chuyên gia phân tích của Citigroup nhận định, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến cắt giảm lãi suất 5 lần trong năm nay sẽ đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce vào nửa đầu năm 2025.
Giá vàng sẽ cán mốc 3.000 USD/ounce trong 12 tháng tới?
Trang Kitco News dẫn lời ông Max Layton – Giám đốc Toàn cầu của Citigroup Commodities Research – cho rằng, sự sụt giảm giá vàng hiện tại chỉ là tạm thời vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất. Động thái này có thể sẽ đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce trong 12 tháng tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV mới đây, nhà phân tích thị trường Max Layton đã chia sẻ quan điểm về vai trò của đồng USD trên thị trường kim loại quý, trong đó có vàng. “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến 5 đợt cắt giảm của FED trong năm nay, hạ lãi suất vào cuối năm nay và đầu năm sau. Điều này chắc chắn sẽ là xương sống cho đà tăng giá tiếp theo của vàng”, ông Max Layton nói.
Chuyên gia của Citigroup phân tích: Vàng là tài sản có đòn bẩy cao nhất trước những biến động lãi suất, và có thể sẽ cán mốc 3.000 USD/ounce vào giữa năm sau.
Gần đây, nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc cũng đẩy mạnh mua vàng, đồng thời xuất hiện xu hướng chuyển chi tiêu từ bất động sản sang vàng trong lĩnh vực bán lẻ ở Trung Quốc. Nhu cầu quá lớn của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đáng kể tới giá vàng.
Hồi tháng 4 vừa qua, ông Aakash Doshi, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa của Citigroup ở Bắc Mỹ cũng cho biết, giá vàng rất có thể sẽ đạt 3.000 USD/ounce trong năm tới do nhu cầu gia tăng của nhà đầu tư.
Chuyên gia Aakash Doshi cho biết, nhu cầu tài chính đối với vàng tăng mạnh, hiện đã cao hơn xu so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi cũng tăng lượng vàng mua vào trong mấy năm qua. Giá vàng có khả năng sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce vàng trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Động lực mới cho vàng nhờ tiện ích trong thương mại toàn cầu
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ miễn cưỡng cắt giảm lãi suất do lo ngại lạm phát đang tạo ra biến động trên thị trường kim loại quý. Ông Steve Land – Giám đốc danh mục đầu tư chính của Quỹ kim loại quý Franklin Templeton – cho rằng, việc sử dụng vàng ngày càng tăng trong giao dịch thanh toán thương mại quốc tế.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tiếp tục mua vàng với tốc độ chưa từng có và nhu cầu này đã thống trị thị trường kể từ năm 2022, tăng hơn 2.000 tấn trong hai năm qua.
Ông Steve Land cho rằng, đồng đô la Mỹ đang bị thay thế như một loại tiền tệ toàn cầu, bên cạnh đó, một phần thương mại toàn cầu cũng có thể được giao dịch thông qua vàng. Tiện ích mới này đối với vàng là một trong những yếu tố khiến nhu cầu vàng gia tăng đáng kể.
Trong báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng quý 1/2024, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu vàng vật chất toàn cầu đã tăng lên 1.238 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù giá vàng đã tăng đáng kể trong những tháng gần đây, nhưng vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư, chuyên gia Steve Land nêu ý kiến.