Dùng thẻ tín dụng, cần lưu ý gì để không “xài 8,5 triệu đồng, nợ 8,8 tỉ đồng”?

Thẻ tín dụng với tính năng “chi tiêu trước – trả nợ sau” nên rất dễ chi quá khả năng chi trả, khách hàng cần lưu ý để tránh “đổ nợ” vì lãi suất và các khoản phí phạt thường rất cao…

TS. Huỳnh Trung Minh

TS. Huỳnh Trung Minh

Chuyên gia Tài chính ngân hàng
8 bài viết
  • Hiện thông tin cá nhân của người dùng đang không được bảo mật đúng cách, như số điện thoại, ngày sinh, CCCD, thậm chí địa chỉ nhà, email… cũng thường xuyên để lộ trên mạng xã hội, qua nhiều kênh khác nhau. Do đó, khi kẻ gian kết hợp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản NH thì nguy cơ người dùng bị mất tiền lớn hơn.
    Tại: Mất 2,1 tỉ đồng vì bị chiếm đoạt sim điện thoại
  • Tất cả giao dịch của DN mua, bán không giới hạn tổng giá trị giao dịch sẽ khó khả thi vì đặc thù của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn sử dụng tiền mặt.
    Tại: Thanh toán không tiền mặt: Cần lộ trình phù hợp

Sau vụ một khách hàng của Eximbank ở Quảng Ninh mở thẻ tín dụng có phát sinh giao dịch hơn 8,5 triệu đồng nhưng gần 11 năm sau tổng dư nợ lên hơn 8,8 tỉ đồng, nhiều ý kiến cho rằng thẻ tín dụng nếu không sử dụng đúng cách sẽ có nguy cơ “đổ nợ”.

Báo Người Lao Động đã trao đổi nhanh với chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, về những lưu ý của khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng để tránh bị tính lãi suất và phí phạt cao.

* Phóng viên: Thẻ tín dụng là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng, chi tiêu trước, trả tiền sau khá phổ biến ở thời điểm hiện tại, nhưng nếu khách hàng không thanh toán đúng hạn, các mức lãi, phí nào phải trả cho ngân hàng?

– TS Huỳnh Trung Minh: Chủ thẻ tín dụng thường được mở thẻ với từng hạn mức nhất định, tùy theo nhu cầu. Và khi chi tiêu trong hạn mức sẽ được miễn lãi với thời gian trung bình từ 45-55 ngày. Hết thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có 2 lựa chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê): thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.

Tuy nhiên, nếu không thanh toán đúng hạn, chủ thẻ sẽ phải trả các khoản lãi suất (bao gồm lãi suất quá hạn, bằng 150% lãi suất thông thường) và phí phạt (trong đó có phí phạt trễ hạn, phí vượt quá hạn mức…). Ngay cả phí thường niên hàng năm, nếu khách hàng duy trì thẻ (dù có sử dụng hay không) vẫn phát sinh phí. Khi không thanh toán đúng hạn, các khoản lãi suất, phí này được tính dạng lãi gộp (khá phức tạp) theo tháng, năm nên tổng dư nợ của chủ thẻ có thể sẽ tăng rất cao theo thời gian. Ngoài ra, vì bản chất thẻ tín dụng là tín chấp, lãi suất sẽ cao hơn nhiều so với các khoản vay thế chấp thông thường.

TS Huỳnh Trung Minh, Chuyên gia tài chính chia sẻ về những lưu ý của khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng để tránh bị tính lãi suất và phí phạt cao

* Vậy người dùng thẻ tín dụng cần lưu ý gì để tránh “cú sốc” dư nợ tăng cao?

– Về phía khách hàng, đã sử dụng thẻ tín dụng thì phải có trách nhiệm trả đúng hạn, theo dõi sao kê và kiểm soát chi phí hàng tháng để tránh phát sinh nợ.

Với trách nhiệm của người sử dụng thẻ tín dụng, phải kiểm tra lại xem có từng phát hành thẻ tín dụng ở đâu không, có phải do chính khách hàng yêu cầu mở thẻ, kích hoạt không? Hiện có rất nhiều phương thức xác định khách hàng có đúng là người kích hoạt sử dụng thẻ qua số điện thoại, giọng nói, CCCD… Thẻ tín dụng nghĩa là dựa trên uy tín của mình nên phải có trách nhiệm trả nợ đúng hạn.

Sau trường hợp của khách hàng ở Quảng Ninh bị đòi 8,8 tỉ đồng nợ thẻ tín dụng sau gần 11 năm, tôi nghĩ cả chủ thẻ cũng cẩn trọng hơn, ngân hàng cũng theo sát hơn.

Về phía ngân hàng sẽ có rất nhiều bộ phận, trong đó nhắc nợ, thu hồi nợ tới khách hàng thường xuyên. Khi tới một mức độ nợ nào đó sẽ thông báo cho khách hàng về biện pháp xử lý, có thể là kiện ra tòa để thu hồi nợ. Đối với từng trường hợp khách hàng, các ngân hàng đều có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ… Do đó, việc trao đổi thống nhất phương án xử lý giữa ngân hàng và khách hàng để tránh những rắc rối không đáng có là cần thiết.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin