Family Office: Phương thức tài chính ít người biết đang giúp 0,001% các tỷ phú giàu nhất hành tinh như Bill Gates, George Soros khiến tiền không ngừng đẻ ra tiền dù chẳng phải làm gì nhiều

Thời gian gần đây xuất hiện hàng trăm Private Office hay Family Office (công ty quản lý tài sản gia đình) tại California và Singapore – đầu tư vào trái phiếu Canada, bất động sản châu Âu và những startup Trung Quốc.

TIN MỚI

Khi nghĩ về tiếng vang của ngành kinh doanh quản lý tài sản, hình ảnh ngay lập tức hiện lên trong tâm trí của nhiều người là các ngân hàng tư nhân lâu đời tại Geneva, Thuỵ Sỹ hay Mayfair của London với những hành lang ốp đá cẩm thạch và những phòng họp được thiết kế đẹp đẽ để những khách hàng siêu giàu của họ cảm thấy như ở nhà.

Nhưng, đó là bức tranh đã lỗi thời rồi. Một thế giới thực tế hơn bây giờ là việc xuất hiện của hàng trăm Private Office hay Family Office (công ty quản lý tài sản gia đình) tại California và Singapore – đầu tư vào trái phiếu Canada, bất động sản châu Âu và những startup Trung Quốc.

Bức tranh tài chính toàn cầu đang dần được chuyển đổi trong bối cảnh những tỷ phú ngày một giàu có hơn và họ loại bỏ bớt những người trung gian bằng việc tạo ra chính những “văn phòng gia đình” riêng – những công ty đầu tư tư nhân theo dõi thị trường toàn cầu để tìm kiếm các cơ hội.

Phần lớn không được chú ý, nhưng những công ty quản lý tài sản gia đình đã trở thành một lực lượng chính trong đầu tư với khối tài sản lên tới 4 nghìn tỷ USD – lớn hơn nhiều quỹ phòng hộ và tương đương 6% giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong bối cảnh con số này còn tiếp tục lớn hơn, các công ty quản lý tài sản gia đình đang phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về cách chúng tập trung quyền lực và làm gia tăng sự bất bình đẳng.

Trên thực tế khái niệm này không mới, John D. Rockefeller đã thành lập một công ty quản lý tài sản gia đình vào năm 1882. Tuy nhiên số lượng các private office đã bùng nổ trong thế kỷ này. Hiện có khoảng từ 5.000 – 10.000 văn phòng có trụ sở tại Mỹ, châu Âu và những trung tâm của châu Á như Singapore và Hong Kong.

Mặc dù nhiệm vụ chính của những văn phòng này là quản lý tài sản tài chính, nhưng một vài văn phòng lớn – có tới hàng trăm nhân viên, kiêm nhiệm thêm hàng loạt những công việc khác từ thuế, vấn đề luật pháp, quản gia cao cấp…

Chi phí để được sử dụng những dịch vụ như vậy có nghĩa là người dùng phải có khối tài sản ít nhất là 100 triệu USD, chiếm 0,001% số người trên toàn cầu. Những công ty quản lý tài sản gia đình lớn nhất châu Âu như của tỷ phú George Soros đang kiểm soát 10 tỷ USD – ngang ngửa những công ty ở phố Wall, có thể cạnh tranh với nhiều ngân hàng và tập đoàn quỹ tư nhân để mua toàn bộ một vài công ty.

Mỗi một sự bùng nổ đầu tư phản ánh xã hội thời đó. Những quỹ tương hỗ bắt đầu uể oải vào giai đoạn những năm 1970 sau 2 thập kỷ thịnh vượng của tầng lớp trung lưu Mỹ. Sự nổi lên của những công ty quản lý tài sản gia đình như hiện nay thì phản ánh sự bất bình đẳng ngày một gia tăng. Kể từ năm 1980, thị phần khối tài sản của thế giới được sở hữu bởi 0,01% người giàu nhất đã tăng từ 3 – 8%. Khi các nhà sáng lập của những công ty gia đình nhận được cổ tức hay trải qua quá trình IPO thành công, họ thường bố trí lại số tiền mình có. Tuy nhiên kể từ khủng hoảng tài chính, họ trở nên mất niềm tin vào những nhà quản lý tài sản bên ngoài. Những khách hàng giàu có đã xem xét kỹ hơn đến mức phí khá cao của các ngân hàng tư nhân và những lợi ích không mấy sáng sủa từ đó.

Những xu hướng này có lẽ khó phai mờ. Số lượng tỷ phú vẫn tăng – có 199 người mới kể từ năm ngoái. Trong thế giới đang phát triển, những doanh nhân già hơn – những người tạo ra các công ty trong những năm bùng nổ sau 1990 đang chuẩn bị rút tiền về, trong khi đó tại Mỹ và Trung Quốc những doanh nhân công nghệ trẻ đều sẵn sàng sớm IPO công ty của họ, tạo ra một làn sóng mới để tái đầu tư.

Sức nặng của những công ty quản lý tài sản gia đình trong hệ thống tài chính là khá lớn bởi vậy sự phản đối với chúng cũng sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Điều hiển nhiên nhất là sự bất bình đẳng.

Đầu tiên, các công ty quản lý tài sản gia đình có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Sự kết hợp của những người rất giàu có có thể khiến thị trường bùng nổ. LTCM – quỹ đầu cơ 100 tỷ USD được chống lưng bởi giới siêu giàu nổ ra vào năm 1998, gần như phá huỷ phố Wall. Tuy nhiên, những điều như vậy chưa chắc xảy ra với những công ty quản lý tài sản gia đình. Họ có khối nợ tương đương 17% tài sản và thường được triển khai trong nhiều thập kỷ, khiến nó dễ bị hoảng loạn hơn so với các ngân hàng và nhiều quỹ khác.

Lo ngại thứ 2 là các công ty quản lý tài sản gia đình có thể phóng đại sức mạnh của những người giàu có trong nền kinh tế. Điều này là hoàn toàn có thể: Nếu Bill Gates chỉ đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, ông sẽ sở hữu 65% thị trường cổ phiếu ở đây.

Tuy nhiên mục tiêu thường được thiết lập để đa dạng rủi ro, không tập trung quyền lực bằng việc lấy vốn từ doanh nghiệp gia đình và đặt vào những danh mục đầu tư mở rộng khôn ngoan.

Trên thực tế, hiện Bill Gates đang sở hữu một “cỗ máy in tiền bí mật” là công ty đầu tư Cascade Investment. Công ty này không xử lý vấn đề hậu cần, chi phí hoặc lương cho quỹ đứng tên vợ chồng Bill Gates mà chỉ đơn thuần là công ty quản lý tài sản, đầu tư tài sản cá nhân của tỷ phú Gates. Cascade sở hữu cổ phần tại nhiều công ty bất động sản và phi công nghệ. Họ nắm khoảng 4% tại tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett, sở hữu 47% khách sạn Four Seasons và 6% cổ phần tại Bunzl – một tập đoàn phân phối và thuê ngoài. Tháng 8, công ty này cũng mua 9,8% cổ phần của Strategic Hotels and Resort.

Rủi ro thứ 3 có lẽ là nhức nhối nhất: Các công ty quản lý tài sản gia đình có quyền truy cập đặc biệt vào thông tin, các giao dịch và chương trình thuế, cho phép họ có lợi thế hơn những nhà đầu tư bình thường. Dẫu vậy có rất ít bằng chứng cho việc này. Công ty quản lý tài sản gia đình trung bình thu về mức lợi nhuận 16% trong năm 2017 và 7% trong năm 2016 theo Campden Wealth – một công ty tư vấn, khá là ít ỏi so với thị trường chứng khoán toàn thế giới.

Tuy nhiên, các ông trùm luôn có kết nối tốt hơn. Các công ty quản lý tài sản gia đình đang trở nên phức tạp hơn – 1/3 có ít nhất 2 chi nhánh – khiến việc đánh thuế trở nên khó khăn hơn nhiều. Nếu tất cả những điều đó tiếp tục kéo dài, gộp lại trong nhiều thập kỷ, sự bất bình đẳng sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Vậy giải pháp là gì?

Câu trả lời là sự cảnh giác và minh bạch. Hầu hết các nhà chức trách, kho bạc và cán bộ thuế vẫn còn bỡ ngỡ khi làm việc với các công ty quản lý tài sản gia đình nhưng họ cần phải đảm bảo rằng những quy định về giao dịch nội gián, cân bằng dịch vụ của các khách hàng, vấn đề thuế được quan sát tỉ mỉ.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin