Dùng Twitter tích xanh để lừa nạn nhân FTX

Video deepfake giả mạo nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried lan truyền trên Twitter, dụ người dùng nạp thêm tiền.

“Như các bạn đã biết, sàn giao dịch FTX của chúng tôi sắp phá sản. Tôi muốn thông báo rằng các bạn không nên hoảng sợ. Để bù đắp cho sự mất mát đó, chúng tôi đã chuẩn bị một chương trình quà tặng, nơi bạn có thể nhân đôi số tiền điện tử của mình”, hình ảnh trông giống nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried (SBF) nói trong một video.

Ở cuối video và trong phần chú thích bên dưới, người này đề nghị mọi người vào trang web ftxcompensation để “nhân đôi tài khoản”. Khi truy cập, website này được thiết kế với logo của FTX, hình ảnh nhà sáng lập Bankman-Fried, cùng lời đề nghị gửi Bitcoin và Ethereum đến địa chỉ cho sẵn. Trang web khẳng định người dùng sẽ “nhận lại gấp đôi số tiền đó”, tối đa 100 triệu USD.

Dùng deepfake mạo danh FTX lừa đảo người dùng

 
 
Dùng deepfake mạo danh FTX lừa đảo người dùng

Video deepfake mạo danh nhà sáng lập FTX lan truyền từ một tài khoản tích xanh trên Twitter. Video: Jason Koebler

Theo Vice, đây là chiêu lừa phổ biến trong thế giới tiền số. Chúng thường giả mạo người nổi tiếng để dụ nạn nhân, đồng thời cho hiển thị một số giao dịch giả để người dùng tưởng thật. Hình ảnh nhà sáng lập FTX nói trong video thực chất là hình ảnh được tạo bởi deepfake.

Điểm đặc biệt trong chiêu lừa là sự xuất hiện của tài khoản Twitter SBF với tích xanh. Tài khoản này ban đầu có tên là “s4ge_ETH”. Vice cho rằng có thể kẻ lừa đảo đã lợi dụng chính sách bán Twitter Blue giá 8 USD để mạo danh nhà sáng lập FTX. Trước khi bị vô hiệu hóa, ví của kẻ lừa đảo đã thu được số ETH trị giá khoảng 1.000 USD.

Trước đó, cảnh sát Singapore cũng cảnh báo về chiêu lừa mạo danh Bộ Tư pháp Mỹ, dụ người dùng điền thông tin đăng nhập FTX để nhận lại tiền.

Theo Cointelegraph, với quy mô ảnh hưởng lớn của cú sập FTX, nạn nhân – là các nhà đầu tư – sẽ dễ bị tấn công hơn. “FTX có khoản lỗ ước tính 8 tỷ USD. Các nhà đầu tư tuyệt vọng lấy lại tiền và có thể trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo”. trang này đánh giá.

Trong hồ sơ xin phá sản, FTX nói có khoảng 100.000 chủ nợ nhưng trên thực tế, con số này cao gấp 10 lần. CNBC dẫn lời các luật sư của FTX: “Chiếu theo luật phá sản của Mỹ, sàn tiền số FTX đang có hơn một triệu chủ nợ”, nhưng danh sách chi tiết không thể lập được do số lượng quá lớn. Một phần trong số tiền đầu tư đã được Sam dùng để mua căn hộ và các bất động sản xa xỉ.

Ngoài FTX, những người tham gia thị trường tiền điện tử nói chung cũng đang trở thành mục tiêu nhắm đến của nhiều chiêu lừa khác. Báo cáo của Group-IB cho biết số lượng trang web lừa tặng tiền điện tử đã tăng hơn 300% trong nửa đầu năm nay.

Lưu Quý

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin