Các NHTM cho rằng các DN khi có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ hoàn toàn có thể vay bằng tiền đồng và sau đó mua ngoại tệ để thanh toán. Các ngân hàng cũng có thể tư vấn các giải pháp tài chính giúp DN thực hiện điều này một cách hiệu quả về chi phí…
Tuy nhiên, Thông tư 42/2018/TT-NHNN chỉ dừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước và nhu cầu vay ngoại tệ trung dài hạn để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Trong khi các ngân hàng vẫn được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Theo Thông tư 42/2018 của NHNN, hoạt động cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước đã chấm dứt từ ngày 1/4/2019. Tiếp đó, các NHTM sẽ phải dừng việc cho vay ngoại tệ đối với các DN có nhu cầu vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ ngày 1/10/2019.
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Nguyễn Bá Lịch cho biết, mỗi năm các DN ngành thức ăn chăn nuôi thường xuyên phải chi khoảng 4 tỷ USD để thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu ngô, bột đậu nành và lúa mì.
“Hiện nay, nếu các NHTM cho vay USD thanh toán nhập khẩu với lãi suất 2,8-4,7%/năm (đối với kỳ ngắn hạn) thì các DN tương đối dễ thở nhưng nếu phải chuyển qua vay bằng tiền đồng lãi suất 7-9%/năm để mua USD để thanh toán sẽ làm tăng chi phí tài chính. Nhất là trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp dịch bệnh, việc tiêu thụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bị tồn kho, đình trệ và các nhà máy dư thừa công suất”, ông Lịch nói.
Trong khi một đại diện khối khách hàng DN của HSBC cho rằng, khi không còn được vay vốn bằng USD, các DN xuất nhập khẩu nói chung sẽ phải vay bằng nội tệ. Tuy nhiên, đối với các DN xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ họ có thể bán ngoại tệ kỳ hạn để lấy tiền đồng giúp giảm chi phí vốn vay.
Riêng đối với các DN không có nguồn thu ngoại tệ thì do mỗi năm tỷ giá VND/USD tăng khoảng 1-2% nên chi phí vay vốn VND cũng không tăng nhiều so với vay USD. Chưa kể hiện nay mức lãi suất cho vay tiền VND được nhiều NHTM áp dụng ở mức khá thấp (6-8%/năm đối với kỳ ngắn hạn).
Thị trường mua – bán ngoại tệ cũng khá tiện lợi và nhiều ngân hàng vẫn đang áp dụng giải pháp hỗ trợ thanh toán cho DN nhập khẩu bằng thư tín dụng trả chậm. Vì thế việc ngừng cho vay ngoại tệ sẽ không tác động nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của DN.
Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, việc NHNN thu hẹp dần các nhu cầu vay ngoại tệ là cần thiết và phù hợp với lộ trình chống đôla hóa của Chính phủ. Từ đó, chuyển dần quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua – bán, tiến đến chấm dứt cho vay ngoại tệ về cơ bản sẽ khiến giảm thiểu tối đa tình trạng méo mó ở thị trường ngoại hối khi hàng loạt các hiệp định tự do thương mại được thực thi trong giai đoạn hiện nay.
Trước mắt, các NHTM cho rằng các DN khi có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ hoàn toàn có thể vay bằng tiền đồng và sau đó mua ngoại tệ để thanh toán. Các ngân hàng cũng có thể tư vấn các giải pháp tài chính giúp DN thực hiện điều này một cách hiệu quả về chi phí.
Theo Công ty Chứng khoán MBS, trong năm nay mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND vẫn sẽ hấp dẫn người dân bán USD và nắm giữ tiền đồng. Với dự báo tỷ giá VND/USD chỉ tăng khoảng 1,5 – 2% trong cả năm 2019, MBS dự báo, áp lực cân đối chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá đối với các DN xuất nhập khẩu sẽ không quá lớn. Một số lĩnh vực ngành nghề ưu tiên như: dệt may, thủy hải sản, lúa gạo… nhiều DN sẽ chuyển qua vay VND thay thế ngoại tệ vì lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đang ở mức khá thấp 6,5% – 9%/năm.