát lạm phát năm nay ở mức thấp.
Về chỉ tiêu lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm, VIRA tiếp tục dự báo hướng trượt nhẹ trong tháng 9 này, bình quân dự báo sẽ xuống 2,06% so với bình quân thực tế tháng 8 là 2,09%. Dù vậy, so với đầu năm với quanh 2,2-2,3% thì mức suy giảm đã rất đáng kể.
Ở vùng dự báo xa hơn, trong 3 tháng tới, các chỉ tiêu lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1tuần, tỷ giá USD/VND giao ngay và lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm có xu hướng tăng trở lại theo dự báo chung của các thành viên VIRA. Dù vậy, biến động trong dự báo này so với hiện nay không quá lớn, thị trường tiền tệ với các chỉ tiêu chính này được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định ở vùng thấp trước khi bước vào mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm.