Đại diện DTS giới thiệu hình thức ứng dụng NFT vào du lịch, tại hội thảo về phát triển ngành trong thời kỳ bình thường mới, giữa các doanh nghiệp Australia và ASEAN.
Nền kinh tế du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Đại dịch đã tạo ra sự thay đổi dài hạn và gián đoạn hoạt động của ngành. Để hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch, nhiều dự án, chương trình đã được tổ chức. Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số để có khả năng phục hồi” bàn về kinh tế nền du lịch trong thời kỳ mới thuộc khuôn khổ dự án hỗ trợ du lịch phát triển sau đại dịch do Hội đồng Australia – ASEAN, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ đã diễn ra hôm 24/11 và thu hút sự tham gia của các bên liên quan trong ngành ở Australia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam cùng với các quốc gia ASEAN khác.
Tại hội thảo, ông Trương Gia Khánh, Giám đốc kinh doanh DTS Group kiêm giám đốc điều hành DTS Foundation, Việt Nam đã chia sẻ với bạn bè quốc tế về hình thức ứng dụng NFT vào ngành du lịch.
Ông Khánh diễn giải, NFT là một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số (blockchain), tức là bản ghi nhận các giao dịch trên máy tính kết nối mạng. Chuỗi số đóng vai trò như một sổ cái chung, cho phép mọi người xác minh tính xác thực của NFT lẫn chủ sở hữu. Không giống với các vật thể số có thể tái sản xuất vô hạn khác, mỗi NFT có chữ kí số riêng biệt, đánh dấu tính độc nhất của nó. Với sự phát triển của kỹ thuật số như hiện nay, NFT được áp dụng để mã hóa giá trị của những tác phẩm nghệ thuật thông qua xác minh quyền sở hữu. Tác phẩm nghệ thuật được chuyển đổi thành tệp tài sản kỹ thuật số trên nền tảng Blockchain, làm cho việc mua và bán trở nên dễ dàng và minh bạch. Ứng dụng NFT vào các tác phẩm nghệ thuật như hiện nay là cuộc cách mạng trong ngành nghệ thuật vì giúp các họa sĩ bảo vệ bản quyền tác phẩm nghệ thuật – điều luôn gây tranh cãi từ trước đến nay.
Trong tương lai, NFT dự kiến sẽ được sử dụng rộng rãi trong mọi mặt của cuộc sống, mã hóa tất cả tài sản, quyền sở hữu trí tuệ… bởi tính vĩnh viễn và độc nhất của chuỗi số. Ông Trương Gia Khánh nhận thấy áp dụng NFT vào ngành du lịch sẽ có các ưu điểm: quảng bá dịch vụ, kinh doanh trải nghiệm người dùng thực tế ảo, giữ chân khách hàng bằng chăm sóc sau sử dụng dịch vụ. Năm 2021, triển lãm nghệ thuật NFT với sự hợp tác của The Crypt Gallery đã diễn ra tại khách sạn Dream Hollywood (Mỹ), là một trong những cuộc triển lãm đầu tiên của nghệ thuật NFT trong môi trường khách sạn. Triển lãm mở cửa miễn phí cho công chúng đến năm 2022 tại sảnh của khách sạn, là cơ hội để mọi người tìm hiểu và xem cận cảnh NFT mà không phải trả phí.
Trước đó vài tháng, một phòng trưng bày ở thành phố New York đã trở thành nơi đầu tiên trưng bày NFT về mặt vật lý. Sau triển lãm tại Dream Hollywood, những cuộc triển lãm tương tự dần xuất hiện ở các thành phố lớn như London, Chicago…
Ông Trương Gia Khánh cho biết, thông qua thành công của triển lãm tại khách sạn Dream Hollywood, công chúng thấy được sự mới lạ của công nghệ NFT và những tiện ích của kỹ thuật số. Ngành du lịch Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ NFT với các tính năng đặt chỗ, chia sẻ, tặng và bán lại phòng cho người khác nhờ nền tảng giao dịch phong phú. Với nền tảng giao dịch dịch vụ du lịch trực tuyến NFT thế hệ mới dựa trên công nghệ blockchain, du khách có thể đặt phòng khách sạn với giá rẻ ở nhiều nơi trên thế giới, đồng thời chủ động trong việc đặt phòng lưu trú, hoán đổi hay bán lại, cho tặng các gói du lịch NFT mà không cần qua đơn vị trung gian. Việc áp dụng NFT vào ngành du lịch có mục đích lấy khách du lịch làm trọng tâm. Các khách sạn, điểm nghỉ dưỡng, công ty kinh doanh dịch vụ, điều hành du lịch và lữ hành cũng như nhà đầu tư muốn đầu tư vào ngành du lịch và lữ hành sẽ là chủ thể tham gia trực tiếp.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng làm rõ thế mạnh của công nghệ blockchain. Áp dụng NFT vào ngành du lịch không chỉ là bước chuyển mình sáng tạo nhằm mục đích mở rộng thị trường, mà còn mở rộng cơ hội kinh doanh, tạo thêm một hướng tiếp cận khách hàng mới cho ngành du lịch.
Diệp Chi