Dư địa giảm lãi suất, cho vay đã không còn nhiều

Tỷ lệ cho vay trên huy động tại thị trường 1 cũng như tỷ lệ huy động từ thị trường liên ngân hàng đang giảm dần.

Ngày 4/10, Ngân
hàng Nhà nước cho biết, trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và xu hướng
lạm phát tăng ở mức thấp, đánh giá về sự ổn định của thị trường ngoại hối và tỷ
giá, Ngân hàng Nhà nước nhận định dư địa để giảm mặt bằng lãi suất trong năm
2013 là không còn nhiều.

Mặt bằng lãi suất cho vay giảm 9-12%

Theo lý giải của
Ngân hàng Nhà nước, thực tế, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm 2%/năm các mức
lãi suất điều hành, chỉ điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất tối đa áp dụng đối với
tiền gửi dưới 12 tháng từ cuối tháng 3/2013.

Bên cạnh việc
quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực,
ngành kinh tế và kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất các khoản vay cũ về
dưới 13%/năm thì việc lãi suất huy động giảm đã tạo điều kiện cho các tổ chức
tín dụng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay, qua đó chia sẻ khó khăn đối với
các doanh nghiệp.

Đến nay mặt bằng
lãi suất cho vay giảm khoảng 9-12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở
về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, thấp hơn năm 2007, lãi suất đã không
còn là cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người
dân.

Hiện lãi suất
cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 7-9%/năm, lĩnh vực sản xuất,
kinh doanh ở mức 9-11%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt lãi suất cho vay
chỉ từ 6,5-7%/năm.

Ngân hàng Nhà nước
khẳng định, từ quý IV năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất
phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát, đồng thời
hài hòa trong mối quan hệ với tỷ giá đã phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ ổn
định thị trường ngoại hối và tỷ giá. Tính từ năm 2011 tới nay, mặt bằng lãi suất
huy động đã giảm mạnh khoảng 7-10%/năm so với thời điểm giữa năm 2011.

Đồng tình với
quan điểm trên, tại báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng nhận định
thị trường tiền tệ trong 9 tháng đầu năm 2013 tiếp tục có những cải thiện tích
cực.

Theo lý giải của
Ủy ban này, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố và hiện khá dồi dào
so với giai đoạn trước do tốc độ tăng huy động luôn đạt mức tăng cao hơn nhiều
so với tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống. Lãi suất cho vay trên thị trường
liên ngân hàng dù có một số thời điểm tăng đột biến nhưng nhìn chung đã duy trì
được sự ổn định với lãi suất luôn ở mức thấp (khoảng 3-4% ) trong phần lớn thời
gian của 9 tháng.

Ủy ban Giám sát
cũng cho biết, tỷ lệ cho vay trên huy động tại thị trường 1 (huy động và cho
vay giữa các ngân hàng thương mại và người dân) cũng như tỷ lệ huy động từ thị
trường liên ngân hàng đang giảm dần cho thấy những tín hiệu tích cực khi mức độ
rủi ro trong hoạt động của đa phần các tổ chức tín dụng và của toàn hệ thống đã
giảm đáng kể.

Tỷ giá tiếp tục ổn định

Trong công tác
điều hành tỷ giá, tiếp theo thành công năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra
cam kết biến động tỷ giá trong khoảng 2–3% trong năm 2013. Ngày 28/6/2013, Ngân
hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ mức 20.828
VND/USD tăng 1% lên mức 21.036 VND/USD và đồng thời thực hiện một loạt các giải
pháp hỗ trợ khác trong đó có việc quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền
gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn.

Ngoài ra, Ngân
hàng Trung ương cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng
USD của tổ chức và cá nhân tại tổ chức tín dụng để hỗ trợ duy trì được mức
chênh lệch lợi tức giữa việc nắm giữa VND và USD nhằm đảm bảo việc điều chỉnh tỷ
giá không gây biến động trên thị trường. Từ đó đến nay, tỷ giá và thị trường
ngoại hối đã ổn định trở lại và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ngoại tệ tăng dự
trữ ngoại hối Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước
cũng đồng thời phát hành tín phiếu để trung hòa lượng tiền cung ứng qua kênh
mua ngoại tệ nên mặc dù dự trữ ngoại hối tăng rất mạnh, một lượng lớn nội tệ
cung ứng ra thị trường nhưng không gây áp lực lên lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực
đến công tác điều hành lãi suất và tỷ giá.

Ủy ban Giám sát
cũng cho rằng, tỷ giá hối đoái từ đầu năm đến nay khá ổn định và chỉ có vài biến
động nhỏ mang tính thời vụ và tâm lý nhất thời. Theo nhận định của Ủy ban này,
thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được
sự ổn định trong những tháng cuối năm 2013 do cung và cầu ngoại hối trên thị
trường trong những tháng cuối năm vẫn ổn định, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng
khá.

Ngân hàng Nhà nước
khẳng định, với việc thực hiện chủ động, linh hoạt, đồng bộ các biện pháp điều
hành trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã đồng thời thực hiện được hai mục
tiêu quan trọng, đó là giảm mặt bằng lãi suất VND góp phần hỗ trợ sản xuất kinh
doanh, tăng trưởng tín dụng, cùng với đó, vẫn duy trì được ổn định thị trường
ngoại hối và tỷ giá.

Theo Thúy Hà

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin