Trong mọi gia đình, nhu cầu sử dụng các loại bếp như bếp gas hay bếp điện, bếp từ để nấu nướng là vô cùng thiết yếu.
Bếp là một loại thiết bị nấu nướng đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong mọi gia đình. Hiện nay có nhiều loại bếp phổ biến và được ưa chuộng. Có thể kể tới như bếp gas, bếp từ hay bếp điện.
Mỗi loại bếp lại có hình thức và cơ chế hoạt động khác nhau. Trước tiên với bếp gas, cũng được xem là loại bếp có mặt từ lâu và truyền thống nhất. Người dùng sẽ bật bếp thông qua nút bấm điện tử hoặc núm vặn cơ học, lúc này, khí gas từ bình sẽ đi qua đường ống dẫn khí, lên đến các vòi phun của bếp dưới mâm chia lửa. Đồng thời, bộ phận gốm áp điện hoặc một mạch điện tử sẽ tạo ra tia lửa, bắt vào dòng khí. Từ đó, khí gas sẽ bốc cháy thành ngọn lửa, được phân bổ lên các đầu phun.
Với bếp từ và bếp điện, quá trình hoạt động có phần đơn giản hơn, người dùng chủ yếu điều khiển bằng các nút bấm điện tử, cảm ứng. Ở bếp điện, khi có nguồn điện đi vào thiết bị, bếp sử dụng nhiệt nóng từ mâm nhiệt, dây maso sẽ được làm nóng, từ đó truyền nhiệt tới mặt kính rồi làm nóng nồi, chảo, làm chín thức ăn. Còn ở bếp từ, nó phụ thuộc vào cảm ứng điện từ thông qua việc sử dụng điện Fuco, để làm nóng đáy nồi.
Bếp gas cùng các loại bếp điện, bếp từ đang được ưa chuộng sử dụng trong nhiều gia đình (Ảnh minh họa)
Báo cáo về loại bếp an toàn
Hiện nay, nhiều gia đình đang có xu hướng chuyển dần từ bếp gas sang các loại bếp điện, bếp từ vì tính thẩm mỹ cũng như độ an toàn. Bên cạnh đó, bếp điện, bếp từ cũng được đánh giá là thân thiện với môi trường. Theo tờ The Washington Post, khoảng có tới 2/3 người Mỹ nấu ăn bằng bếp điện.
Tuy nhiên trên thực tế, có thật sự bếp điện, bếp từ an toàn vượt trội hơn so với bếp gas? Một báo cáo của Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy quốc gia Hoa Kỳ (NFPA) lại cho thấy kết quả ngược lại.
Cụ thể, báo cáo của NFPA vào năm 2020 viết rằng, các hộ gia đình đang sử dụng bếp điện, bếp từ có tỷ lệ cháy cao hơn gấp 2,6 lần so với những hộ gia đình sử dụng bếp gas. Điều đáng ngạc nhiên không kém đó là tỷ lệ tử vong khi xảy ra tai nạn ở những hộ gia đình sử dụng bếp điện, bếp từ cao hơn 3,4 lần so với những hộ gia đình sử dụng bếp gas – và tỷ lệ thương tích cao hơn gần gấp 5 lần.
Tại Mỹ, báo cáo cho thấy bếp từ, bếp điện vốn dĩ không an toàn hơn mấy so với bếp gas (Ảnh minh họa)
Báo cáo cũng cho biết, tại Mỹ, trong giai đoạn từ năm 2014 – 2018, hoạt động nấu nướng đã gây ra số vụ hỏa hoạn tại nhà cao nhất và gây số thương tích tương đối.
Tuy nhiên, những con số trên chỉ được ghi nhận tại Mỹ, phản ánh phần nào về độ an toàn của các loại bếp trong sinh hoạt gia đình hiện nay. Thực tế cho thấy, các loại bếp dù là bếp truyền thống hay bếp hiện đại, đều tiềm ẩn rủi ro như nhau nếu như người dùng không biết sử dụng đúng cách cũng như không nắm được các lưu ý an toàn khi sử dụng.
Chuyên trang Tasting Table nhấn mạnh, những sai lầm phổ biến có thể dẫn tới sự cố hoặc tai nạn khi con người sử dụng bếp nấu có thể kể tới như bật bếp khi không có sự giám sát của con người, quên tắt bếp, hay đặt các vật dụng không phù hợp lên bếp.
Mọi loại bếp đều tiềm ẩn rủi ro xảy ra sự cố như nhau, nếu như người dùng không biết sử dụng đúng cách (Ảnh minh họa)
Những lưu ý khi sử dụng bếp nấu để an toàn hơn
Với bếp điện, bếp từ
1. Ngắt điện hoàn toàn khỏi bếp khi không sử dụng
Như đã nói ở trên, các loại bếp từ, bếp điện đời mới hiện này được điều khiển chủ yếu bằng các nút bấm điện tử, cảm ứng. Đây là một ưu điểm tuy nhiên cũng tiềm ẩn một số rủi ro.
Các nút điện tử, cảm ứng không chỉ giúp khởi động bếp mà còn giúp điều chỉnh mức độ nhiệt. Khi nấu ăn xong, nếu không có nhu cầu sử dụng nữa, nhiều gia đình chỉ tắt bếp bằng các nút này, song theo các chuyên gia, chỉ vậy là chưa đủ.
Bởi đặc tính cám ứng nên không chỉ bàn tay con người mà bất kỳ vật dụng gì khác hoặc chân động vật khi chạm lên, cũng có thể khiến bếp khởi động. Đã có nhiều sự cố xảy ra bởi trường hợp vô tình như vậy, gây cháy đồ vật hoặc thậm chí là gây bỏng cho con người.
Không chỉ tắt bằng các nút bấm, khi không sử dụng trong thời gian dài hãy ngắt hoàn toàn nguồn điện vào bếp điện, bếp từ (Ảnh minh họa)
Chính vì vậy các chuyên gia khuyên rằng, nếu không có nhu cầu sử dụng bếp điện, bếp từ trong thời gian dài, ví dụ qua đêm hoặc vài ngày gia đình không có ai, tốt hơn hết hãy ngắt hoàn toàn nguồn điện bằng cách rút điện hoặc tắt aptomat.
2. Sử dụng bếp ở nhiệt độ phù hợp
Đừng dùng bếp từ hay bếp điện ở nhiệt độ cao nhất liên tục trong thời gian dài bởi việc này có thể làm tăng mức độ điện mà thiết bị tiêu thụ, đồng thời khiến bếp bị ăn mòn nhanh hơn.
Người dùng chỉ nên sử dụng bếp ở nhiệt độ tối đa trong khoảng vài phút đầu chu trình nấu nướng, sau đó chuyển về chế độ trung bình hoặc thấp.
Ngoài ra trên bếp cũng có nhiều các chế độ khác để đảm bảo an toàn, điển hình là tính năng “khóa trẻ em”. Người dùng, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ hoặc thú cưng rất nên sử dụng tính năng này thường xuyên.
Hạn chế sử dụng mức nhiệt cao nhất trên bếp từ, bếp điện (Ảnh minh họa)
3. Lựa chọn nồi phù hợp
Người dùng nên trang bị riêng một bộ nồi chuyên biệt để dùng cho bếp điện, bếp từ, giúp việc nấu ăn vừa hiệu quả lại không gây lãng phí điện năng.
Cụ thể, nồi dùng cho bếp từ nên được làm bằng inox, gang, sắt hoặc thép không gỉ. Bên cạnh đó, ưu tiên lựa chọn các loại có đáy bằng phẳng. Việc đáy nồi không bằng phẳng khi được trang trí trí quá nhiều cũng sẽ ảnh hưởng phần nào tới khả năng hấp thụ và truyền nhiệt từ bếp đến nồi, xoong. Từ đó, thức ăn trong nồi sẽ xảy ra tình trạng chín không đều, gây bất tiện trong quá trình sử dụng.
Khi chọn mua nồi cho bếp từ, bếp điện, cũng nên cân đối dựa trên kích thước của bếp, không nên mua nồi quá to hay quá nhỏ so với bếp.
Ảnh minh họa
Với bếp gas
1. Khóa van bình gas khi kết thúc việc nấu nướng
Có một việc luôn được các đại lý phân phối hoặc thợ lắp đặt bình gas, bếp gas nhắc nhở người dùng để đảm bảo an toàn hơn trong quá trình sử dụng. Đó chính là khóa van bình gas sau khi kết thúc việc nấu nướng.
Việc làm này vừa giúp đảm bảo an toàn, phòng tránh các trường hợp dây dẫn gas bị hao mòn, làm gas bị rò rỉ ra ngoài, vừa góp phần không cho gas trong bình thoát ra ngoài không khí, gây lãng phí.
Cách thực hiện vô cùng đơn giản như sau: Sau khi hoàn thành chu trình nấu nướng, người dùng tiến hành vặn khóa van bình gas, sau đó để lửa trên bếp cháy hết rồi tắt bếp. Nên đảm bảo đúng chu trình để đảm bảo lượng gas thừa được tiêu thụ hết, không có gas rò rỉ bên ngoài bình gas. Ngoài ra nó cũng giúp cho ở lần sử dụng sau, khi bật bếp sẽ không bị tình trạng bùng lửa đột ngột.
Sau khi kết thúc việc nấu nướng, người dùng nên khóa van bình gas lại để đảm bảo an toàn (Ảnh minh họa)
2. Đặt bếp ở vị trí an toàn
Là loại bếp ra lửa trực tiếp nên vị trí đặt bếp gas là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người sử dụng. Một số tiêu chí cơ bản về vị trí đặt bếp gas có thể kể tới như vị trí phải là nơi thoáng khí song cần tránh gió lùa trực tiếp; bề mặt đặt bếp không nên làm từ vật liệu dễ cháy như gỗ, tre hay nứa mà nên bằng đá, xi măng hoặc kính; bếp gas cần cách trần tối thiểu 1m, cách tường hoặc vật chắn khác ít nhất 15cm, xa các vật dụng, vật liệu dễ bắt lửa hay cháy nổ, xa các thiết bị điện khác; bình gas cần đặt thẳng đứng và thấp hơn bếp gas, cũng cần cách xa các nguồn điện khác…
Vị trí bếp gas nên tránh xa các vật dụng dễ cháy (Ảnh minh họa)
Ở các bếp gas và bếp điện, bếp từ, các chuyên gia khuyên người dùng nên tiến hành vệ sinh, kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, khoảng 6 tháng/lần. Nếu có hỏng hóc cần sửa chữa hoặc thay mới kịp thời.