Trong giai đoạn điều trị bệnh, F0 nên ăn các thực phẩm chứa nhiều protein, khoáng chất. Trong đó, nhóm trứng là nguồn dinh dưỡng được Bộ Y tế khuyên người mắc COVID-19 nên dùng.
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, bệnh nhân mắc COVID-19 ngoài việc tuân thủ các biện pháp cách ly, điều trị thì cũng cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đủ chất. Bởi tất cả những gì chúng ta ăn đều góp phần quyết định tốc độ hồi phục nhanh hay chậm, giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng hậu COVID-19.
Nhìn theo góc độ khoa học, trứng vịt lộn chính là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, có thể cung cấp mọi thứ mà cơ thể cần. Một quả trứng vịt lộn thường chứa khoảng 13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi, 212mg phốt pho, 600mg cholesterol, 182kcal năng lượng, ngoài ra còn có thêm nhiều vitamin A, chất sắt, gluxit, vitamin C…
Còn theo Đông Y, trứng vịt lộn mang tính hàn, có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí và có thể chữa được nhiều bệnh như suy nhược, yếu sinh lý, đau đầu chóng mặt. Tuy nhiên F0 khi ăn trứng vịt lộn nên ăn kèm rau răm và gừng vì 2 thực phẩm này tính ấm, sẽ giảm bớt tính lạnh ở trứng, chống lạnh bụng, đầy hơi, chậm tiêu hóa.
Thời điểm tốt nhất trong ngày F0 nên ăn trứng vịt lộn để hấp thụ trọn vẹn dinh dưỡng
Theo Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, “thời điểm vàng” để ăn trứng vịt lộn chính là vào buổi sáng.
F0 lưu ý tránh ăn vào bữa tối vì lúc này quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm hơn nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi, khó ngủ nhất là khi ăn nhiều.
6 nhóm người không nên ăn nhiều trứng vịt lộn
1. Đối tượng mắc bệnh thận, suy thận
Người bệnh thận thường gặp vấn đề lớn trong quá trình trao đổi chất, lượng nước tiểu giảm khiến thận không thể lọc hết mọi độc tố ra bên ngoài. Trong khi đó, việc ăn trứng vịt lộn sẽ làm cho lượng urê trong cơ thể tăng cao, gây tổn thương thận, thậm chí nhiễm độc đường tiết niệu.
2. Đang bị viêm gan, gan nhiễm mỡ, tim mạch
Theo PGS.TS. Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng), nhóm người này nên kiêng hoặc tránh ăn nhiều vì sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch gây tắc nghẽn động mạch, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
3. Trẻ dưới 5 tuổi
Hệ tiêu hóa của trẻ lúc này vẫn chưa thực sự trưởng thành, chỉ nên cho ăn hạn chế để tránh tình trạng chướng bụng, đầy hơi, ậm ạch khó tiêu thậm chí là tiêu chảy.
4. Người mắc bệnh gút
Món ăn này có chứa rất nhiều protein, càng ăn nhiều càng gây tăng lượng protein trong máu khiến tình trạng bệnh gút trở nên nguy hiểm hơn.
5. Người bị cao huyết áp
Bệnh nhân cao huyết áp cần tuyệt đối tránh xa trứng vịt lộn bởi khi ăn thực phẩm này, cơ thể sẽ thu nạp một lượng lớn chất đạm và cholesterol – 2 chất gây nên tình trạng cao huyết áp.
6. Đang bị sốt
Việc tẩm bổ bằng trứng vịt lộn trong lúc ốm sẽ khiến cho cơ thể nhanh hồi phục hơn. Xong thực tế, protein trong trứng vịt lộn khi đi vào cơ thể sẽ bị phân hủy, sinh ra lượng nhiệt cao hơn 30% so với bình thường, từ đó khiến nhiệt độ của người đang sốt cao hơn, khiến bệnh tình thêm trầm trọng.
Lưu ý:
Dù trứng vịt lộn bổ dưỡng nhưng các chuyên gia vẫn khuyên không nên ăn quá nhiều trứng vịt lộn trong một lúc, với người lớn chỉ nên ăn mỗi tuần 2 quả, trẻ em mỗi tuần 1 quả.
Trứng vịt lộn cần luộc chín tới, không luộc nhừ quá để hạn chế tối đa các hormone (enzyme) trong phôi thai bị phá hủy bởi nhiệt độ. Tốt nhất là luộc chín tới rồi ăn ngay, trứng lộn sẽ tươi ngon và chất lượng hơn.