Mới đây, Bộ Lao động Thương binh Xã hội mới công bố dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện Dự thảo đang được lấy ý kiến, dự kiến được thông qua vào giữa năm 2024.
Đáng chú ý, trong nội dung dự thảo, Bộ này đã đưa ra 2 phương án về mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động đang làm việc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
Cụ thể, ở phương án 1, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thoả thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Nghĩa là:
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH = Mức lương + Phụ cấp lương + các khoản bổ sung khác (xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động)
Cũng với đối tượng người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, ở phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương thángbao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Nghĩa là:
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH = Mức lương + Phụ cấp lương + các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động
Cùng với đó, dự thảo quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác mà không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
2 phương án đề xuất có gì khác so với quy định hiện hành?
Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP, hướng dẫn khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/20218 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Có thể thấy, phương án 1 cho thấy đề xuất về mức lương đóng BHXH vẫn được giữ nguyên như hiện nay (các khoản được xác định trong hợp đồng lao động). Tuy nhiên, phương án 2 đã có sự khác biệt khi nêu đây là các khoản theo quy định của pháp luật lao động.
Tức là, theo phương án 2, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước (nêu trong hợp đồng lao động) lẫn biến động trong quá trình làm việc của người lao động.
Như vậy, nếu phương án này được lựa chọn và áp dụng, mức lương đóng BHXH của người lao động sẽ tăng lên so với hiện nay.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng 2.000.000 đồng và cao nhất 36.000.000 đồng (mức này có thể sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế).
Mức lương hưu tăng do mức lương đóng BHXH tăng
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội vẫn giữ nguyên cách thức tính lương hưu như Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Cụ thể, mức lương hưu được tính dựa vào mức lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.
Như vậy, nếu như phương án 2 được lựa chọn và thông qua, đồng nghĩa với việc mức lương đóng BHXH của người lao động tại các doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn so với hiện nay, khiến cho mức lương hưu thực tế của người lao động sau này cũng sẽ tăng lên.
Mặt khác, thời gian tiam gia bảo hiểm xã hội – tiêu chí còn lại để tính lương hưu của người lao động cũng được điều chỉnh theo dự thảo Luật này. Theo đó, luật đã rút ngắn thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.