Nhiều người nghĩ đột quỵ là căn bệnh ‘trời kêu ai nấy dạ’. Tuy nhiên, theo chuyên gia, đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa được.
Yếu tố nguy cơ gia tăng đột quỵ
TS.BS Nguyễn Bá Thắng – Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho hay, đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể. Khi đó, não bộ rơi vào tình trạng thiếu oxy và không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
Người bị đột quỵ não trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ chết dần không thể đảm nhận chức năng ban đầu, do đó dẫn đến xuất hiện các triệu chứng: yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất thị lực một bên hoặc mù hoàn toàn, mất ngôn ngữ, hôn mê,…
Đột quỵ được ví là ‘căn bệnh tử thần thời đại 4.0’ vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên ở một số nhóm đối tượng với tình trạng sức khỏe tiềm ẩn sẽ có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm: nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ,…) và nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gen di truyền).
Theo bác sĩ Thắng, đột quỵ hiện nay không còn là căn bệnh ‘trời kêu ai nấy dạ’ như trước đây. Để phòng tránh đột quỵ, chúng ta có thể bắt đầu từ việc chặn đứng các yếu tố nguy cơ gây bệnh thông qua các chương trình tầm soát đột quỵ.
Các chương trình tầm soát thông thường có thể giúp phát hiện các bệnh lý như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ hoặc các bệnh lý tim mạch khác… Đây vốn là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể thay đổi được.
Việc phát hiện sớm cùng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ mạch máu, đồng thời kết hợp thay đổi các thói quen và lối sống như: bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động… sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh lý mạch máu não.
Phòng ngừa đột quỵ
BSCKII Phạm Thị Ngọc Quyên – Khoa Thần kinh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết: “Riêng với nhóm người mắc bệnh rung nhĩ, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt các yếu tố nguy cơ đi kèm như đường huyết, mỡ máu, hội chứng ngưng thở khi ngủ, đồng thời duy trì cân nặng cân đối để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ xuất hiện”.
Với những người bệnh đã bị đột quỵ và được cấp cứu thành công, không nên chủ quan rằng đã điều trị dứt điểm mà cần phải lưu ý đến khả năng tái phát đột quỵ trong những năm tháng tiếp theo.
Các chuyên gia cho biết, để phòng ngừa tái phát đột quỵ, người bệnh cần ghi nhớ: tăng cường vận động; giảm cân chống béo phì; không ăn nhiều mỡ béo, chất ngọt, đường, bột, muối mặn; ăn nhiều rau củ, trái cây; điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo thường, bệnh tim, mỡ máu cao; bỏ thuốc lá; ngưng rượu bia,…
Ngoài những yếu tố này, các bác sĩ sẽ lưu ý thêm từ kết quả tầm soát đột quỵ để kiểm soát 3 nhóm nguyên nhân lớn gây đột quỵ cho người bệnh gồm: xơ vữa động mạch, rung nhĩ, bệnh lý mạch máu nhỏ.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi trời nắng nóng, chúng ta cần tránh để cơ thể rơi vào tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột, đồng thời uống đủ nước mỗi ngày để phòng tránh việc mất nước.
Để phát hiện một người rơi vào tình trạng đột quỵ, chúng ta có thể nhận biết và xử trí qua câu “Méo cười, ngọng nói, xuội tay – Mau gọi cấp cứu, đi ngay, đừng chờ” hoặc các dấu hiệu được viết tắt trong từ FAST :
F (Face): Người bệnh có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi cười, nhe răng.
A (Arm): Yếu liệt tay chân. Kiểm tra bằng cách yêu cầu người bệnh đưa hai tay lên duy trì tư thế duỗi thẳng hai tay ra phía trước để phát hiện sự bất đối xứng khi so sánh hai bên.
S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó hoặc câm lặng.
T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng trên một cách đột ngột, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa người bệnh đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Biện pháp sơ cứu có thể thực hiện trong khi chờ xe cứu thương bao gồm: đặt người bệnh nằm tư thế an toàn, có thề nằm nghiêng để tránh hít sặc thức ăn hoặc nước bọt do giảm khả năng nuốt, chuẩn bị đầy đủ thông tin hồ sơ bệnh lý và thời điểm dùng thuốc sau cùng của người bệnh, không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì qua đường miệng để tránh hít sặc.