Trong tuần qua (12-16/12), Ngân hàng Nhà nước đã có 2 động thái điều chỉnh tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch. Không chỉ niêm yết lại giá mua USD mà còn giảm giá bán với mức giảm mạnh hơn nhiều các lần điều chỉnh trước đó.
Cụ thể, ngày 15/12, NHNN đã chính thức niêm yết lại tỷ giá mua vào USD ở mức 23.450 đồng/USD. Đây là phiên đầu tiên sau hơn 2 tháng, NHNN mới niêm yết tỷ giá này tại Sở giao dịch. Trước đó, NHNN đã dừng niêm yết tỷ giá mua vào đồng bạc xanh từ đầu tháng 9.
Bên cạnh đó, từ ngày 16/12, NHNN cũng giảm mạnh giá bán USD từ 24.830 đồng xuống 24.780 đồng, mức giảm mạnh hơn nhiều so với các lần điều chỉnh trước đó. Trong tháng 11, NHNN đã có 4 lần giảm giá bán USD, mỗi lần chỉ giảm 10 đồng.
Trước đó, do đồng bạc xanh mạnh lên trên thế giới, sức ép lên tỷ giá trong nước là rất lớn khiến NHNN đã phải bán can thiệp ngoại tệ kể từ đầu năm đồng thời liên tục tăng mạnh giá bán USD lên mức kỷ lục 24.870 đồng/USD. Dự trữ ngoại hối, theo Chứng khoán ACB (ACBS), đã giảm 22 tỷ USD xuống còn khoảng 87 tỷ USD, tương đương với 12 tuần nhập khẩu.
Song song với đó, NHNN đã có 2 lần tăng lãi suất điều hành trong tháng 9 và tháng 10, mỗi lần tăng 1%.
Bằng nhiều biện pháp can thiệp và nhiều yếu tố thuận lợi hơn trong thời gian gần đây, tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong tháng 12. Hiện giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 4,5% so với mức đỉnh hồi cuối tháng 10 và chỉ còn cao hơn khoảng 3,5% so với đầu năm. Theo nhiều chuyên gia, việc VND quay về vùng mất giá kỳ vọng hàng năm cho thấy “mặt trận” tỷ giá đã bớt nóng, cho phép NHNN có nhiều dư địa hơn trong chính sách điều hành thời gian tới.
Theo Chứng khoán VCBS, giá mua USD giao ngay tại mức 23.450 đồng/USD của Ngân hàng Nhà nước thấp hơn đáng kể tỷ giá đang giao dịch tại các ngân hàng thương mại. Điều này xuất phát từ việc dòng ngoại tệ vào thị trường giai đoạn này đã có sự cải thiện đáng kể so với đầu tháng 11. Kéo theo đó, NHNN đang cho thấy sự tự tin về dòng ngoại tệ trong giai đoạn tới đi kèm với khả năng có thể tiến hành mua bổ sung dự trữ ngoại hối vốn đã giảm sút mạnh trong giai đoạn vừa qua. Như vậy, nhìn chung trong ngắn hạn, đang có khá nhiều thông tin hỗ trợ cho thị trường tài chính liên quan trái phiếu doanh nghiệp, tỷ giá.
Tuy vậy, VCBS cho rằng vẫn sẽ cần chờ đợi thêm trước khi các biện pháp này phát huy những hiệu quả mang tính thay đổi về chất đặc biệt là khi cuộc đua lãi suất huy động vẫn đang nóng tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ đẩy lãi suất huy động 6 tháng lên trên 10%.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tâm lý đầu cơ găm giữ tỷ giá đã giảm đi đáng kể, nguyên nhân chính là do cuộc cạnh tranh lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại đã thu hút người gửi tiền chuyển tiết kiệm sang tiền Đồng. Với nguồn cung ngoại tệ cuối năm dồi dào hơn ở khía cạnh kiều hối, giải ngân FDI, thặng dư cán cân thương mại thì xu hướng trong ngắn hạn đang ủng hộ sự ổn định của tiền Đồng. Với việc khởi động lại kênh mua ngoại tệ của NHNN, VDSC cũng cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để tích trữ lại dự trữ ngoại hối sau một giai đoạn sụt giảm mạnh.
Báo cáo cập nhật vĩ mô mới đây của World Bank Việt Nam cũng nhận định, áp lực đối với đồng tiền của Việt Nam đã được nới bớt. World Bank khuyến nghị, do điều kiện huy động tài chính trên toàn cầu bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài yếu đi, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm ứng phó với những cú sốc bên ngoài. Chính sách này có thể được bổ sung bằng cách sử dụng sáng suốt lãi suất tham chiếu và sử dụng thận trọng can thiệp tỷ giá trực tiếp nhằm bảo vệ được dự trữ ngoại hối. Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng.
Trên thực tế, theo giới chuyên gia, mặt dù có dấu hiệu hạ nhiệt, song tỷ giá trong nước vẫn chưa thể chủ quan trước đồng bạc xanh diễn biến khó lường trên thị trường quốc tế. Trong tuần vừa qua (12-16/12), tỷ giá VND/USD cũng đã có nhiều phiên đảo chiều tăng/giảm với mức điều chỉnh khá mạnh, biên độ tới hàng trăm đồng.
Cụ thể, sau gần 2 tuần giảm liên tiếp, đến phiên giao dịch đầu tuần này (12/12), tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại bất ngờ quay đầu tăng mạnh 150 đồng. Tuy nhiên, chỉ ngay 3 phiên kế tiếp (13-15/12), tỷ giá lại đảo chiều giảm 200 đồng. Đến phiên cuối tuần (16/12), tỷ giá lại đảo chiều một lần nữa, bật tăng khoảng 100 đồng.
Theo đó, kết phiên tuần này, giá USD tại các ngân hàng phổ biến ở mức 23.410-23.720 đồng/USD. Giá USD “chợ đen” cũng đã giảm mạnh về sát mốc 24.000 đồng/USD.