Nhiều thành viên trong cộng đồng này đưa ra quan điểm được đặc trưng bởi tính tuyệt vọng và hoài nghi sâu sắc.
Khi cuốn sách này xuất hiện lần đầu vào năm 1954, về cơ bản nó là một nỗ lực xây dựng dựa trên các thuyết tâm lý học cổ điển có sẵn, hơn là bác bỏ chúng hay thiết lập một thuyết tâm lý học cạnh tranh khác.
Nó cố gắng mở rộng quan niệm của chúng ta về nhân cách con người bằng cách vươn đến những cấp độ “cao hơn” của bản chất con người. (Lúc đó, tôi đã định đặt tiêu đề cho cuốn sách là Những giới hạn cao hơn cho bản chất con người).
Nếu phải cô đọng tư tưởng của cuốn sách này thành một câu duy nhất, tôi sẽ nói rằng, ngoài những gì các thuyết tâm lý học thời đó nói về bản chất con người, con người còn có một bản chất cao hơn, và bản chất đó có dạng bản năng, tức là một phần của cốt lõi của anh ta.
Và nếu có thể nói câu thứ hai, thì tôi sẽ nhấn mạnh cái tính toàn diện rõ rệt của bản chất con người, ngược lại với cách tiếp cận của thuyết hành vi, vốn mang tính phân tích, mổ xẻ, phân rã nguyên tử như kiểu định luật vật lý và thuyết phân tâm học của Freud.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tara Winstead/Pexels. |
Hay nói cách khác, tôi đã tiếp nhận và dựa trên những dữ liệu sẵn có của tâm lý học thực nghiệm và phân tâm học.
Tuy nhiên, những gì tôi coi chỉ là một cuộc tranh luận nội bộ trong giới tâm lý học khi đó, đến nay hóa ra lại là một biểu hiện cục bộ của một tinh thần thời đại1 mới, một triết lý mới, tổng quát và bao trùm, về cuộc sống.
Cái thế giới quan “nhân văn” mới này dường như là một cách mới, tràn đầy hy vọng và nhiều khích lệ, để tiếp nhận mọi lĩnh vực tri thức của con người như kinh tế học, xã hội học, sinh học; mọi ngành nghề như luật, chính trị, y học; và mọi thiết chế xã hội như gia đình, hệ thống giáo dục, tôn giáo, v.v…
Khi chỉnh sửa lại cuốn sách này, tôi đã hành động dựa trên niềm tin cá nhân đó, và viết ra ở đây dưới dạng tâm lý học cái niềm tin rằng đó là một yếu tố của một thế giới quan rộng lớn hơn nhiều, và của một triết lý sống toàn diện. Triết lý sống này đã được nghiên cứu một phần, chí ít là đến mức xác đáng, do đó cần được quan tâm một cách nghiêm túc.
Tôi phải nói một lời về sự thật khó chịu rằng cuộc cách mạng thực sự này (một hình ảnh mới về con người, về xã hội, về tự nhiên, về khoa học, về các giá trị tối thượng, về triết học, v.v…) hầu như vẫn bị phần lớn cộng đồng trí thức bỏ qua, đặc biệt là bộ phận nắm quyền kiểm soát các kênh truyền thông hướng tới công chúng có học thức và giới trẻ (Vì thế, tôi đã gọi nó là “Cuộc cách mạng không được chú trọng”.)
Nhiều thành viên trong cộng đồng này đưa ra quan điểm được đặc trưng bởi tính tuyệt vọng và hoài nghi sâu sắc, đôi khi thoái hóa thành ác ý và tàn bạo. Trên thực tế, họ phủ nhận khả năng chúng ta có thể cải thiện bản chất con người và xã hội, hay khả năng khám phá các giá trị bên trong con người, cũng như khả năng duy trì trạng thái yêu đời nói chung.
Vì nghi ngờ sự tồn tại của lòng trung thực, lòng tốt, sự rộng lượng, tình cảm, họ đã vượt ra khỏi khuôn khổ của hoài nghi hợp lý và kiềm chế việc phán xét, trở nên thù nghịch với những người mà họ chế nhạo là ngu ngốc, là “hướng đạo sinh”, cổ hủ, ngây thơ, ảo tưởng, hay lạc quan tếu.
Sự vạch trần người khác một cách hung hăng, căm ghét và hành hạ này còn hơn cả khinh miệt. Đôi khi nó giống như một cuộc phản công đầy thịnh nộ để chống lại những gì mà họ coi là một sự xúc phạm nhằm đánh lừa, lôi kéo hay bỡn cợt mình. Theo tôi, một nhà phân tâm sẽ nhìn thấy trong đó động lực của giận dữ và trả thù cho những thất vọng và vỡ mộng trước kia của họ.