Sự ra đời của công nghệ AI dự đoán tuổi thọ được dự đoán sẽ tác động lên nền kinh tế, tài chính quốc gia.
Ứng dụng về AI gây sốt trên hạng mục sức khoẻ của các nền tảng. Nguồn: Death Clock. |
Theo số liệu thị trường của Sensor Tower, Death Clock, ứng dụng về tuổi thọ được vận hành bởi AI mới ra mắt công chúng vào tháng 7 vừa qua, nay đã gần cán mốc 125.000 lượt tải về.
Bộ dữ liệu của AI được huấn luyện dựa trên hơn 1.200 nghiên cứu về tuổi thọ, với khoảng 53 triệu người tham gia. Các thông tin được sử dụng để dự đoán ngày tử vong bao gồm chế độ ăn uống, tập luyện thể dục, mức độ căng thẳng và chất lượng giấc ngủ.
Tuy có giao diện hơi u ám với hình ảnh tử thần, Death Clock đang ngày càng được ưa chuộng và đứng thứ hạng cao trên các nền tảng ứng dụng. Ngoài cung cấp những thông tin hữu ích giúp cải thiện sức khỏe, AI dự đoán ngày tử vong cũng có vài tác động lên nền kinh tế tài chính.
Tuổi thọ là yếu tố then chốt trong tất cả các phép tính tài chính và kinh tế – từ thu nhập hưu trí, đến phạm vi bảo hiểm trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và quỹ hưu trí, tạo tiền đề cho các kế hoạch tài chính.
Giao diện ứng dụng Death Clock. Nguồn: Mashable. |
Cơ quan chính phủ dự đoán rằng một người đàn ông 85 tuổi ở Mỹ có 10% xác suất tử vong trong vòng một năm và trung bình có 5,6 năm để sống. Tuy nhiên, nhà phát triển Death Clock, Brent Franson nói rằng số liệu trung bình như vậy có sai lệch khá lớn, và cần thuật toán cung cấp thông tin cá nhân hoá đến từng người.
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), tuổi sinh học có thể không phản ánh chính xác nhiều yếu tố trong hành vi kinh tế của con người, như sự sẵn sàng gia nhập lực lượng lao động. Mặc dù vậy, nó vẫn được sử dụng là cơ sở cho các chính sách như độ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Một nghiên cứu khác của tổ chức cũng đề ra chỉ số “Giá trị cuộc sống theo thống kê” (VSL – value per statistical life), định giá tài chính dựa trên tình trạng sức khỏe bản thân. Chỉ số này cho thấy để đạt được mức sức khỏe “tuyệt vời”, giá trị cuộc sống phải gấp ba lần với mức sức khỏe “tốt”, và người cao tuổi sẵn sàng chi tiền để đổi lấy sức khoẻ.
Vì thế, một nỗi lo của họ là sống lâu hơn số tiền sở hữu. Nếu biết được ngày mình qua đời, thông tin mơ hồ về việc cần tiết kiệm bao nhiêu, bỏ bao nhiêu tiền mua sức khỏe hay làm việc đến khi nào sẽ rõ ràng hơn, để chúng ta có thể tự tin đưa ra quyết định tài chính.
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, trong trường hợp mọi người đều bình đẳng, thì những yếu tố như sự cô đơn hay biết ơn có thể làm giảm hay gia tăng tuổi thọ. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, tiền có vai trò lớn trong việc quyết định tuổi thọ con người.
Một nghiên cứu đạt giải Nobel của nhà kinh tế học Angus Deaton đã chứng minh khoảng cách tuổi thọ giữa giàu và nghèo là có thật. Tuổi thọ giữa 1% người giàu và nghèo nhất ước tính khoảng 15 năm với nam giới và 10 năm với nữ giới.
Với những người sử dụng Death Clock như công cụ gia tăng tuổi thọ của mình, họ phải đóng một khoản phí là 40 USD một năm. Ứng dụng gợi ý các thay đổi lối sống có thể giúp trì hoãn ngày tử vong, cùng với đó là một đồng hồ đếm ngược từng giây còn lại của bạn.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI – Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.