25 năm kể từ ngày thành lập, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh vẫn có sức sống đặc biệt trong lòng bạn đọc nhờ cách tiếp cận đề tài đa dạng, sâu sắc và gần gũi, thiết thực.
Năm 1999, hưởng ứng cuộc vận động “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, bà Quách Thu Nguyệt (khi đó đang là Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Trẻ) đã đề xuất lập tủ sách mang tên “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, đến nay qua đôi lần thay đổi, hiện mang tên “Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh”.
Trong chương trình giao lưu tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM) sáng 18/5 nhân kỷ niệm 25 năm thành lập tủ sách, bà Quách Thu Nguyệt cùng các tác giả Dương Thành Truyền, Hà Minh Hồng và Nguyễn Minh Hải đã chia sẻ về những kỷ niệm, nguồn cảm hứng, mối duyên với tủ sách cũng như kỳ vọng duy trì, phát triển, mở rộng tủ sách trong tương lai.
Chân dung toàn diện, gần gũi của Hồ Chí Minh
Từ con số khoảng 20 tên sách ban đầu, tính đến năm 2024 Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đã xuất bản hơn 60 tựa, với gần 600.000 bản in. Các tựa sách phân chia theo các chủ đề, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng: Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ, Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, Chủ đề dành cho thanh niên, thiếu niên – nhi đồng, Bác Hồ với nền tảng chế độ, Chủ đề xây dựng Đảng, Học và làm theo Bác, Chủ đề quốc tế.
Từ trái qua: MC chương trình, TS Quách Thu Nguyệt, PGS.TS Hà Minh Hồng, Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, nhà báo Dương Thành Truyền tại buổi giao lưu. Ảnh: BTC. |
Tựu trung, tủ sách có thể chia làm hai phần lớn: các sáng tác của Hồ Chí Minh và các sáng tác của tác giả khác về Hồ Chí Minh. Theo đó, từ nội dung ban đầu lấy từ các tác phẩm Hồ Chí Minh để lại và tổng hợp, biên soạn thành các tựa sách như Lịch sử nước ta; Đời sống mới; Sửa đổi lối làm việc; Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ phụ trách nội dung đã chọn ra những đề tài chi tiết, đặt hàng các tác giả khác khai thác khía cạnh cụ thể, chuyên sâu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người.
Đơn cử xoay quanh tác phẩm Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Vũ Kỳ – thư ký của Bác – đã kể lại khá chi tiết quá trình viết di chúc qua nhiều lần chỉnh sửa, trau chuốt của Người bắt đầu từ tháng 5/1965 cho đến lúc hoàn thành trong Bác Hồ viết di chúc. Còn nhà báo Dương Thành Truyền đã quan sát qua lăng kính ngôn ngữ học và phân tích, lý giải phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh, nhìn trên hai bình diện dọc (cách lựa chọn từ ngữ) và ngang (cách sắp xếp câu, đoạn trong văn bản) trong Di chúc của Bác Hồ – Một giáo trình tiếng Việt độc đáo.
Ông Dương Thành Truyền bày tỏ lòng kính ngưỡng với đóng góp của Bác cho ngôn ngữ dân tộc, qua ba ví dụ đơn giản và điển hình nhất: chỉ 1-2 năm sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đất nước có 90% là nông dân, phần lớn không biết chữ đã thành công xóa nạn mù chữ; sự cẩn trọng của Người với các sáng tác của mình, ví dụ điển hình là di chúc – văn bản chỉ 1000 chữ nhưng chỉnh sửa nhiều lần trong 4 năm để đạt đến độ toàn bích của một văn bản chính luận; khối tác phẩm dồi dào gồm nhiều truyện, ký, thơ, bài báo.
Ông Truyền cũng chia sẻ thêm rằng, di chúc thể hiện tầm nhìn xa trông rộng vượt thời đại của Hồ chủ tịch, với những căn dặn về việc “chỉnh đốn Đảng”, đưa phụ nữ vào giữ thêm nhiều chức vụ lãnh đạo cao…
Về công trình nghiên cứu của Dương Thành Truyền, GS.TS Nguyễn Đức Dân nhận xét: “Qua những dẫn liệu cụ thể, tác giả đã chứng minh một cách sinh động tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực của Bác Hồ: cẩn trọng sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, từng đoạn kết nối nhau theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm đến cách diễn đạt trong sáng, giản dị nhất có thể mà lại hiệu quả tối đa… di chúc trở thành một văn bản toàn bích, một giáo trình tiếng Việt độc đáo”.
PGS.TS Hà Minh Hồng, chủ biên nhiều tựa sách trong Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh chia sẻ ông đã nghiên cứu về Bác từ lâu, sau đó tình cờ có cơ hội làm việc với nhóm tác giả biên soạn mà đưa được những câu chuyện về Bác đến gần gũi hơn với bạn đọc. Ông tâm sự rằng những cuốn sách nội dung ngắn gọn, súc tích nhưng đều là tâm huyết làm việc trong thời gian dài của các tác giả. Có tác phẩm chỉ vỏn vẹn 80 trang nhưng nhóm sáng tác làm việc trong 8 tháng.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, tác giả một số tựa sách như Học và làm theo Bác, Học Bác lòng ta trong sáng hơn chia sẻ rằng dù bản thân đã bắt đầu nghiên cứu về Hồ Chí Minh từ hơn 15 năm trước, nhưng quá trình viết sách chính là “quá trình học tập, đào sâu”. Từ những mẩu truyện kể về bác, như cách làm mà một số tác giả trước đây đã làm, ông biên soạn ra những câu chuyện ngắn, gợi suy tư, bài học cụ thể, phù hợp sử dụng cho hoàn cảnh giáo dục đặc biệt như kể truyện trong giờ chào cờ.
Tài sản vô giá trăm năm
Tại Đường sách Nguyễn Văn Bình đang diễn ra hoạt động trưng bày đến hết ngày 19/5 nhân kỷ niệm 25 năm thành lập tủ sách. Ảnh: BTC. |
Với niềm tự hào về “đứa con tinh thần” của mình, TS Quách Thu Nguyệt nhận định có ba lý do khiến một bộ sách tư tưởng – chính trị ngỡ rất khô khan như vậy lại thành công về mặt tiếp cận bạn đọc, ghi nhận thành quả thương mại, tuy không nhận tài trợ của nhà nước nhưng không hề chịu lỗ mà thậm chí có lời.
Trước nhất, bà nhấn mạnh bộ sách khai thác nguồn tài sản vô giá mà Hồ chủ tịch để lại. Khối tài sản này không chỉ là trước tác đồ sộ, mà cả tình cảm, ký ức Người dành cho nhân dân, cho chiến sĩ, cho người lao động, cho thiếu nhi…
Thứ hai, đội ngũ người làm sách xác định rằng tủ sách hướng đến đối tượng bạn đọc là người trẻ, người đọc phổ thông, do đó tuyển chọn, biên soạn những tác phẩm mỏng, dễ đọc, khai thác chủ đề cụ thể, sâu sắc nhưng cách viết không quá hàn lâm, học thuật. Về mặt hình thức, NXB liên tục nghiên cứu cách làm mới, như bộ sách có format (thiết kế, trình bày) đồng bộ, thực hiện đóng gói thành bộ sản phẩm quà tặng, hay in ở khổ hộ chiếu dễ bỏ túi mang đi.
Hiện nay, bộ sách cũng đã được số hóa, biên soạn thêm ở hình thức sách tranh và bản đồ. Lắng nghe đóng góp của bạn đọc, bà Thu Nguyệt cho biết nhà xuất bản có thể cập nhật với xu thế đọc hiện nay, ra mắt thêm sách nói để tiếp cận nhiều độc giả hơn. Các diễn giả khác cũng đồng tình rằng nhà xuất bản có thể áp dụng các công nghệ hiện đại để bộ sách thêm sinh động.
Thứ ba, lấy tiêu chí kinh doanh sáng tạo, đơn vị làm sách luôn lựa chọn “điểm rơi” để truyền thông quảng bá. Đơn cử như dịp này nhân kỷ niệm 25 năm thành lập tủ sách, cũng là kỷ niệm 134 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, 55 năm thực hiện di chúc Bác, nhà xuất bản có cách quảng bá hiệu quả.
Chia sẻ tại chương trình, có bạn đọc nhận định bộ sách “khô cứng nhưng không khô khan, kinh viện nhưng không giáo điều”, có thể phục vụ cho công tác giáo dục lịch sử trong nhà trường.
TS Thu Nguyệt bày tỏ kỳ vọng cũng như niềm tin rằng tủ sách sẽ có sức sống và giá trị đến trăm năm, chứ không chỉ một phần tư thế kỷ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.