Fed bất ngờ tuyên bố sẽ giảm lãi suất trước ngưỡng lạm phát 2% và tác động đến kinh tế Việt Nam: Có thể xuất hiện “bẫy mất tiền” và cơ hội đầu tư mới?

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định, sẽ giảm lãi suất trước ngưỡng lạm phát 2%, điều này sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định sẽ không chờ đến khi lạm phát về 2% thì mới giảm lãi suất. “Chờ đến lúc đó có lẽ sẽ rất lâu. Khi ấy, lạm phát có thể xuống dưới 2%. Đây là điều chúng tôi không muốn”, Powell phát biểu trong buổi điều trần trước Hạ viện Mỹ hôm 10/7.

Đánh giá về động thái này, PSG. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc FED cắt giảm lãi suất đã được dự báo từ lâu, việc cắt giảm lãi suất sẽ tác động ngay lập tức đến nền kinh tế Mỹ và đồng USD sẽ giảm giá. Mức giảm này sẽ không quá mạnh, nhưng đủ để tạo cơ hội cho đồng Việt Nam tăng giá so với đồng USD, giảm bớt áp lực về tỷ giá hối đoái.

Khi đồng USD giảm giá, một hệ quả là các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp khó khăn vì lợi nhuận thu được có thể bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn điều chỉnh tỷ giá một cách thận trọng, thường chỉ giảm khoảng 2-3% mỗi năm so với đồng USD, giúp giảm bớt tác động tiêu cực. Do đó, hoạt động xuất khẩu vào Mỹ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngược lại, hoạt động nhập khẩu từ Mỹ và Việt Nam sẽ được lợi khi đồng USD giảm giá.

Bên cạnh đó, khi đồng USD giảm giá sẽ ảnh hưởng đến các đồng tiền khác trên thế giới, gây ra những hiệu ứng trái chiều trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ và thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc, nên tác động của đồng USD giảm giá sẽ không quá nghiêm trọng.

Ông Thịnh cũng cho rằng, FED có thể hạ lãi suất sớm nhưng mức hạ sẽ không quá 0,5%, do đó tác động đến giá trị của đồng USD và hoạt động kinh tế xã hội sẽ ở mức vừa phải.

Tóm lại, theo chuyên gia này, đồng USD giảm giá một chút sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh tế xã hội, đầu tư và xuất nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội để thu hút đầu tư từ Mỹ và các quốc gia phát triển khác, vì khi đồng USD giảm, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm cơ hội ở những quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam.

“Việc Chủ tịch Powell bất ngờ tuyên bố FED sẽ hạ lãi suất mà không cần lạm phát về mốc mục tiêu 2% sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực. Để hạn chế tiêu cực, trong hoạt động xuất nhập khẩu, chúng ta nên ký kết các hợp đồng xuất khẩu và thanh toán trong thời hạn ngắn để tránh biến động tỷ giá. Đồng thời, đa dạng hóa các đồng tiền đầu tư để giảm rủi ro. Mặc dù đồng USD vẫn là đồng tiền chủ chốt của thế giới, nhưng tác động của nó khi mất giá sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó sẽ ổn định trở lại” – ông Đinh Trọng Thịnh đánh giá.

Trước động thái này, thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng tăng do các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các thị trường mới nổi và đang phát triển mạnh như Việt Nam. Chuyên gia kinh tế này cho rằng, Việt Nam cần bình tĩnh, không vội vàng và áp lực, và tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá đồng Việt Nam với đồng USD.

Nhìn chung, “tác động của việc cắt giảm lãi suất của FED đến nền kinh tế Việt Nam sẽ không quá lớn. Các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho những biến động ngắn hạn và giữ vững sự bình tĩnh để không rơi vào bẫy mất tiền do biến động tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ quan điểm ổn định tỷ giá, nên chúng ta có thể yên tâm về sự ổn định kinh tế trong dài hạn”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin