USD giảm trong phiên vừa qua sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Jerome Powell, báo hiệu rằng mặc dù Fed sẽ bình thường hóa chính sách, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định về việc giảm bảng cân đối kế toán gần 9 nghìn tỷ USD.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 11/1, ông Powell lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn đang tranh luận về các phương pháp tiếp cận để giảm bảng cân đối tài sản của Fed, và cho biết đôi khi có thể mất hai, ba hoặc bốn cuộc họp để đưa ra quyết định về vấn đề đó, đồng thời nói rằng lạm phát đang vượt xa mục tiêu và “đó là một con đường dài” đối với bất cứ điều gì tương tự như chính sách thắt chặt.
Sau bài phát biểu của ông, đồng USD giảm 0,4% so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm quay đầu giảm khỏi mức cao kỷ lục gần đây.
Các nhà phân tích cho biết, thông điệp tổng thể của ông Powell hôm qua là “ít diều hâu” hơn một số nhà đầu tư mong đợi, đặc biệt là trước những bình luận gần đây từ một số diễn giả khác của Fed.
Các nhà giao dịch đã đẩy mạnh đặt cược cho việc Fed tăng lãi suất trong năm nay sau khi biên bản cuộc họp chính sách diễn ra vào 14 – 15/12 của ngân hàng trung ương Mỹ đươc công bố và cho thấy nhiều thành viên đề xuất nâng lãi suất sớm hơn dự kiến và khả năng có thể cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ sớm hơn so với các dự báo trước đây.
Lạm phát cao và sự phục hồi mạnh mẽ sẽ đòi hỏi ngân hàng trung ương Mỹ phải tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm nay, bắt đầu từ tháng Ba, và đảm bảo nhanh chóng thu hồi lượng tài sản nắm giữ của mình để rút lượng tiền thừa ra khỏi hệ thống tài chính, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic phát biểu hôm thứ Hai (10/1), trước ngày ông Powell điều trần trước Quốc hội.
“Ông Powell đã bất chấp bình luận diều hâu của những người khác trong Ủy ban thiết lập lãi suất của Fed và đề xuất rằng quyết định thắt chặt định lượng sẽ được đưa ra sau hai đến bốn cuộc họp tới, khiến thị trường bán mạnh trái phiếu ngay sau đó”, Karl Schamotta, trưởng bộ phận chiến lược thị trường của Cambridge Global Payments ở Toronto, cho biết.
Theo chuyên gia Schamotta: “Điều đó đang làm gia tăng nhu cầu đối với tài sản rủi ro trên toàn cầu và thúc đẩy dòng tiền chảy vào các loại tiền tệ nhạy cảm với lợi suất như đồng đô la Canada.”
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – giảm 0,32% xuống 95,627 lúc kết thúc phiên 11/1. Đồng đô la Canada tăng khoảng 0,8% so với đồng bạc xanh trong phiên này.
Trong khi chỉ số Dollar index đã được hỗ trợ tăng đều trong những tuần gần đây bởi dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm nay, chỉ số này vẫn chật vật để quay lại mức cao nhất trong 16 tháng chạm tới vào cuối tháng 11.
Đô la Australia – vốn nhạy cảm với rủi ro – kết thúc phiên vừa qua tăng 0,6% lúc kết thúc phiên 11/1, được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ của nước này tháng 11 vượt dự báo tháng thứ 2 liên tiếp.
Đồng bảng Anh cũng tăng 0,36% và chạm mức cao nhất 10 tuần so với đồng đô la Mỹ, được hỗ trợ bởi kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất hơn nữa. So với euro, bảng cũng tăng 0,1%.
Các tiền tệ Châu Á cũng đồng loạt tăng giá trong phiên 11/1, trong đó won Hàn Quốc có phiên tăng mạnh nhất trong vòng hơn 1 tháng, dẫn đầu về mức tăng trong số các đồng tiền châu Á, sau khi dữ liệu kinh tế lạc quan làm tăng triển vọng ngân hàng trung ương nước này sẽ nâng lãi suất.
Đồng won tăng 0,4% lên 1.194,70 won/USD, mức tăng cao nhất kể từ 1/13. Dữ liệu thương mại tháng 1 khá tốt có thể sẽ là cơ sở để Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào thứ Sáu tuần này.
Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục tăng giá so với đồng USD do nhu cầu mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp, nhưng các nhà giao dịch cho biết cơ hội để nhân dân tệ tăng hơn nữa không có nhiều vì Fed sắp nâng lãi suất.
Nhân dân tệ trên thị trường kết thúc phiên 11/1 ở mức 6,378 CNY/USD. Tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ấn định đạt mức cao nhất 2 tuần, là 6,3653 CNY.
Nhu cầu của doanh nghiệp đối với đồng nhân dân tệ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài thường hỗ trợ đồng tiền này tăng mỗi khi sắp Tết.
Đồng rupee Ấn Độ, ringgit Malaysia và đô la Singapore đều tăng khoảng 0,2% đến 0,3% trong phiên vừa qua do USD giảm.
Bitcoin hồi phục mạnh trong phiên vừa qua, kết thúc ngày 11/1 tăng 2,4% lên 42.839,43 USD, sau khi giảm xuống dưới 40.000 USD ở phiên trước đó – lần đầu tiên phá vỡ ngưỡng này kể từ tháng 9.
Diễn biến giá bitcoin trong 24 giờ ngày 11/1 theo giờ Mỹ.
Giá vàng cũng tăng khá mạnh, thêm 1% do USD yếu đi bởi bài phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, trước Quốc hội đã không tạo ra bất kỳ bất ngờ nào về chính sách thắt chặt tiền tệ, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm cũng hỗ trợ giá vàng hồi phục.
Kết thúc phiên 11/1, giá vàng giao ngay tăng 1% lên 1.819,58 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tháng 2 tăng 1,1% lên 1.818,50 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao thuộc Kitco Metals, cho biết: “Việc ông Powell không hiếu chiến hơn dự kiến có thể đã trấn an một chút những người đầu cơ giá vàng lên”.
Trong phiên điều trần của mình, ông Powell lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn đang tranh luận về các phương pháp tiếp cận để giảm bảng cân đối tài sản của Fed, đồng thời cho biết lạm phát đang vượt xa mục tiêu và “đó là một con đường dài” đối với bất cứ điều gì tương tự như chính sách thắt chặt.
Sau bài phát biểu của ông, đồng USD giảm 0,4% so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm quay đầu giảm khỏi mức cao kỷ lục gần đây.
Tham khảo: Reuters, Coindesk