Động lực cho phát triển kinh tế 2018 sẽ đến từ đâu?

Theo PGS.TS Tô Trung Thành, ngoài những động lực đến từ khu vực FDI, tư nhân và các biến số khác thuận lợi thì nền kinh tế cũng sẽ phải vượt qua những thách thức lớn để đạt được kết quả như kỳ vọng.

Sau những kết quả đạt được khả quan nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam trong năm 2018 được đánh giá là có nhiều cơ hội thuận lợi để duy trì tăng trưởng ở mức 6,6-6,8%. Đánh giá này cũng đã được các chuyên gia của trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra dựa trên các mô hình khác nhau và đề cập trong ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2017: Tháo gỡ rào cản phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Xoay quanh câu chuyện về tăng trưởng cũng như những cơ hội, thách thức của nền kinh tế năm 2018, nhân dịp đầu Xuân mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Tô Trung Thành – Trưởng phòng Quản lý Khoa học Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân.

PV: Theo ông động lực để phát triển kinh tế Việt Nam 2018 là gì?

PGS.TS Tô Trung Thành: Sẽ có các yếu tố đến từ bên trong lẫn bên ngoài.

Từ bên ngoài, thuận lợi đến từ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn trong năm 2018 (dự báo của IMF là 3,9% so với 3,7% năm 2017; dự báo của WB là 3,1% so với 3% năm 2017). Các dòng vốn đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp) có xu hướng gia tăng, và chuyển hướng nhiều hơn về các nước đang phát triển và mới nổi. Thương mại toàn cầu có xu hướng chững lại so với năm 2017, nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn nhiều so với năm 2016. Những yếu tố trên sẽ giữ nhịp cho thu hút dòng vốn nước ngoài và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là ở các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm chế biến chế tạo trong năm 2018.

Từ bên trong, nếu xét từ khu vực kinh tế thì động lực tăng trưởng sẽ được duy trì chủ yếu từ khu vực FDI và được tăng cường hơn từ khu vực kinh tế tư nhân.

Việt Nam hiện vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư cởi mở, kinh tế chính trị ổn định, giá nhân công rẻ, tận dụng được lợi ích từ các hiệp định thương mại đã ký kết, trong bối cảnh xu hướng chuyển dòng vốn sang các nước kinh tế đang phát triển và mới nổi, cũng như quá trình chuyển dịch vị trí cuối của chuỗi sản xuất Đông Á về Việt Nam.

Trong năm 2017, Việt Nam đã thu hút được thêm khoảng 35 tỷ USD vốn FDI, đã thực hiện giải ngân ở mức kỷ lục từ trước đến nay (17,5 tỷ USD), đạt tỷ lệ trên GDP cao nhất trong khối các nước trong khu vực. Theo đó, các doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng góp lớn cho thương mại quốc tế (chiếm trên 70% và 60% tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu), khoảng 70% tổng sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, và sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng của nền kinh tế. Khu vực này tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân trong năm 2018 sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn so với các năm trước. Điều này xuất phát từ môi trường kinh doanh đã thực sự được cải thiện tốt hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của khu vực tư nhân. Năm 2017 chứng kiến những thay đổi chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ chủ yếu liên quan đến môi trường kinh doanh và khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Một trong ba nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã thể hiện quan điểm về khu vực tư nhân hiện nay.

Từ các năm trước, Chính phủ cũng đã có quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp thông qua hàng loạt các Nghị quyết quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu Chính phủ kiến tạo. Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2017, định hướng đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

Những bước đi trên đã và đang tạo tiền đề quan trọng để kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, hỗ trợ cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Nếu xét riêng hoạt động sản xuất và tiêu dùng thì theo ông kinh tế 2018 sẽ được thúc đẩy chủ yếu từ đâu?

PGS.TS Tô Trung Thành: Xét từ sản xuất thì tôi cho rằng dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo sẽ giữ vai trò quan trọng hơn.

 Ngành dịch vụ dự báo sẽ duy trì tốc độ gia tăng nhanh chóng như năm 2017, và với tỷ trong đến hơn 40% GDP, khu vực này tiếp tục đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, với vai trò ngày càng quan trọng của khu vực FDI, ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng vượt bậc kéo dài từ năm 2012 cho đến nay, hỗ trợ cho tốc độ tăng cao của cả ngành công ngiệp và xây dựng, trong bối cảnh ngành công nghiệp khai khoáng và khai thác tài nguyên đã „tới hạn”.

Xét theo các thành tố chi tiêu, tăng trưởng năm 2018 sẽ được giữ nhịp từ nhu cầu nội địa, với mức tăng trưởng mạnh của chi tiêu tiêu dùng, do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán buôn bán lẻ, thu nhập thực tế tốt hơn trong khi lạm phát thấp và ổn định, cùng với sự hỗ trợ từ tín dụng tiêu dùng nới lỏng hơn. Trong khi đó, tổng mức đầu tư xã hội dự báo sẽ duy trì như năm 2017 với sự đóng góp nhiều hơn từ khu vực ngoài Nhà nước, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân.

Một số ý kiến quan ngại rằng lạm phát và tỷ giá năm nay sẽ khó giữ ổn định như năm 2017 trong bối cảnh thế giới, đặc biệt là Mỹ vẫn kiên định với việc tăng lãi suất. Còn ông đánh giá thế nào về các biến số này?

PGS.TS Tô Trung Thành: Lạm phát nhìn chung sẽ được kiểm soát ở mức thấp như năm 2017 (khoảng dưới 4%) do giá dầu thế giới được dự báo phục hồi ở mức độ thấp hơn năm 2017, giá lương thực thực phẩm được kiềm giữ ở mức thấp do sản lượng nông nghiệp đang có xu hướng tăng trưởng tốt trở lại, lạm phát cơ bản sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp do mục tiêu tăng trưởng phương tiện thanh toán và tín dụng thấp hơn so với thực hiện năm 2017.

Tuy nhiên lạm phát năm 2018 sẽ chịu rủi ro tăng cao chủ yếu từ việc tăng giá các hàng hóa dịch vụ công thuộc quản lý của Nhà nước và việc tăng giá điện.  

Tỷ giá năm 2018 có thể đối diện một số rủi ro. FED sẽ tiếp tục gia tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2018 do tăng trưởng kinh tế Mỹ phục hồi khá tốt cùng tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm. Lãi suất FED gia tăng sẽ có thể khiến đồng USD tăng giá trở lại, gây áp lực đến VND vốn đã được định giá cao khoảng hơn 20% so với năm 2009.

Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối mặc dù đã gia tăng mạnh nhưng vẫn còn mỏng (chỉ tương đương mức được khuyến cáo 3 tháng nhập khẩu, và đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực). Ngoài ra, dư địa tác động ổn định tỷ giá thông qua lãi suất không có nhiều do mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng rõ ràng thông qua các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ thông qua.

Tuy vậy, tỷ giá sẽ không có những cú sốc lớn và có thể được duy trì ổn định với sự hỗ trợ lớn từ xu hướng kiều hối, dòng vốn nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2018. Bên cạnh đó, cơ chế điều hành tỷ giá cũng đã có dấu hiệu linh hoạt và chủ động hơn. Trong ngắn hạn, NHNN có đủ khả năng để can thiệp nếu vẫn muốn ổn định tỷ giá.

Nói như vậy dường như nền kinh tế sẽ được hậu thuẫn bởi toàn những thuận lợi để đạt mục tiêu 6,6 – 6,8%, có khó khăn nào phải đối mặt không thưa ông?

Tất nhiên là có. Bên cạnh những thuận lợi kể trên, nền kinh tế cũng sẽ phải vượt qua những thách thức lớn để đạt được kết quả như kỳ vọng.

Thách thức thứ nhất là mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, chất lượng tăng trưởng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng bền vững. Nền kinh tế tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng (gia tăng liên tục kể từ năm 2012); tuy nhiên các chỉ số phản ánh chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp. Hệ số ICOR (thể hiện chất lượng đầu tư) vẫn ở mức cao hơn bình quân giai đoạn 2005-2010 và cao hơn so với các nước khác ở giai đoạn phát triển tương đương. Năng suất lao động (thể hiện chất lượng lao động) mặc dù có tốc độ tăng khả quan hơn so với các nước trong khu vực, nhưng chưa đủ nhanh để có thể giúp Việt Nam giảm được cách biệt quá lớn về chênh lệch năng suất lao động với các nước và duy trì tăng trưởng cao và bền vững. Với mô hình tăng trưởng này, việc khó có thể gia tăng hơn nữa vốn đầu tư trong năm 2018 (hiện đang ở mức cao 33,42%, chỉ thấp hơn năm 2011 ở mức hơn 34% khi bắt đầu thực hiện tái cơ cấu) sẽ hạn chế khả năng tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Thách thức thứ hai là nền kinh tế hiện nay đang dựa chủ yếu vào sự đóng góp của khu vực FDI, tuy nhiên khu vực này cũng đã bộc lộ những tồn tại như: i) thiếu vắng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ không hiệu quả, ii) vấn đề ô nhiễm môi trường, iii) đóng góp vào ngân sách không tương xứng cùng những hành vi chuyển giá, iv) sản xuất của khu vực FDI vẫn mang nặng tính gia công, ở vị trí cuối của chuỗi sản xuất toàn cầu và Đông Á với giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam còn rất thấp, v) luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài gia tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm quốc gia và khả năng đầu tư của nền kinh tế. Theo đó, đóng góp của khu vực FDI còn thiếu bền vững.

Thách thức thứ ba là dư địa tác động của các chính sách sẽ dần bị thu hẹp. Với đặc điểm tăng trưởng nêu trên, muốn đạt tăng trưởng cao trong ngắn hạn cần các chính sách quản lý tổng cầu (như nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tín dụng, gia tăng đầu tư công…), nhưng sẽ không tăng được nhiều sản lượng mà đánh đổi là bất ổn vĩ mô. Việc gia tăng mạnh cung tiền và tín dụng phục vụ mục tiêu tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát. Bên cạnh đó, tốc độ tín dụng gia tăng nhanh trong khi tăng trưởng GDP còn thấp (cụ thể tốc độ tăng tín dụng gấp hai đến ba lần so với tốc độ tăng trưởng theo giá hiện hành trong năm 2017) cũng đã khiến tỷ lệ tín dụng/GDP tăng lên nhanh chóng (lên đến trên 130% GDP cuối năm 2017), tỷ lệ cấp tín dụng trên nguồn vốn huy động cũng tăng nhanh so với năm 2016, gây sức ép rủi ro ổn định tài chính, đặc biệt là khi vấn đề nợ xấu vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Trong khi đó, rủi ro thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục gia tăng khiến dư địa cho chính sách tài khóa không còn nhiều. Chi ngân sách gia tăng nhanh chóng (chủ yếu do chi thường xuyên) trong khi thu ngân sách khó khăn và thiếu bền vững nên thâm hụt NSNN của Việt Nam liên tục ở mức cao trong nhiều năm qua, và đứng ở mức cao nhất so với các nước trong khu vực. Do thâm hụt ngân sách gia tăng, nợ công tăng lên nhanh chóng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu NSNN cũng đã tiệm cận đến ngưỡng an toàn (bao gồm cả trả trong cân đối và đảo nợ), khoảng 26,7% (thông lệ quốc tế là 25%).

Là chuyên gia về lĩnh vực kinh tế vĩ mô, nếu được hỏi về khuyến nghị cho chính sách thì ông sẽ nói gì?

PGS.TS Tô Trung Thành: Trong năm 2018 Chính phủ nên đặt mục tiêu chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh định hướng chính sách sang trọng cung để gia tăng mức sản lượng tiềm năng. Trước mắt, các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn có thể được nhìn nhận từ phía gia tăng tổng cầu và tổng cung ngắn hạn.

Về phía tổng cầu, khả thi nhất đối với Chính phủ hiện nay là cần gia tăng hiệu lực chính sách, để với lưu lượng chính sách ít nhưng có hiệu quả cao hơn. Theo đó, cần: i) quyết liệt tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ (đặc biệt là vấn đề nợ xấu), ii) chính sách cần minh bạch, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cần được kiên định để gia tăng niềm tin chính sách, doanh nghiệp theo đó sẽ an tâm với những quyết định sản xuất kinh doanh; iii) giảm thâm hụt ngân sách, đặc biệt là giảm chi thường xuyên thay vì tăng thu (tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp), tăng kỷ luật tài khóa và đảm bảo tính bền vững của nợ công.

Về phía tổng cung, có thể gia tăng tổng cung ngắn hạn nhanh chóng bằng việc giảm nhanh các chi phí nguồn lực của nền kinh tế. Ở đây chính là giảm các chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp. Hiện nay các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân khó phát triển là do chi phí sản xuất kinh doanh ở mức cao. Các doanh nghiệp khi tiếp cận và thuê mua các yếu tố sản xuất cũng như khi làm các nghĩa vụ thuế phí đối với Nhà nước phải trả các chi phí chính thức (chi phí tài chính và chi phí phi tài chính như giấy tờ, thủ tục, thời gian,….) và chi phí phi chính thức (chi phí lót tay, tham nhũng, tiếp cận các thị trường phi chính thức). Vì vậy, muốn giảm chi phí cho doanh nghiệp mà không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách thì cần tập trung vào các thị trường yếu tố (như thị trường vốn, lao động, đất đai) để kiến tạo thể chế thị trường cạnh tranh, theo đó, các doanh nghiệp có thể tiếp cận các yếu tố với chi phí chính thức thấp hơn. Ngoài ra, cần làm cho việc tiếp cận các yếu tố đơn giản hơn để các chi phí phi chính thức giảm xuống.

Còn các giải pháp trung và dài hạn cần định hướng trọng cung với mục tiêu gia tăng sản lượng tiềm năng. Về cơ bản, những chính sách trọng cung cũng để phục vụ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ đó gia tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng. Có hai hướng cho chính sách trọng cung là:

Thứ nhất là các chính sách can thiệp: Chính phủ có những động thái tác động trực tiếp để gia tăng số lượng, đặc biệt là chất lượng các nguồn lực sản xuất, ví dụ: i) đầu tư vào nguồn lực con người (nhân lực) như giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, ii) đầu tư vào khoa học công nghệ (công nghệ mới), iii) đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và iv) chiến lược (chính sách) công nghiệp hướng vào một số ngành mũi nhọn với những ưu đãi lớn. Tuy nhiên, các chính sách này sẽ mất thêm chi phí và nguồn lực của Chính phủ.

Thứ hai là các chính sách dựa trên thị trường, theo đó, Chính phủ thay vì tác động trực tiếp thì nên thiên về việc tạo lập điều kiện để các lực lượng thị trường hoạt động tốt và có hiệu quả nhất. Ví dụ là các chính sách thúc đẩy cạnh tranh như giảm can thiệp điều tiết, tư nhân hóa, chống độc quyền, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực, tháo gỡ các rào cản đặc biệt là thể chế để khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng. Với môi trường thân thiện, bình đẳng và minh bạch, bản thân các doanh nghiệp sẽ là đối tượng giúp thực hiện được mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ mong muốn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin