Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số cho rằng doanh nghiệp cần “khám tổng quát” để biết được mức độ chuyển đổi sô và có hướng đi phù hợp.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Ứng biến linh hoạt trong kỷ nguyên công nghệ” hôm 25/11, nằm trong khuôn khổ diễn đàn Shark Tank Forum 2022 – STF5, ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh chuyển đổi số DTS cho biết trong quá trình thực hiện chuyển đổi số với mỗi quy mô doanh nghiệp khác nhau sẽ có những vấn đề khác nhau. Tại các doanh nghiệp lớn, việc chuyển đổi số thường gặp rào cản về văn hóa, điển hình là văn hóa dữ liệu và quy trình bởi liên quan tới lợi ích nhóm.
“Nếu trước đây chúng tôi tiếp cận các doanh nghiệp lớn gặp rào cản từ mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo công ty, ban quản trị và nhân viên thì hiện tại điều “đau đầu” nhất là việc các đơn vị kinh doanh đa ngành. Để chuyển đổi số hiệu quả, họ cần một “kiến trúc sư trưởng” để hợp nhất các ngành kinh doanh lại giúp cho việc kiểm soát dễ dàng hơn”, ông Bảo cho hay.
Tại các doanh nghiệp tồn tại những vấn đề liên quan đến bảo mật, mã hóa dữ liệu khiến cho việc chuyển đổi số gặp vướng mắc. Đối với vấn đề quy trình, lãnh đạo DTS cho rằng nhiều doanh nghiệp phát triển quá nhanh và không kịp đóng gói quy trình, ảnh hưởng đến tốc độ chuyển đổi số.
Đối với các doanh nghiệp vừa, quy mô từ 100 đến vài trăm nhân sự, rào cản thường gặp là không biết bắt đầu từ đâu. Các doanh nghiệp vừa có mức độ chuyển đổi số không đồng đều, phụ thuộc vào khả năng công nghệ của người đứng đầu từng phòng ban. “Người nào giỏi thì ứng dụng nhiều, sử dụng công nghệ hiệu quả. Người nào không giỏi thì không sử dụng công nghệ. Lúc này, chiến lược, chiến thuật tiếp cận chuyển đổi số sẽ gặp vấn đề”, ông Bảo nói.
Chủ tịch DTS nhận định với doanh nghiệp SMEs chuyển đổi số có thể chia ra làm ba mức, gồm chuyển đổi số theo chức năng; chuyển đổi số theo trung tâm (chuyển đổi một lần lần 3 – 4 chức năng); chuyển đổi số toàn phần. Với việc chuyển đổi số toàn phần, doanh nghiệp có thể đưa toàn bộ dữ liệu về chung một “rổ”, tránh sử dụng nhiều phần mềm nhưng lại không liên kết được với nhau, gây nên những tổn thất cho chính doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp siêu nhỏ, rào cản lớn nhất là nguồn lực trong khi đây vốn là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số.
Trả lời câu hỏi chuỗi cửa hàng chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, ngân sách bao nhiêu là đủ, ông Trương Gia Bảo dẫn chứng mô hình MT (Modern Trade). Để quản lý đồng bộ chất lượng cửa hàng giống nhau, cần phải có quy trình, quy chuẩn. Mô hình chuỗi cần chuyển đổi số khâu kinh doanh cũng như quản lý bán hàng, kho bãi. Khó khăn sẽ là nguồn lực – mức độ ứng dụng công nghệ của nhân viên. Chi phí chuyển đổi số cũng khác nhau tùy vào ngân sách và chiến lược uốn đi nhanh hay “vừa đi vừa học”. “Nếu ngân sách vừa phải nên tiến hành “chuyển đổi số du kích”, sử dụng linh hoạt theo phần mềm, phần mềm có tính năng gì thì sử dụng tính năng đó hoặc sử dụng thêm các phần mềm phụ trợ khác”, ông Bảo nói.
Với một doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi số, lãnh đạo DTS cho rằng vẫn cần “khám tổng quát” để xác định đang ở cấp độ nào.
Mức độ chuyển đổi số của các phòng ban phụ thuộc vào mức độ công nghệ của người đứng đầu phòng ban đó. Việc “khám tổng quát” sẽ biết được cấp độ chuyển đổi số của các phòng ban, cần ứng dụng thêm những gì và thêm bao nhiêu nhân sự để nâng cấp mức độ. “Tốt nhất, cần xác định được cấp độ chuyển đổi số của từng phòng ban. Sau đó mới lập kế hoạch đầu tư để nâng cấp”, lãnh đạo DTS nói.
Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số Việt Nam từ con số 18 tỷ USD năm 2021 dự kiến tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2022. Với tỷ lệ 28%, nền kinh tế số Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ tăng trưởng. Trong đó, 90% người dùng số dự định duy trì, thậm chí gia tăng tiêu dùng thương mại điện tử.
Dự kiến nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 31% giai đoạn 2022 – 2025. Cơ hội rõ nét hơn khi sau đại dịch có tới hơn 90% doanh nghiệp SMEs quan tâm đến chuyển đổi số, so với con số chỉ 30 – 40% trước đại dịch.
Việt Nam cũng được nhận định đang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế số với cơ cấu dân số trẻ. Với hai trong số các trụ cột chính giúp nắm bắt tiềm năng chuyển đổi số là phát triển hệ sinh thái công nghệ và đào tạo kỹ năng số cho người lao động, sinh viên, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu đổi mới sáng tạo.
Theo khảo sát của Vinasa, tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. Trong đó, 99% SMEs gặp khó khăn về vốn nên thường coi chuyển đổi số là “sân chơi” dành riêng cho các ông lớn.
Diễn đàn Shark Tank Forum 2022 – STF5 với chủ đề “Đột phá tăng trưởng trong nền kinh tế số – Hacking growth in the digital economy” đã cập nhật bức tranh kinh tế số ở Việt Nam năm 2023, thảo luận các giải pháp chuyển đổi số, đồng thời gợi mở những cơ hội tiềm năng để nâng cao hiệu quả, hoạt động sản xuất, bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Hoài Phương