“Dune”, còn có tên gọi “Xứ Cát”, là một tác phẩm kinh điển không hề dễ đọc ngay cả những người đam mê khoa học giả tưởng.
Phim điện anh Dune 2 (Xứ Cát 2) công chiếu tháng ba năm nay đang gây chú ý ở mọi rạp chiếu trên khắp thế giới.
Dune không chỉ hứa hẹn sẽ phá nhiều kỷ luật về doanh thu mà còn được giới chuyên gia và các website đánh giá phim rất cao cả về nội dung, kỹ xảo, diễn xuất và âm nhạc.
Đây có thể coi là một điều ngạc nhiên khi Dune còn với cái tên gọi Xứ Cát là một tác phẩm văn chương kinh điển không hề dễ đọc ngay cả những người đam mê khoa học giả tưởng.
Dune (Xứ Cát) hội tụ trí tưởng tượng về một thế giới mà con người là giống loài liên hành tinh và phương pháp kể chuyện anh hùng qua phong cách ẩn dụ và tiên tri.
Dune được nhà báo Frank Herbert – sau này trở thành nhà văn toàn thời gian lên ý tưởng và hoàn thành vào thập niên 1960. Đây là khoảng thời gian hai cường quốc thế giới Mỹ cùng với Liên Xô cạnh tranh nhau từng chút một trong cuộc đua khám phá không gian và vũ trụ.
Không chỉ Frank Herbert chịu sự ảnh hưởng của thập niên không gian này, mà còn nhiều nhà văn khác. Cùng thời gian với Dune, Star Trek rất thành công trong dòng sách khoa học giả tưởng.
“Dune” tạo ra một thế giới rộng lớn và phức tạp. |
Khác với Star Trek khi nội dung mang đậm tính không gian và phù hợp với người đọc hơn khi lấy trọng tâm là một con tàu không gian được chỉ huy bởi thuyền trưởng và các cộng sự nhằm tìm kiếm những hành tinh hay nền văn hoá mới trong vũ trụ, Dune lại tạo ra một thế giới rộng lớn và phức tạp hơn rất nhiều.
Trong Dune cũng có những con tàu không gian khổng lồ, các con quái vật đáng sợ như sâu cát, nhưng trọng tâm của tác phẩm tập trung vào các mối quan hệ phức tạp giữa các gia tộc quyền lực nhất.
Đối với Frank Herbert, dù cho vũ trụ có rộng lớn đến đâu, có bao nhiêu hành tinh hay chủng tộc đi nữa thì con người vẫn là giống loài có sức mạnh bá chủ. Và khi đã lấy con người làm trọng tâm, Frank Herbert đã sử dụng thủ pháp cổ xưa: hình thức kể chuyện anh hùng để mô tả và lôi kéo người đọc đến với Xứ Cát.
Dune là câu chuyên khoa học giả tưởng nhưng kể về sự mâu thuẫn và kình địch giữa các gia tộc trong một hệ thống chính trị mà hoàng đế là người có quyền lực nhất. Điều này gợi nhớ đến các sử thi và thánh kinh có từ thời thượng cổ như Iliad của Hy Lạp, Mahabharata của Ấn Độ và Cựu ước của Thiên Chúa giáo. Những câu chuyện này đều có điểm chung là được kể dưới dạng truyền khẩu và ẩn dụ.
Đây cũng là sự lý giải cho việc tại sao Dune lại khó đọc đối với đa số độc giả từ thập kỷ 1960 cho tới tận bây giờ. Nhưng đây cũng chính là điểm độc nhất vô song của Dune mà các tác phẩm khoa học giả tưởng khác không có.
Frank Herbert đã lồng ghép rất khéo léo nhiều chi tiết bí ẩn và khó đoán ngay từ những trang đầu tiên. Giống như Sáng thế ký, Dune được bắt đầu bằng “Lúc khởi đầu là thời điểm cực kỳ trân trọng…”.
Song đó là một đoạn trích trong một cuốn sách mãi sau này mới được viết khi những sự kiện trong Dune đã diễn ra từ hàng nghìn năm.
Nếu coi Dune là một cuốn kinh thánh, thì Gia tộc Atreisdes trong Dune chính là Dân được Chúa chọn. Trong Cựu ước, tổ phụ của người Do Thái cũng bắt đầu bằng chữ A – Abraham và ở Dune ta có Atreisdes.
Nhân vật chính trong Dune là Paul – hoàng tử của Atreisdes và Jessica mẹ chàng cũng là người vợ của cha Paul – Công tước Leto, người đã bị ám sát và dẫn đến sự sụp đổ của Atreisdes.
Nội dung tiếp theo trong Dune là một cuộc đi đày trong sa mạc của Paul và Jessica ở Arrakis – Xứ Cát như dân Do Thái phải lang thang trong sa mạc 40 năm được ghi lại ở kinh thánh. Trong cuộc lưu đày này, Paul học cách trở thành người lãnh đạo và chứng minh mình chính là Muad’Dib – Đấng cứu thế của Xứ Cát.
Và cái kết là Paul đã rửa được nỗi nhục của gia tộc, tiêu diệt kẻ thù và trở thành hoàng đế không chỉ của Xứ Cát mà là cả vũ trụ trong Dune.
Dune không chỉ là mang tính ẩn dụ trong tôn giáo mà còn được kể bằng một kết cấu kinh điển của thể loại Anh hùng: khởi đầu, biến cố và cái kết có hậu.
Việc sử dụng thủ pháp trong tôn giáo hay sử thi không phải là điều mới mẻ. Việc kể một câu chuyện có ba phần rõ ràng còn phổ biến hơn, nhưng rất ít tác phẩm có thể so sánh được với Dune .
Đối với những người đọc đam mê dòng sách kinh điển, Dune có sự vĩ đại không kém gì Chúa tể của những chiếc nhẫn trong thế giới văn chương hiện đại.
Còn đối với người đọc phổ thông, Dune hiện thân cho một câu chuyện phiêu lưu trong một thế giới vô định và đầy rẫy nguy hiểm. Nhưng trong thế giới đó, con người nhận ra khả năng và giá trị thực sự của bản thân giữa nghịch cảnh. Rồi từ đó vươn lên trở thành lãnh đạo hay đấng cứu thế cho thế giới của chính mình.