TTO – Bắt đầu bằng một sạp rau ở chợ, sau gần bảy năm, nhóm sinh viên ấy đã cho ra đời sáu cửa hàng “Nông sản nhà quê” và đang chuẩn bị để có thể mở thêm cửa hàng tại vài nơi khác.
Dù là người tạo ra hay chỉ là nhân viên, ở “Nông sản nhà quê” mọi người đều mong làm việc cùng nhau như một gia đình – Ảnh: Q.L.
Tụi mình cam kết đưa đến người dùng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc và nỗ lực để tạo dựng văn hóa tập thể khi mọi nhân viên ở “Nông sản nhà quê” xem nhau như trong một nhà
LÊ CHIÊU TRUNG
Điều hành chuỗi cửa hàng như một siêu thị thu nhỏ toàn người trẻ, chủ yếu U-30. “Nông sản nhà quê” dĩ nhiên sẽ nhiều mặt hàng nông sản song khách hàng còn có thể mua thịt, cá tươi sống hằng ngày và cả nhiều loại đồ khô khác nữa.
An toàn là tiêu chuẩn hàng đầu
Sạp rau đầu tiên của nhóm là thành quả của nhiều ngày lân la làm quen, xin gửi vào sạp rau của cô Lê Thị Khang (hiện trở thành nhân viên bán hàng của “Nông sản nhà quê”) trong một ngôi chợ ở Q.Gò Vấp (TP.HCM). Khi ấy, các bạn đang là sinh viên năm thứ hai của nhiều trường khác nhau, cùng mê nông nghiệp nên gửi những thứ rau củ an toàn họ tìm được tại các vùng trồng rau nổi tiếng cả nước.
Lê Chiêu Trung – thành viên sáng lập – nhớ rằng khi ấy người mua đón nhận nhưng còn khá dè dặt bởi “họ cũng chưa tin lắm vào độ an toàn của sản phẩm”. “Thực tế đến vùng nguyên liệu, bà con sản xuất ra nhưng hàng không đến tay người tiêu dùng. Hơn sáu năm qua tụi mình chỉ đi tìm cách giải bài toán niềm tin đó” – Trung nói.
Hà Huy Hải, người có mặt từ những ngày đầu, từng rời nhóm rồi quay lại để lo khâu kiểm định chất lượng các mặt hàng đúng chuyên môn tốt nghiệp công nghệ hóa thực phẩm của mình.
“Chưa có sự cố gì nghiêm trọng nhưng ban đầu tụi mình quá tin vào các thông tin của nhà sản xuất về chất lượng sản phẩm mà ít khi kiểm định. Nhận thấy vậy có thể ảnh hưởng khách hàng nên tụi mình chuyển hướng” – Hải chia sẻ.
Dù có đủ cam kết của nhà cung cấp song định kỳ các bạn vẫn phải làm kiểm định chất lượng. Đột xuất còn mang sản phẩm đi kiểm định dư lượng kháng sinh hoặc bất kỳ điều gì nghi ngờ. Ngoài dựa trên bảng tiêu chuẩn của Việt Nam, các bạn còn tham khảo thêm các thông số tiêu chuẩn của nước ngoài để so sánh.
“Điều này giúp mọi thứ minh bạch hơn, đúng như cam kết an toàn phải là tiêu chuẩn hàng đầu khi chúng tôi đưa sản phẩm phục vụ bữa ăn của bà con mỗi ngày” – Trung nói.
Lối đi riêng
Bà Lê Lan (70 tuổi), khách mua hàng tại cửa hàng đường Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), kể bà từng mua loại nấm tương tự ngoài chợ nhưng ăn vị không ngon bằng mặt hàng cùng loại do cửa hàng bán nên cần nấm bà đến đây mua. “Tôi thường chọn cá biển ở cửa hàng này vì đánh bắt trong ngày nên cá luôn tươi” – bà Lan nói.
Tại mỗi cửa hàng, các bạn đều có hình ảnh, thông tin công khai về nguồn gốc cung cấp sản phẩm. Đặc biệt với các loại rau củ, hàng tươi sống, các thông tin càng cần rõ ràng hơn. Một số loại mặt hàng ngoài bảng giá còn tóm tắt câu chuyện liên quan đến sản phẩm đó để khách biết rõ hơn.
Các nhà cung cấp trở thành vùng nguyên liệu để các bạn chủ động nguồn hàng như rau củ phần lớn từ Lâm Đồng, cá tươi từ biển Vũng Tàu, Ninh Thuận. Hay nguồn thịt heo chừng 300kg mỗi ngày các bạn hợp tác với một trang trại nuôi tại Bình Dương, đảm bảo thịt đã qua kiểm định. Cửa hàng còn phục vụ thịt heo nuôi theo quy trình hữu cơ với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, giá gấp đôi thịt heo bình thường nhưng vẫn có khách chọn mua.
Sẽ phải cạnh tranh với các “ông lớn”, nhóm đều ý thức như vậy nhưng cách của nhóm có khác. Những sinh viên ngày ấy “đã lớn”, đã thành lập công ty, hiện có gần 100 nhân viên. Sau sáu cửa hàng rải rác tại Q.Gò Vấp, mục tiêu của năm 2019 sẽ là bốn cửa hàng mới ở những nơi khác, đồng thời hoàn tất thương thảo để gọi vốn đầu tư.
Nguyễn Thị Hồng Cẩm, phụ trách phát triển sản phẩm, chia sẻ: “Thay vì mải chạy theo cạnh tranh mà chắc chắn tiềm lực không thể so với các “ông lớn” cùng mô hình, tụi mình chọn cách tự nâng giá trị hiện có bằng cam kết đảm bảo chất lượng an toàn từng mặt hàng, thái độ phục vụ và dịch vụ đi kèm đến khách. Lối đi riêng ấy sẽ giúp nhóm phát triển”.