Trong hơn 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Bài viết trên trang chủ của “SBM News” với tiêu đề “Hội đồng Phát triển Campuchia phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia thu hút các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia” đăng ngày 08/3/2024. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)
|
Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, thuộc vùng hạ lưu sông Mekong và vị trí địa lý, chính trị hết sức quan trọng, là tâm điểm kết nối khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Campuchia đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược đối ngoại hai nước với việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Láng giềng tin cậy
Nhận định từ các chuyên gia, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước không có sự chênh lệch nhiều. Điều này thể hiện Việt Nam rất cởi mở với Campuchia trong thương mại. Đáng lưu ý, Campuchia là nguồn cung của nhiều loại nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong nước của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phát triển số lượng đáng ghi nhận các dự án tại Campuchia nhằm cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp trong nước, nhất là cao su, góp phần giúp Campuchia ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế. Hơn nữa, Campuchia còn là thị trường tiêu thụ mạnh các sản phẩm sắt thép, vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi thuộc Bộ Công Thương, cho biết giai đoạn 2010-2015, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia có tốc độ tăng trưởng trung bình vào khoảng 18,5%/năm. Kim ngạch thương mại đã tăng gần gấp đôi từ 1,8 tỷ USD năm 2010 lên tới 3,35 tỷ USD năm 2015. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia tăng trung bình 15,5%/năm, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia tăng trung bình 32,7%/năm.
Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia tiếp tục tăng trưởng trung bình 17%/năm, tăng từ 2,92 tỷ USD năm 2016 lên đến 5,31 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, ngay từ năm 2019, hai nước đạt và vượt mục tiêu kim ngạch 5 tỷ USD trước thời hạn mà lãnh đạo cấp cao hai bên đề ra (mục tiêu đề ra cho năm 2020).
Cũng theo đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 5,75 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 4,82 tỷ USD, tăng 2,48% so với năm 2021.
Cùng đó, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm trước đó; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,9 tỷ USD, giảm 16%. Ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 3,7 tỷ USD, giảm 23,7%.
Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
|
Riêng 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Campuchia đạt 4,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Việt Nam xuất khẩu 2,1 tỷ USD, giảm 1,7% và nhập khẩu 2,5 tỷ USD tăng 30,7%.
Chia sẻ thêm về tình hình xuất khẩu, đại diện Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cho hay tính đến hết tháng Năm năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,1 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu chính là sắt thép các loại đạt 302 triệu USD, giảm 10%; hàng dệt, may đạt 350 triệu USD, tăng 1,5%; xăng dầu các loại đạt 163 triệu USD, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 2,5 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 2,5 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng nhập khẩu chính là hạt điều đạt 971 triệu USD, tăng 29,5%; cao su đạt 278 triệu USD, tăng 1%; hàng rau quả đạt 30 triệu USD, tăng 1,8%… Đáng lưu ý, ước 6 tháng qua, nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 2,9 tỷ USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm trước.
Liên tục nhận các đơn hàng xuất khẩu qua Trung Đông và Hoa Kỳ nhưng các đơn hàng này hầu như không có lãi do chi phí đầu vào cao. Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty Dệt may Dony, chia sẻ: doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu tác động từ giá cước vận tải tăng và đồng USD tăng giá. Trong khi đó, ngành dệt may phải nhập đến 60% nguyên liệu sản xuất. Điều này khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị ăn mòn.
Chính vì vậy, để duy trì hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động điều chỉnh, cân nhắc mở rộng sang thị trường Campuchia để dễ giao nhận. Tuy đây là thị trường mới nhưng lượng đơn hàng khá dồi dào bởi mùa thấp điểm của thị trường truyền thống là cao điểm của Campuchia. Nhờ đó, doanh nghiệp có đủ đơn hàng để sản xuất trong cả năm. Dự kiến năm 2024, doanh số của công ty sẽ tăng 15%.
Liên quan đến việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững khi xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc tư vấn chuỗi cung ứng của KPMG Việt Nam và Campuchia, cho rằng đây là điều cần thiết cho doanh nghiệp Việt để đáp ứng nhu cầu thị trường, tuân thủ và thúc đẩy một ngành công nghiệp xanh. Bên cạnh đó, việc đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực của nhà cung cấp để tuân thủ quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn rất quan trọng.
Điều này đòi hỏi cần có sự giám sát và cải thiện hiệu suất nhà cung cấp bằng cách xác định KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), đặt mục tiêu hiệu suất và đảm bảo việc tuân thủ của nhà cung cấp về các vấn đề môi trường và xã hội. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt cần phát triển công cụ kỹ thuật số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và thu thập dữ liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thắt chặt quan hệ
Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với bà Cham Nimul, Bộ trưởng Bộ Thương mại và ông Hem Vandy, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học và Đổi mới Công nghệ Campuchia, hai bên nhất trí rằng: Thời gian qua, hợp tác thương mại, công nghiệp song phương Việt Nam-Campuchia đã có những bước phát triển đáng kể.
Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát, tỉnh Tây Ninh, là nơi giao thương hàng hóa giữa hai nước Việt Nam-Campuchia. (Ảnh: Hồng Đạt/ TTXVN)
|
Trên cơ sở đánh giá những khó khăn hiện tại, đại diện hai nước đã thống nhất một số biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, công nghiệp giữa hai nước, hướng tới mục tiêu kim ngạch cao hơn thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ký kết mới các khuôn khổ pháp lý về thương mại.
Cùng đó, phổ biến thông tin về ưu đãi thương mại song phương, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới. Đặc biệt, tăng cường trao đổi kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Campuchia.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương với ngài Pan Sorasak, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và 2024.
Theo đó, đối tượng áp dụng là thương nhân nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan mặt hàng gạo và thuốc lá khô có xuất xứ Campuchia và các tổ chức, cá nhân khác liên quan. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng hóa quy định tại Điều 2 Thông tư này được điều hành theo phương thức trừ lùi tự động tại cơ quan hải quan nơi thương nhân làm thủ tục nhập khẩu. Việc trừ lùi tự động cho đến hết số lượng hạn ngạch thuế quan thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan hải quan.
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia cho hay trong năm nay và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Campuchia; trong đó, có hợp tác về kinh tế, thương mại… vốn là lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo hai nước quan tâm. Đồng thời, Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các hiệp định, biên bản ghi nhớ mà hai bên đã ký kết. Cụ thể như Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước, thỏa thuận Thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2023-2024.
Bên cạnh đó, giới đầu tư và kinh doanh của hai nước sẽ xúc tiến tìm kiếm cơ hội tốt để đầu tư, trao đổi thương mại trong năm nay và những năm tiếp theo. Đây là tiền đề để Việt Nam và Campuchia có thể nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD như kỳ vọng.
Trong bối cảnh quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đang mở rộng về quy mô và cải thiện chất lượng, để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia, các chuyên gia thương mại cho rằng cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; đẩy mạnh ký kết thỏa thuận thương mại tự do và hiệp định kinh tế với Campuchia.
Ngoài những hành động của cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần nắm vững xu hướng tiêu dùng, quy định pháp lý và các chuẩn mực kỹ thuật để có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh và sản phẩm phù hợp.
Mặt khác, doanh nghiệp cần tạo ra sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao và giá cả cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng Campuchia. Đặc biệt, xây dựng mạng lưới phân phối rộng lớn và ổn định trong thị trường Campuchia để đảm bảo sản phẩm có thể tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả./.