Tài sản ròng của VEIL đã lần đầu xuống dưới 1 tỷ USD kể từ năm 2017. Dragon Capital Group không có hành động mua bán lớn, quỹ vẫn đầu tư dài hạn bằng việc nắm giữ cổ phiếu.
Dragon Capital không mua bán lớn, nắm giữ là đầu tư dài hạn
Trong buổi họp trực tuyến ngày 27/3, lãnh đạo của Dragon Capital Group cho biết khối ngoại rút ròng kỷ lục, gấp 3 lần giá trị bán ròng của cuộc khủng hoảng năm 2008. Điều tích cực là lãi suất ổn định và tiền đồng mất giá ít nhất so với USD.
Khối ngoại bán ròng hơn 10.000 tỷ đồng trong quý I, tương ứng khối lượng bán ròng là 543,6 triệu cổ phiếu. Chỉ riêng tháng 3, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.833 tỷ đồng với các cổ phiếu lớn như MSN, VIC hay HPG.
Trong danh mục 60 cổ phiếu lớn nhất, Dragon Capital Group dự phóng giá trị P/E của các cổ phiếu này trong năm 2020 ở mức 8,7 lần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu (sale growth) đạt 9,9% nhưng tăng trưởng lợi nhuận ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự kiến giảm 2%.
Định giá top 60 cổ phiếu của Dragon Capital Group |
Theo Dragon Capital, khả năng gia nhập lại thị trường Việt Nam của khối ngoại vẫn bị hạn chế bởi cổ phiếu hết room. Chính phủ sẽ chưa cấp phép cho chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDRs) trước 2022-2023, nhưng sẽ cho phép một số quỹ phát hành chứng chỉ quỹ liên quan đến cổ phiếu hết room như VN Finlead, VN Diamond. Đây sẽ là một động lực cho thị trường sau Covid-19.
Khi Covid-19 bùng phát, Dragon Capital đã xem xét lại toàn diện danh mục đầu tư và vẫn hoàn toàn tự tin vào các khoản nắm giữ này. Kể từ đó, quỹ đã không có hành động mua, bán nào đáng kể. Tiếp tục nắm giữ là chiến lược đầu tư dài hạn thực chất.
Theo danh mục công bố ngày 15/3, ACB chính là khoản đầu tư lớn nhất của Dragon Capital Group với tỷ trọng 10,05%, tiếp đến là MWG với 9,2%, Vinhomes có 8,6% và Hòa Phát chiếm 5,72% toàn danh mục của quỹ.
Về vĩ mô, quỹ đầu tư lâu đời của Việt Nam đưa ra 3 kịch của dịch Covid-19. Với kịch bản xấu nhất (ngăn chặn được vào tháng 7), tăng trưởng GDP Việt Nam chỉ đạt mức 2,8%, trong đó nhóm ngành dịch vụ có thể còn giảm 0,3%.
Với kịch bản cơ sở (ngăn chặn vào tháng 6 và các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại trong tháng 7), quỹ dự báo tăng trưởng GDP cả nước ở ngưỡng 4,9% trong năm nay.
Với kịch bản khả quan (ngăn chặn trong tháng 5 và doanh nghiệp hoạt động bình thường vào cuối tháng 6), tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được dự báo ở mức 5,4%, nhỉnh hơn so với mức tăng trưởng 5,3% của cuộc khủng hoảng năm 2008.
NAV của VEIL lần đầu xuống dưới 1 tỷ USD kể từ năm 2017
Ngày 30/3, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) thông báo giá trị tài sản ròng (NAV) đạt· 982,6 triệu USD, lần đầu tiên xuống dưới 1 tỷ USD kể từ đầu năm 2017. Giá trị tại ngày 31/3 tiếp tục giảm về 973,9 triệu USD.
Như vậy tính từ đầu năm 2020, NAV quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital giảm 34%, tương đương mức giảm 500 triệu USD (gần 11.900 tỷ đồng).
VEIL là một quỹ đóng được thành lập năm 1995 tại quần đảo Cayman với giá trị ban đầu khoảng 16 triệu USD. Đây được xem là quỹ đầu tư lâu đời và lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Quỹ tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp trước khi IPO.
Năm 2015, Dragon Capital đã sáp nhập Quỹ Tăng trưởng Việt Nam (Vietnam Ground Fund – VGF) vào VEIL. Đến tháng 7/2016, VEIL chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán London và giá trị tài sản liên tục tăng. Cuối tháng 1/2017, NAV của quỹ lần đầu vượt 1 tỷ USD và đạt mức kỷ lục hơn 1,85 tỷ USD vào đầu tháng 4/2018 trước khi giảm sâu như hiện nay.
Việc mất mốc 1 tỷ USD của VEIL do sự sụt giảm của thị trường chung khiến Việt Nam thiếu vắng các quỹ đơn lẻ có tài sản hơn 1 tỷ USD, khi ngay cả KIM Vietnam hay VOF của VinaCapital cũng chứng kiến NAV giảm mạnh thời gian qua.
Danh mục VEIL tại ngày 26/3. |
Theo báo cáo danh mục mới nhất tại 26/3, cổ phiếu MWG là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ với tỷ trọng 9,28%. Khẩu vị đầu tư chính của VEIL vẫn là ngân hàng (26,8%) và bất động sản (26,7%). Đáng chú ý là VEIL cũng nắm giữ các cổ phiếu cạn room (FOL) lớn nhất trong số các quỹ ngoại với tỷ trọng 43,7% tổng tài sản quản lý.