Chỉ trong vòng 15 ngày, giá vàng giảm hơn 10% tương đương gần 10 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia cho rằng, đây là kênh đầu tư biến động, rủi ro. Trong năm 2024, giá vàng được dự báo khó tăng mạnh.
2 tuần trước, ngày 26/12, giá vàng SJC lập đỉnh khi chạm mốc 80 triệu đồng/lượng. Những nhà đầu tư ôm vàng vỡ òa vì lãi đậm. Nhưng ngay sau đó, giá vàng biến động trồi sụt liên tục và chưa thể quay lại mốc lịch sử mới thiết lập.
Đến ngày 9/1/2024, giá vàng SJC mua vào chỉ còn quanh 71 triệu đồng/lượng và bán ra quanh 74 triệu đồng/lượng.
Nếu “đu đỉnh” vàng thì đến hiện tại, nhà đầu tư lỗ hơn 10% chỉ trong vòng 2 tuần. Sự biến động của kênh đầu tư vàng khiến các chuyên gia từng khuyến nghị người mua phải cẩn trọng, bởi đây là kênh đầu tư tăng, giảm ngắn hạn.
Theo ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân FDFI, vàng chỉ là tài sản phòng thủ trong ngắn hạn. Vị này nêu ra dẫn chứng về tốc độ tăng của giá vàng. Theo đó, nếu tính từ năm 2011-2019, giá vàng gần như tăng không đáng kể, dao động ở mốc 40 triệu đồng/lượng. Ở thời điểm 2013-2016, giá vàng giữ nguyên và đây là thời điểm nhiều nhà đầu tư lỗ vì vàng.
Giá vàng chỉ tăng trong vòng 2 năm trở lại đây với lợi nhuận ước tính khoảng 20% khiến nhiều người cho rằng đây là kênh đầu tư hấp dẫn. Nhưng ông Huấn nhận định: Giá vàng tăng khi kinh tế vĩ mô khó khăn. Ngược lại, nếu kinh tế vĩ mô ổn định, giá vàng sẽ giảm hoặc đi ngang. Đây là lý do mà ông Huấn dự báo năm 2024, giá vàng đi ngang hoặc tối đa tăng lên tới 85 triệu đồng/lượng. Nhưng trong năm 2025, ông Huấn khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua thêm mà giữ hoặc bán bớt do thời điểm đó kinh tế hồi phục, giá vàng sẽ giảm.
Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường Bất động sản (VIRES), trong năm vừa qua, tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư vàng chỉ ở mức trung bình, không thực sự hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Đây là kênh đầu tư phụ thuộc nhiều vào tình hình quốc tế, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại Ukraine, cũng như động thái của NHTW các nước, và các biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Nếu các yếu tố trên diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn, sẽ tác động mạnh hơn đến thị trường tài chính. Khi đó, vàng sẽ nổi lên là kênh trú ẩn an toàn, ổn định. Báo cáo của VIRES chỉ ra, từ đầu năm 2022 tới năm 2023, lợi suất đầu tư của vàng SJC chỉ ở mức 7,36%.
Ông Doanh nhấn mạnh, rủi ro đối với kênh đầu tư vàng là rất lớn và đây không dành cho số đông nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh giá vàng trong nước không thực sự liên thông với thị trường quốc tế, rủi ro sẽ càng lớn hơn; nhất là khi thị trường tài chính có biến động mạnh, giá vàng biến động mạnh, nhanh, thậm chí theo giờ. Đồng thời, việc Chính phủ, NHNN tiếp tục chính sách ổn định thị trường, kiên định mục tiêu giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, do đó, sẽ giảm mức hấp dẫn của kênh đầu tư vàng.
“Chính vì vậy, tùy khẩu vị của mình, nhà đầu tư nên cân nhắc, phân bổ một phần vừa phải đối với kênh đầu tư vàng này”, ông Doanh nói thêm.