Fintech có thể tái định hình ngành tài chính, tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này. Hiện tại các công ty cho vay P2P hoạt động khá hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay từ vài tuần ở các ngân hàng truyền thống xuống chỉ còn vài giờ.
Fintech chắc hẳn là từ không còn xa lạ với những ai theo dõi sát ngành tài chính trong mấy năm trở lại đây. Nó thường xuyên được nhắc đến trong các hội thảo, cuộc họp và thậm chí trở thành chủ đề nóng để bàn luận bên bàn tiệc.
Kể từ khi làn sóng các công ty khởi nghiệp tập trung vào lĩnh vực công nghệ trong tài chính nổi lên sau khủng hoảng 2008, “fintech” trở thành đại diện cho một cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của ngành ngân hàng.
1. Chính xác thì fintech là gì?
Là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), fintech được sử dụng chung cho tất cả các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.
Các công ty fintech được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các công ty phục vụ người tiêu dùng, cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho các startup. Nhóm còn lại là các công ty thuộc dạng “back-office” hỗ trợ công nghệ cho các định chế tài chính.
2. Tại sao fintech là một từ hot?
Fintech có thể tái định hình ngành tài chính, tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này. Hiện tại các công ty cho vay P2P (kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên Internet) đã hoạt động khá hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay từ vài tuần ở các ngân hàng truyền thống xuống chỉ còn vài giờ.
Theo dự đoán của Morgan Stanley, khối lượng các khoản vay trực tuyến ở Mỹ sẽ chạm mốc 120 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, so với con số khiêm tốn 20 tỷ USD của năm 2015.
Ở lĩnh vực quản lý đầu tư, những ông lớn như BlackRock và Vanguard có dịch vụ “robot tư vấn” (robo adviser) sử dụng các thuật toán để tự động điều chỉnh danh mục đầu tư tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng. Một số quỹ đầu cơ đang thử nghiệm (và thành công ở nhiều mức độ khác nhau) sử dụng trí thông minh nhân tạo để robot có thể tự học các thuật toán.
Trên thị trường vốn, các startup và kể cả các ông lớn như Goldman Sachs hay thậm chí là NHTW Anh đang thử nghiệm sử dụng các loại tiền ảo (như bitcoin) thay thế cho các phương thức chuyển tiền và tài sản truyền thống.
3. Ai quản lý fintech?
Nhìn chung thì các cơ quan quản lý tài chính trên toàn thế giới chào đón làn sóng fintech bởi nó hứa hẹn sẽ giúp cho các giao dịch tài chính dễ dàng, minh bạch hơn và có chi phí thấp hơn. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen nói rằng công nghệ tiền ảo sẽ giúp nâng cấp hệ thống thanh toán quốc tế đã cũ kỹ.
Thống đốc NHTW Anh Mark Carney cũng cho rằng fintech có thể thay đổi cách các ngân hàng, công ty và người dùng chi tiêu, quản lý và tiết kiệm tiền bạc. Tuy nhiên, theo ông các nhà quản lý phải xem xét đến chuyện liệu công nghệ có ảnh hưởng đến tính an toàn và chính xác của hệ thống tài chính hay không.
4. Rủi ro từ fintech?
Dù các công ty fintech cung cấp rất nhiều loại hình dịch vụ tài chính (từ các khoản vay thế chấp trực tuyến đến tất cả các loại tài khoản nghỉ hưu), sự thuận tiện có thể khiến một số khách hàng tham gia những dịch vụ mà họ không thực sự hiểu về các quyền hạn nghĩa vụ của bản thân.
Một số người lo ngại Fintech cũng có thể thay thế các ngân hàng vật lý truyền thống, khiến các hộ gia đình có thu nhập thấp không thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Cổ phiếu của vài công ty fintech ở Mỹ đã tăng mạnh nhưng sau đó lại lao dốc. Tháng 5/2016, LendingClub – công ty P2P có trụ sở ở San Francisco – đã sa thải CEO Renaud Laplanche sau một vụ bê bối. Kết quả là cổ phiếu của nó giảm một nửa giả trị chỉ trong 5 ngày giao dịch.
5. Các nhà quản lý đã làm gì?
Họ đang thực hiện những bước đầu để tìm ra cách bảo vệ người tiêu dùng và hệ thống tài chính mà không làm chậm lại quá trình cải tiến sáng tạo. Tháng 12 năm ngoái, Văn phòng quản lý tiền tệ Mỹ cho biết sẽ bắt đầu ban hành giấy phép cho các công ty fintech đủ điều kiện, như vậy các công ty này sẽ phải tuân theo một số điều khoản trong luật ngân hàng liên bang.
Giới chức Anh thì thực hiện chương trình làm việc với các startup ở giai đoạn đầu để đảm bảo chúng tuân thủ đúng luật lệ.
Tuy nhiên, một số công ty fintech đang cố gắng hạn chế luật lệ và thành lập những nhóm vận động hành lang để mở rộng tầm ảnh hưởng ở Washington.
6. Nhà đầu tư đang đặt cược vào fintech?
Trên toàn thế giới, các công ty đầu tư mạo hiểm đã rót hơn 17 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp fintech trong năm 2016, tăng gấp 6 lần so với 2012. Năm ngoái, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành điểm đến nóng nhất cho làn sóng đầu tư vào fintech.
Chỉ ở riêng Singapore cũng có hơn 100 startup hoạt động trong lĩnh vực fintech. Mới chỉ có 1 phần nhỏ lên sàn, vì thế nhà đầu tư dự đoán sẽ có một làn sóng M&A và lên sàn trong thời gian tới trong bối cảnh các ngân hàng săn lùng những công nghệ mà họ có thể sử dụng, đồng thời các công ty startup sẽ đạt được độ trưởng thành.
7. Các ngân hàng lớn có lo lắng trước làn sóng fintech?
Có. Sau khi coi nhẹ các startup này trong giai đoạn đầu, giờ đây các ngân hàng đã chấp nhận thực tế rằng công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ, khiến ngành ngân hàng thay đổi một cách căn bản như bao ngành khác.
Tuy nhiên trong khi robot tư vấn và các công nghệ khác có thể giúp ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn, hàng nghìn nhân viên có thể bị thay thế bằng máy móc. Các ngân hàng, công ty môi giới chứng khoán và những thực thể truyền thống khác cũng l ngại rằng vì bây giờ chúng ta mới bắt đầu xây dựng luật quản lý, các công ty fintech đang có một lợi thế lớn trong cuộc đua giành thị phần.
Do đó một số người lo ngại trong làn sóng công nghệ thay thế những phương thức truyền thống, công việc kinh doanh của nhiều ngân hàng sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu như họ không bắt kịp được với công nghệ.
8. Và các ngân hàng đang làm gì để đối phó với fintech?
Họ đang cố gắng đi trước một bước. Một số ngân hàng sử dụng sức mạnh thương hiệu và công nghệ để tự mình thử nghiệm với fintech. Các phương thức tiếp cận phổ biến ở thung lũng Silicon thường được áp dụng trong trường hợp này. Ví dụ, Barclays đã hỗ trợ 60 startup trong khuôn khổ các chương trình cải tiến ở London, New York, Tel Aviv and Cape Town. Các ngân hàng khác như Citigroup hay Banco Santander SA đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm mua cổ phần của các công ty fintech.
Tuy nhiên, rất khó để các ngân hàng lớn tích hợp công nghệ mới vào hệ thống máy tính đã lỗi thời của họ. Do đó các ngân hàng lớn đang tỏ ra khá chậm chạp, dù tiền đầu tư không phải là ít.