Du lịch Việt chờ ngày ‘cùng thắng’ với visa chung 6 nước Đông Nam Á

Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam mong sáng kiến “6 quốc gia, một điểm đến” thành hiện thực, hứa hẹn thêm nhiều dịch vụ và sản phẩm với khách đường xa.

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ngày 9/10, nhân dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 44-45 ở Lào, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, trong đó có phối hợp với các nước liên quan triển khai thí điểm sáng kiến hợp tác du lịch “6 quốc gia, một điểm đến”.

Visa “6 quốc gia, một điểm đến” do Thái Lan đề xuấttừ tháng 4, để nước này và 5 quốc gia Đông Nam Á khác gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Myanmar thúc đẩy du lịch khu vực.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, nhận xét đây là thời điểm chín muồi để các nước Đông Nam Á bắt tay, thu hút khách. “Du lịch không còn ở thời hoàng kim như năm 2019, các nước cần hướng tới mục đích chung để cùng phát triển”, ông nói.

Khách nước ngoài du lịch Huế vào tháng 10/2023. Ảnh: Du Lịch Việt

Khách nước ngoài du lịch Huế vào tháng 10/2023. Ảnh: Du Lịch Việt

Theo tờ The Diplomat, tạp chí chuyên sâu về các vấn đề ở châu Á – Thái Bình Dương, du lịch Đông Nam Á sẽ mất vài năm để trở lại thời hoàng kim như năm 2019 – nhất là khi khách Trung Quốc, vốn đóng vai trò lớn cho sự bùng nổ trước dịch, vẫn chậm phục hồi. Trong dịp Tuần lễ Vàng của khách Trung Quốc (1-7/10), nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyên dòng khách này thừa nhận lượng khách chỉ bằng khoảng 10% trước dịch; hướng dẫn viên không có việc làm.

Phó tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt chuyên khai thác inbound kết hợp du lịch với hội thảo Phạm Anh Vũ nói khách thị trường xa đến Việt Nam thường muốn kết hợp du lịch các quốc gia lân cận để khám phá nhiều điểm đến trong một chuyến đi.

Thông thường, khi khách hết lịch trình ở Việt Nam, công ty sẽ tiếp tục làm thủ tục xin visa, đóng vai trò đầu mối tổ chức tour cho khách tới Campuchia, Lào bằng đường bộ hoặc thủy. Tuy nhiên, khi hết lịch trình, khách sẽ tự bay sang Thái Lan hoặc tới một quốc gia khác có hạ tầng sân bay, kết nối những điểm đến quốc tế tốt để trở về nước.

Nếu sáng kiến được thông qua, khách quốc tế, dành trung bình dành 7-14 ngày ở Việt Nam, có thể kéo dài lịch trình 3-4 tuần. Do hạ tầng sân bay của Việt Nam tốt hơn Lào và Campuchia, công ty lữ hành có thể tổ chức các tour từ đầu Việt Nam, đi tiếp đến hai nước này rồi trở lại để bay về nước.

Ông Vũ nói thêm các tour đa quốc gia đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa những công ty lữ hành ở từng nước. Ngoài ra, dịch vụ du lịch cần có quy chuẩn để du khách trải nghiệm liền mạch.

Ông Hoàng Thế Hậu, Giám đốc Du lịch Quốc tế Đại Việt, nhận thấy tiềm năng phát triển dòng sản phẩm tour caravan (xe du lịch tự lái) qua hai hoặc ba nước. Công ty này chủ yếu bán các tour caravan cho khách Đông Nam Á nhưng từng làm với một lượng nhỏ khách châu Âu. Đây có thể là một sản phẩm ”tuyệt vời” khi thủ tục đi lại giữa các nước Đông Nam Á thuận tiện hơn.

Ngoài ra, ông nhận định Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ được hưởng lợi từ các nước có hoạt động xúc tiến du lịch tốt như Thái Lan, Singapore hay Malaysia thông qua việc chia sẻ lượng khách, kinh nghiệm. Trong năm 2023, Malaysia đón nhiều khách nhất Đông Nam Á, xếp trên lần lượt Thái Lan, Singapore và Việt Nam. Với mô hình này, ông Hậu kỳ vọng cả 6 nước có thể bắt tay nhau để “cùng thắng”.

Khách quốc tế ở Hội An hồi đầu năm 2024. Ảnh: Đắc Thành

Khách quốc tế ở Hội An hồi đầu năm 2024. Ảnh: Đắc Thành

Sáng kiến ”6 quốc gia, một điểm đến” được xem như hình thức visa Schengen của Đông Nam Á. Theo Tạp chí du lịch thế giới (Travel and Tour World – TTW), visa Schengen đã kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua tăng lượng khách du lịch, đem doanh thu cho những doanh nghiệp địa phương. Visa Schengen tạo điều kiện cho khách di chuyển dễ dàng trong 29 quốc gia châu Âu, biến lục địa thành điểm hấp dẫn du khách toàn cầu. Ngoài ra, khoảng hơn 40 quốc gia cho phép miễn visa cho người sở hữu visa Schengen, khuyến khích du khách khám phá thêm nhiều điểm đến khác ngoài châu Âu.

TTW gọi thị thực chung 6 nước Đông Nam Á là “visa Schengen mới”, hứa hẹn thúc đẩy du lịch và lợi ích cho các nước tham gia. Anup Kumar Keshan, Tổng biên tập, nói các bên liên quan “cần có sự đồng thuận chung về tính cấp thiết của loại thị thực này”.

Tuy nhận định visa chung cho 6 quốc gia Đông Nam Á có thể tác động tích cực tới ngành du lịch như visa Schengen đã làm, nhiều người trong ngành đặt dấu hỏi về tính khả thi, đồng thời chỉ ra một số bất cập có thể xảy ra.

Đại diện Du lịch Việt lẫn Du lịch Liên Bang đều băn khoăn về chính sách chung bởi quy định nhập cảnh của mỗi nước khác nhau. Điều này cũng được đề cập bởi Fragomen – công ty hàng đầu trong lĩnh vực di trú, trụ sở ở Mỹ – khi bàn về sáng kiến “6 quốc gia, một điểm đến” hồi tháng 4. Theo đơn vị này, sáng kiến giàu tham vọng nhưng các quốc gia cần có đủ quyết tâm để thực hiện, bằng không việc đạt được visa như Schengen vẫn là “giấc mơ xa vời”.

Alex Sheal, sáng lập công ty du lịch Vietnam In Focus và đã hoạt động ở Việt Nam gần 10 năm, nói Việt Nam có thể là một trong những quốc gia hưởng lợi nhất khi thu hút thêm lượng không nhỏ khách du lịch đến Thái Lan. Tuy nhiên, nếu dành khoảng 2-3 tuần du lịch và không tốn thời gian xin visa, du khách có thể không dành nhiều thời gian ở Việt Nam để khám phá “thật sâu”.

Alex nói Việt Nam rất thú vị nhưng Campuchia có Angkor Wat còn Thái Lan sở hữu vô số đảo du lịch cạnh tranh cùng Phú Quốc. Đại diện Vietnam In Focus dự đoán chính sách này sẽ đem đến lợi ích lẫn cạnh tranh hơn cho các bên liên quan, đồng thời bày tỏ lo ngạinguy cơ quá tải du lịch như Venice hay Barcelona hiện tại.

“Mọi thứ vẫn chỉ là dự đoán và tôi cũng đang chờ đợi ngày sáng kiến này thành hiện thực”, Alex nói.

Tú Nguyễn

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin