Việc bị rút ròng mạnh từ đầu quý 3 đã thổi bay thành quả hút vốn của Fubon ETF trong nửa đầu năm. Dòng tiền vào ETF này luỹ kế từ đầu năm 2023 đến nay đã âm khoảng 23 triệu USD.
Sau giai đoạn mua ròng mạnh từ cuối năm ngoái đến hết quý đầu năm nay, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đảo chiều rõ rệt. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5 tháng liên tiếp từ đầu quý 2 và vẫn đang tiếp diễn. Chỉ tính riêng trên HoSE, khối ngoại đã bán ròng đến 11.000 tỷ đồng từ đầu tháng 4 đến nay.
Không nằm ngoài xu hướng trên, các quỹ ETF cũng liên tục bị rút vốn mạnh, trong đó Fubon ETF là một trong những tâm điểm. Từ đầu quý 3 đến nay, quỹ đã bị rút ròng hơn 79 triệu USD (~1.900 tỷ đồng). Con số này thậm chí đã thổi bay thành quả hút vốn trong nửa đầu năm. Dòng tiền vào ETF này luỹ kế từ đầu năm đã âm khoảng 23 triệu USD.
Đây là một diễn biến khá bất ngờ bởi Fubon ETF vẫn được biết đến như “thỏi nam châm” hút vốn kể từ khi đầu tư vào chứng khoán Việt Nam tháng 3/2021. Riêng trong năm 2022, ETF này hút ròng đến 526 triệu USD, lớn nhất thị trường. Đến nay, quỹ đã thực hiện 5 đợt huy động vốn để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.
Liên tục bị rút vốn mạnh thời gian gần đây nhưng quy mô của Fubon ETF vẫn không bị thu hẹp. Tính đến ngày 7/9, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ lên đến hơn 28 tỷ TWD (~868 triệu USD). Con số này đưa Fubon ETF trở thành quỹ hoán đổi có quy mô lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Fubon ETF đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam theo chỉ số tham chiếu là FTSE Vietnam 30 Index gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất HoSE (điều kiện còn room ngoại). Tại ngày 7/9, danh mục cổ phiếu chiếm đến 99,35% NAV trong đó top 10 khoản đầu tư lớn nhất lần lượt là HPG, VHM, VIC, VNM, VCB, MSN, SSI, VRE, DGC, VJC.
Điều gì làm đảo chiều dòng vốn?
Với việc tập trung vào nhóm vốn hoá lớn, dòng vốn trên Fubon ETF đảo chiều khi thị trường tăng mạnh và định giá không còn quá hấp dẫn cũng là điều dễ hiểu. Từ đầu quý 3, VN-Index đã tăng gần 11% và hiện đang ở gần vùng đỉnh một năm. P/E của chỉ số cũng leo lên vùng 14,x – tương đương mức bình quân 5 năm và cao hơn nhiều so với vùng đáy cuối năm ngoái (Giai đoạn khối ngoại mua ròng “ồ ạt” và các quỹ ETF trong đó có Fubon cũng hút tiền rất mạnh).
Ngoài yếu tố về định giá, tỷ giá gia tăng thời gian qua cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn qua các quỹ ETF. Tỷ giá tăng nhanh khiến các khoản đầu tư bằng VND nếu quy đổi thành USD “vô tình” bị lỗ và điều này có thể ảnh hưởng đến dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ giá sẽ gặp khá nhiều áp lực trong giai đoạn cuối năm do chênh lệch lãi suất VND và USD. Nhiều dự báo cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất những tháng cuối năm, song xu hướng thắt chặt vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng khi chỉ số lạm phát của Mỹ tăng nhẹ trở lại.
Đánh giá về điều này, Dragon Capital cho rằng một điểm không thể phủ nhận là Fed đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt. Dựa trên số liệu quá khứ, khi bước vào đoạn cuối của chu kỳ này, thị trường sẽ có những đợt điều chỉnh vừa phải từ 7-10% để phản ánh hai rủi ro, một là có suy thoái và hai là nếu không có suy thoái thì lãi suất cao sẽ duy trì bao lâu.
Theo Dragon Capital, thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) cũng như Chính phủ rất rõ ràng: lãi suất phải tiếp tục giảm và cung tín dụng tăng. Đồng thời, trong giai đoạn Trung Quốc có dấu hiệu giảm phát, lạm phát trong nước ở mức thấp, những biến động nhẹ và ngắn hạn về tỷ giá sẽ khó có khả năng ảnh hưởng lên xu hướng của chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Petri Deryng – nhà quản lý Pyn Elite Fund cũng cho rằng lãi suất tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục giảm. “Chúng tôi tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc nhờ hàng loạt chính sách đã được ban hành, năm 2024 tới lại là một năm tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Dòng tiền nội sẽ quay trở lại với kênh đầu tư cổ phiếu và thị trường chứng khoán sẽ tiếp đà phục hồi trong quý 3 này” – nhà quản lý Pyn Elite nhận định.