Đường mòn Hồ Chí Minh hình thành cách đây 65 năm. Đây là con đường vận tải chiến lược góp phần quan trọng mang tính quyết định cho sự thành bại của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Khi nói về thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta không thể không nhắc đến tầm vóc vĩ đại của Đường Trường Sơn – Đường mòn Hồ Chí Minh – con đường vận tải chiến lược – đảm nhiệm trọng trách chuyển tải sức mạnh tổng hợp của hậu phương lớn miền Bắc cho cách mạng miền Nam.
Con đường được các nhà sử học quân sự nhận xét: chưa có con đường vận tải quân sự chiến lược nào có thể vượt qua được chiến tích của của đường Trường Sơn về độ dài, thời gian sử dụng, về sự gian khổ cũng như tính ác liệt và cả hiệu quả to lớn mà nó đem lại.
Sau 65 năm, kể từ mốc dấu quan trọng gắn với sự ra đời của Đường mòn Hồ Chí Minh (ngày Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thành lập tổ chức hoạt động chi viện miền Nam với tên gọi “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) với nhiệm vụ chủ yếu là mở đường và tổ chức vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam), với độ lùi của thời gian, đã có không ít tài liệu lưu trữ về con đường đã được các phía công bố.
Bên cạnh đó, có nhiều cuốn sách, trong đó có những cuốn được chính những người trong cuộc viết ra, như: Lịch sử Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh (Phan Hữu Đại, Nguyễn Quốc Dũng đồng chủ biên), Hồi ức Đường xuyên Trường Sơn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, 5 đường mòn Hồ Chí Minh của Giáo sư Đặng Phong… đã góp phần làm sáng tỏ về tầm vóc, về sức chịu đựng đạn bom, về quá trình hình thành, phát triển và tồn tại cũng như những đóng góp của con đường này với sự nghiệp vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử đoàn 559, bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh
Cuốn sách cho biết những dấu mốc cơ bản phản ánh quá trình hình thành và phát triển của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh:
Ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng ra chỉ thị thành lập tổ chức hoạt động chi viện miền Nam với tên gọi “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” có nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự, tổ chức đưa đón cán bộ vào Nam và từ Nam ra Bắc. Thượng tá Võ Bẩm được cử làm Trưởng đoàn kiêm Chính ủy.
Ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên của “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua hệ thống đồn bốt nghiêm ngặt, 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu súng trường MAS-36, 10 thùng đạn đã được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên.
Ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 446/QĐ hợp thức việc thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” phiên hiệu là “Đoàn 559”.
Tháng 6/1970, Đoàn 559 được tổ chức lại thành đơn vị tương đương quân khu với tên gọi “Bộ Tư lệnh Trường Sơn” với một hệ thống hậu cần tự chiến đấu, tự xây dựng một cách hoàn chỉnh.
Hệ thống này được hình thành bởi 05 lực lượng chính đó là: Lực lượng vận tải (vận chuyển hàng hóa, vũ khí khí tài); Lực lượng thông tin (kết nối giữa các đơn vị với nhau và giữ thông tin thông suốt từ trung ương đến các đơn vị); Lực lượng xăng dầu (vận chuyển lưu trữ xăng dầu phục vụ chiến đấu); Lực lượng công binh (khảo sát, mở đường, rà phá bom mìn…); Ban chỉ huy toàn tuyến (xây dựng kế hoạch hoạt động cho toàn tuyến, tổ chức hoạt động hợp đồng giữa các đơn vị cho phù hợp, đề ra giải pháp cho các tình huống phức tạp cho toàn mặt trận).
Cuốn sách cũng cho biết, trong 16 năm xây dựng và phát triển (1959-1975), khởi nguồn những lối mòn sơ khai men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ (có từ thời kháng chiến chống Pháp), các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh ngày càng hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 17.000 km gồm 5 trục dọc men theo dải Trường Sơn, 21 trục ngang nối với các địa bàn chiến lược, các quân khu, hệ thống đường vòng tránh, đường ống dẫn xăng dầu, đường thông tin liên lạc, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng…
Sách cũng khẳng định hệ thống đường giao thông huyết mạch Trường Sơn không chỉ giữ vai trò là tuyến vận tải quân sự, hậu cần chiến lược, mà còn là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch; nơi hội tụ sức mạnh, niềm tin và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Đường xuyên Trường Sơn
Trong cuốn Hồi ức Đường xuyên Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã kể chặng đường hơn mười năm hoạt ông ở cương vị Tư lệnh Đoàn 559, phụ trách tuyến chi tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
Trong thời gian ông nhận nhiệm vụ, tuyến vận tải Trường Sơn đã chịu thiệt hại nặng nề khi đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn quy mô lớn của đế quốc Mỹ.
Trong chuyến thị sát Binh trạm 1 ngày 20/01/1967, Trung tướng thấy cách bố trí kho chưa hợp lý, mất thời gian khi bốc hàng và dễ bị tổn thất khi địch ném bom… Trên cơ sở nắm bắt thực tế, tướng Đồng Sỹ Nguyên khẳng định tư tưởng chỉ đạo của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là tư tưởng tiến công và tổ chức vận tải cơ giới quy mô lớn là con đường phát triển tất yếu, là yếu tố sống còn của tuyến chi viện chiến lược.
Để vận chuyển cơ giới quy mô lớn thành công, theo Trung tướng phải tổ chức, xây dựng Trường Sơn thành một chiến trường tổng hợp. Các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến phải hoạt động trong thế trận hiệp đồng binh chủng; đều phải bám đường, bám trọng điểm, bảo vệ và phục vụ vận chuyển. Cùng với phát triển hệ thống đường vận tải cơ giới, phải phát triển hệ thống đường giao liên, đường sông, đường ống dẫn xăng dầu, đường dây thông tin, “đường kín”… tạo thành một “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.
Với những chỉ đạo táo bạo, kịp thời và phù hợp với thực tiễn, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã trải dài, vươn xa đến các chiến trường, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
5 đường mòn Hồ Chí Minh
Trước đây, khi nói đến chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam thì người ta chỉ chủ yếu nghĩ đến đường Trường Sơn, một phần vì sự tàn khốc ở đây: khoảng một triệu tấn bom đạn Mỹ đã tàn phá dọc đường này, làm cho khoảng hai vạn chiến sĩ miền Bắc đã ngã xuống và khoảng 20.000 người thành thương binh.
Các đường tiếp viện khác, tuy đã đóng góp rất lớn trong việc chi viện cho miền Nam và việc giữ liên lạc giữa hai miền, không được người ta chú ý đến nhiều vì chúng đã được bảo đảm bí mật bởi những người trong cuộc, bởi dân chúng trong nước và những người yêu mến Việt Nam ở nước ngoài.
Cuốn sách tập hợp nhiều tư liệu trong và ngoài nước để miêu tả và giải thích tầm quan trọng và quan hệ của “5 đường mòn Hồ Chí Minh” trong việc chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam cũng như trong việc giữ liên lạc giữa miền Nam với miền Bắc. Đó là: Con đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ; Con đường trên biển; Con đường xăng dầu; Con đường hàng không và Con đường chuyển ngân.
Đây là hệ thống mạng lưới giao thông quân sự chiến lược để vận chuyển binh lực, lương thực và vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên tuyến lửa ấy, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã kiên cường bám rừng, bám đường làm nên những chiến công vang dội.
Sức mạnh của những người sống và chiến đấu trên Đường mòn Hồ Chí Minh“Không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ những người sống và chiến đấu dọc Đường mòn Hồ Chí Minh”. |
Những kỷ vật thông tin nhắc nhớ thời kháng chiến chống Mỹ hào hùngNhững kỷ vật thông tin như loa, radio, máy ảnh được các nhân vật lịch sử từng sử dụng, nhắc nhớ về ký ức hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
Những bông hồng thép giữa chiến trườngCó mặt ở hầu hết mặt trận của cuộc kháng chiến chống Mỹ, các mẹ, các chị không chỉ “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”, mà còn là những bông hồng thép giữa chiến trường. |