Đồng USD bật tăng trở lại so với euro vào lúc kết thúc phiên thứ Tư (20/7) sau những giờ giao dịch nhiều biến động, nhưng mức tăng không nhiều bởi những người tham gia thị trường không thực hiện những giao dịch lớn trước khi một ngân hàng lớn – Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) – có quyết định chính sách quan trọng vào thứ Năm (21/7).
Đồng euro đã tăng khoảng 2% trong 3 phiên giao dịch gần đây do thị trường kỳ vọng rằng ECB có thể đưa ra quyết định tăng mạnh lãi suất, thêm 50 điểm phần trăm, và báo cáo của Reuters rằng một đường ống dẫn khí đốt quan trọng của Nga sẽ mở trở lại đúng hạn sau khi bảo trì.
John Doyle, Phó chủ tịch công ty Monex USA cho biết: “Hôm qua, biến động tỷ giá đồng euro phần lớn là do thị trường dự đoán ECB sẽ xem xét tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Tôi nghĩ rằng kỳ vọng về điều đó đã giảm đi một chút vào sáng nay, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng năng lượng lại trở thành vấn đề nóng gây chú ý ở cá diễn đàn.”
Hôm thứ Tư (20/7), Liên minh châu Âu đã yêu cầu các quốc gia thành viên cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng cho đến tháng 3 như một biện pháp khẩn cấp sau khi Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng nguồn cung của Nga qua đường ống lớn nhất đến châu Âu có thể bị giảm hơn nữa và thậm chí có thể dừng lại.
Cả hai sự kiện – cuộc họp của ECB và việc mở lại ống dẫn khí Nord Stream 1 sau 10 ngày ngừng hoạt động – sẽ diễn ra vào thứ Năm (21/7), khiến thị trường rơi vào tình trạng khó khăn khi các nhà đầu tư không thể đưa ra những quyết định giao dịch lớn.
“Kỳ vọng của chúng tôi là ECB sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm trong tháng này. Nhưng khả năng xảy ra bất ngờ (lãi suất tăng nhiều hơn mức đó) khiến tỷ giá EUR/USD sẽ còn tiếp tục dao động mạnh cho đến khi quyết định được đưa ra”.
Kết thúc phiên 20/7, đồng USD giảm khoảng 0,52% so với đồng euro, xuống mức 1,01675 USD.
Mặc dù tăng trong phiên vừa qua, nhưng áp lực giảm giá của đồng tiền chung vẫn còn đó sau khi Thủ tướng Ý Mario Draghi chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện hôm thứ Tư, nhưng ba đảng liên minh chính từ chối tham gia cuộc bỏ phiếu, gây khiến chính phủ của ông rơi vào tình thế khó khăn.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc phiên 20/7 tăng 0,5% lên 107,15, không xa so với mức cao nhất trong hai thập kỷ, là 109,29, chạm tới vào tuần trước.
Đồng USD đã giảm khoảng 0,1% so với đồng yên trong phiên này, xuống 138,29 JPY. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự kiến sẽ giữ vững lập trường ôn hòa của mình tại cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ Năm (21/7).
Đồng bảng Anh suy yếu so với đồng USD khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Anh đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm, nhưng chỉ cao hơn một chút so với dự báo. Kết thúc phiên vừa qua, bảng Anh giảm 0,3% so với USD, xuống 1,1961 USD.
Đồng đô la Canada đã giảm khoảng 0,2% so với đô la Mỹ sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát ở Canada tăng tốc trở lại trong tháng 6, mặc dù mức tăng không cao như dự kiến.
Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá trong phiên vừa qua do các doanh nghiệp tăng nhu cầu mua USD và tình trạng gián đoạn các hoạt động do Covid-19 vẫn còn tiếp diễn.
Trong mấy phiên USD giảm giá vừa qua, nhiều doanh nghiệp và các nhà giao dịch đã tranh thủ mua USD vào tích trữ.
Các nhà giao dịch cho biết các đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây đã làm giảm bớt triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc và gây áp lực lên đồng nhân dân tệ. Quốc gia này báo cáo có 1.012 ca nhiễm Covid-19 mới hôm thứ Ba (19/7), lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày kể từ ngày 20 tháng 5.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Tư (20/7) ấn định tỷ giá tham chiếu ở mức 6,7465 CNY/USD, giảm 14 pip so với phiên liền trước. Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ giảm 43 pip vào cuối chiều cùng ngày, xuống 6,7468 CNY.
Các nhà giao dịch cho biết nhu cầu của doanh nghiệp đối với đồng bạc xanh đang rất lớn, nhưng mức độ giảm giá của đồng nhân dân tệ rất hạn chế do các nhà hoạch định chính sách đã cam kết hỗ trợ sự phục hồi kinh tế sau cú sốc Covid-19.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng khoảng 1,67% trong phiên vừa qua, lên 23.795,2 USD, tiếp nối chuỗi tăng giá phiên thứ 3 liên tiếp khi các nhà giao dịch đặt cược rằng đợt giảm giá Bitcoin gần đây đã kết thúc. Trong phiên, có lúc Bitcoin vọt lên mức 24.226 USD.
Mặc dù tăng trong phiên này nhưng Bitcoin đã liên tục biến động mạnh và kết thúc phiên ở mức giảm khá nhiều so với mức cao của phiên sau khi Tesla cho biết họ đã bán khoảng 75% các mã giao dịch của mình.
Theo đó, Tesla đã bán số bitcoin trị giá 936 triệu USD trong quý 2, hơn một năm sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao của sự phát triển lớn mạnh và phổ biến của tiền điện tử. Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, cho biết lý do chính mà công ty bán phần lớn số cổ phiếu nắm giữ bằng bitcoin là do không chắc chắn về việc phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc.
“Chúng tôi chắc chắn sẵn sàng tăng lượng nắm giữ bitcoin của mình trong tương lai, vì vậy điều này không nên được coi là một số phán quyết về bitcoin. Chỉ là chúng tôi lo ngại về tính thanh khoản tổng thể của công ty”, ông nói.
Ông Musk nói thêm rằng Tesla đã không bán bất kỳ đồng dogecoin nào.
Giá Bitcoin ngày 20/7
Giá vàng giảm trong phiên thứ Tư do USD mạnh lên làm giảm nhu cầu vàng từ những người mua bằng các tiền tệ khác. Tuy nhiên, việc thị trường nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không tăng lãi suất 100 điểm cơ bản vào tuần tới hỗ trợ thị trường vàng, ngăn kim loại này giảm giá mạnh.
Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.700,23 USD/ounce; vàng giao tháng 8/2022 giảm 0,6% xuống 1.700,20 USD.
“Vàng đang giao dịch trong biên độ hẹp, nhưng khối lượng giao dịch khá lớn. Các diễn giả của Fed đã đẩy lùi quan điểm sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm phần trăm, nhưng vàng vẫn chưa thể phục hồi vì vẫn có những nhà giao dịch tận dụng cơ hội để bán trước khi giá giảm thêm nữa, chiến lược gia hàng hóa của TD Securities, ông Daniel Ghali cho biết.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk