Dự trữ ngoại hối lập “đỉnh”mới, ngân hàng “rộng tay” bán USD

Nếu như trước đây khi nguồn cung ngoại tệ căng thẳng, việc mua USD tại các ngân hàng rất khó khăn. Nhưng hiện nay khi dự trữ ngoại hối tăng cao các ngân hàng cũng đã rộng rãi hơn trong việc bán USD.

Trong bài phát biểu mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016. Đây là mức dự trữ ngoại hối lớn nhất được công bố từ trước đến nay.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD. Như vậy, từ cuối tháng 6 đến nay, NHNN đã bơm ra một lượng tiền đồng lớn (khoảng 68.000 tỷ đồng) để mua ròng 3 tỷ USD.

Ở một diễn biến khác, trong hai phiên đầu tuần này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã có hai phiên điều chỉnh liên tiếp giá mua vào USD (giảm 5 đồng/USD/phiên) sau ba lần tăng giá mua vào kể từ đầu năm. Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, NHNN cũng đẩy mạnh phát hành tín phiếu cũng như nới kỳ hạn của tín phiếu lên, một nghiệp vụ để từng bước trung hòa bớt lượng tiền đồng đưa ra để mua vào ngoại tệ.

Cụ thể, trong ngày 10/10, NHNN đã nâng lượng tín phiếu phát hành mới lên 7.000 tỷ đồng thay vì mức 5.000 đồng/phiên như trước đó; kỳ hạn tín phiếu cũng ở mức dài hơn với 14 ngày, thay cho kỳ hạn 7 ngày thường xuyên phát hành gần đây. Trong ngày 11/10, khối lượng tín phiếu phát hành tiếp tục được nâng lên mức 8.000 tỷ đồng, vẫn với kỳ hạn 14 ngày.

Một số ngân hàng cũng rộng tay hơn trong việc bán USD cho khách hàng mua ngoại tệ để đi du lịch, du học, định cư, khám chữa bệnh tại nước ngoài, thậm chí mua ngoại tệ còn được tặng quà. Như tại Maritime Bank, giao dịch chỉ từ 1.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị quy đổi tương đương, sẽ được tặng tiền mặt tối thiểu 5 VND/USD và tối đa lên tới 10 VND/đơn vị ngoại tệ khác.

Hạn mức mua ngoại tệ cũng được áp dụng ở mức tối đa cho phép là 5.000 USD/người.

Trước đây khi nguồn cung ngoại tệ căng thẳng, việc mua USD tại các ngân hàng rất khó khăn và ngân hàng cũng giới hạn số lượng mua dưới mức tối đa cho phép.

Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt, cán cân vốn của Việt Nam đang có thặng dư tốt nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII). Giải ngân vốn FDI đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% YoY (year over year) trong khi vốn FII tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị mua ròng của khối ngoại ở hai kênh trái phiếu và cổ phiếu ba quý vừa qua ước tính đạt 1,4 tỷ USD.

Ngoài ra, nguồn kiều hối được nhận định vẫn duy trì ở mức khả quan (riêng nguồn kiều hối về TP HCM trong 9 tháng đầu năm đạt 3,3 tỷ USD). Tổng hợp các nguồn cho thấy cán cân cung cầu ngoại tệ trên thực tế có xu hướng nghiêng về phía cung và đây chính là điều kiện thuận lợi để NHNN tăng cường mua vào USD, cải thiện dự trữ ngoại hối.

“Mức kỷ lục mới của dự trữ sẽ là “tấm đệm” tốt, giúp NHNN có thêm công cụ để điều hành linh hoạt tỷ giá, đồng thời góp phần tăng thêm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai” – CTCK này nhận định.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin