Những cảm xúc tiêu cực có thể giúp con người đưa ra quyết định tốt hơn, hướng chúng ta tới thành công và thậm chí là giúp sống lâu hơn.
Rõ ràng là các cảm xúc tích cực mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích. Nhiều nghiên cứu cho thấy chúng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý như trầm cảm, lo lắng và chứng rối loạn phân định nhân cách.
Ngoài ra, suy nghĩ tích cực còn hướng chúng ta đến thành công, giúp ra quyết định tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh và sống lâu hơn.
Xét tất cả những yếu tố trên, có thể bạn sẽ giả định tâm trạng vui vẻ đóng vai trò cực kỳ quan trọng cũng như thức ăn và ánh nắng mặt trời với sự tồn tại của con người.
Nhưng hãy nhìn nhận lại các cảm xúc “tiêu cực” theo một hướng khác dễ chấp nhận hơn. Vì không hẳn chúng có tác dụng tiêu cực với chúng ta.
Mặt trái của tâm trạng hạnh phúc
Khi quá vui vẻ, chúng ta có xu hướng bỏ qua các mối nguy hiểm. Bạn sẽ có những hành vi chứa đựng nhiều rủi ro hơn như uống rượu quá nhiều, ăn uống vô độ, không quan tâm đến các biện pháp tránh thai, và muốn sử dụng ma túy.
Trong tâm trạng “mọi thứ thật tuyệt”, chúng ta thường vội vã đưa ra kết luận và hay dựa vào những khuôn mẫu. Chẳng hạn, ta tự giả định rằng anh chàng đẹp mã ở bữa tiệc tối qua thật tốt bụng, chỉ bởi anh ta ăn mặc đẹp và hài hước. Hoặc khi thấy một người trung niên đeo kính và mang theo vali, chúng ta cho rằng ông thông minh hoặc đáng tin cậy hơn so với một cô gái tóc vàng hoe mặc quần áo ngắn cũn.
Trong khi đó cái gọi là cảm xúc tiêu cực của chúng ta lại ủng hộ lối xử lý thông tin chậm hơn và có nhận thức mang tính hệ thống hơn. Chúng ta ít dựa vào những phán đoán hấp tấp và chú ý hơn đến những chi tiết nhỏ nhặt nhưng quan trọng.
Các cảm xúc tiêu cực đòi hỏi một lối suy nghĩ chăm chú hơn, khiến bạn phải thực sự kiểm chứng những dữ liệu thu nhận được theo một cách mới và sáng tạo hơn. Người đang có tâm trạng tiêu cực thường ít cả tin hơn và hoài nghi hơn, trong khi những người đang vui có thể chấp nhận những câu trả lời dễ dãi và tin vào những nụ cười giả dối.
Cảm xúc tiêu cực không phải lúc nào cũng “tiêu cực”
Mặc dù chắc chắn là không hay khi lúc nào cũng ủ dột và cáu kỉnh, nhưng cũng có một số lợi ích mà nỗi buồn, cơn giận, cảm giác tội lỗi hoặc sự sợ hãi có thể mang lại.
Giúp bạn đưa ra lý lẽ thuyết phục
Bạn sẽ sử dụng các thông tin cụ thể và xác thực, nắm bắt tốt hơn các tình huống và ít khi hấp tấp mắc lỗi khi nhìn nhận và đánh giá. Tất cả những điều này khiến bạn tỏ ra là người hiểu biết và có chính kiến, giúp bạn trở thành một nhà văn hoặc diễn giả đầy sức thuyết phục.
Cải thiện trí nhớ của bạn
Một nghiên cứu cho thấy những người đi mua sắm nhớ nhiều thông tin hơn hẳn về nội thất của một cửa hàng trong những ngày lạnh và u ám, lúc họ không cảm thấy hồ hởi cho lắm so với những ngày nắng ráo, ấm áp và thoải mái. Nghiên cứu này cũng cho biết khi có tâm trạng không tốt, chúng ta ít vô tình làm nhiễu loạn trí nhớ của mình hơn vì các thông tin sai lạc.
Giúp rèn luyện tính kiên trì
Khi bạn đã thấy thoải mái và vui vẻ thì cần gì phải cố gắng nữa? Trong các bài kiểm tra ở trường học, một học viên đang có tâm trạng ủ dột sẽ cố gắng trả lời nhiều câu hỏi hơn – và trả lời đúng nhiều hơn – so với chính mình khi khi cảm thấy dễ chịu.
Khiến bạn hào phóng hơn
Những người đang có tâm trạng không tốt thường chú ý hơn đến sự công bằng và có xu hướng từ chối những đề xuất bất công.
Tăng khả năng lập luận
Trong một nghiên cứu về những người có quan điểm chính trị mạnh mẽ, những ai đang giận dữ thường chủ ý tìm đọc các bài báo có quan điểm trái ngược với mình thay vì tìm kiếm những thông tin ủng hộ điều mình cho là đúng. Sau khi khám phá những cái nhìn trái chiều ấy, họ rất sẵn lòng thay đổi quan điểm của mình. Dường như cơn giận tạo ra tâm lý khuyến khích chúng ta tìm hiểu xem kẻ không cùng quan điểm kia nói gì để tìm cách đáp trả – và từ đó để ngỏ cánh cửa cho việc thay đổi quan điểm.