Các doanh nhân khởi nghiệp thường tự hỏi: làm thế nào để phát triển công việc kinh doanh mà không cần quỹ đầu tư mạo hiểm? Tạp chí Forbes chỉ ra rằng 94% các khởi nghiệp tỉ đô tạo dấu ấn mà không cần các quỹ hỗ trợ.
Các công ty khởi nghiệp không nên tìm đến các quỹ đầu tư quá sớm. Có đến 99,9% các công ty khởi nghiệp đều không kêu gọi được đầu tư – Ảnh: FREEPIK.COM/DRAZEN ZIGIC
Vì sao không nên kêu gọi đầu tư từ giai đoạn đầu?
Ông Dileep Rao – chuyên gia đầu tư và cố vấn cho nhiều doanh nghiệp khởi sự mà không cần gọi vốn – chia sẻ trên tạp chí Forbes rằng công ty khởi nghiệp không nên tìm đến các quỹ đầu tư quá sớm.
Ông Rao chỉ ra có đến 99,9% các công ty khởi nghiệp đều không kêu gọi được đầu tư. Thậm chí cả khi đã gọi vốn được rồi thì cũng chỉ 20% doanh nghiệp có thể thành công.
Với các công ty khởi nghiệp tìm đến quỹ đầu tư mạo hiểm từ quá sớm, họ thường thấy mình ở thế yếu hơn. Các quỹ sẽ chiếm quyền kiểm soát công ty, cài người của mình vào vị trí giám đốc điều hành và đưa công ty xa rời tầm nhìn ban đầu.
Ngược lại, nếu có thể “tự thân vận động” ở những ngày đầu, chủ doanh nghiệp sẽ bảo vệ được quyền kiểm soát công ty cũng như lợi nhuận việc kinh doanh mang lại.
Ông Rao chỉ ra trong 22 doanh nhân khởi nghiệp có tài sản trên 1 tỉ USD, người chưa tìm đến các quỹ đầu tư mạo hiểm giữ lại số lợi nhuận nhiều gấp đôi những người kêu gọi vốn từ ban đầu. Với những người hoàn toàn không tìm đến các quỹ, con số này tăng lên thành gấp 7.
Từ những lý do trên, câu hỏi cần đặt ra không phải là “Tôi có thể khởi nghiệp không cần quỹ đầu tư không?”, mà là “94% khởi nghiệp “kỳ lân” đã thành công không cần quỹ đầu tư bằng cách nào?”.
Mô hình “doanh nhân kỳ lân” và 4 điểm đặc thù
18% các doanh nhân tỉ đô trì hoãn gọi vốn và 76% các doanh nhân tránh hoàn toàn việc này đều dùng mô hình “doanh nghiệp kỳ lân”. Mô hình này đề cao việc tận dụng kỹ năng và chiến lược kinh doanh tài chính để bay cao mà không cần quỹ đầu tư.
Mô hình “doanh nghiệp kỳ lân” có 4 điểm đặc thù sau:
Thứ nhất, kinh doanh “kỳ lân” được xây dựng trên cơ sở cách doanh nhân xây dựng công ty của mình. Điều này trái ngược với việc nhấn mạnh nguồn vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm thường được các hệ sinh thái đào tạo khởi nghiệp rao giảng.
Thứ hai, kinh doanh “kỳ lân” phụ thuộc vào chiến lược và kỹ năng tìm ra yếu tố then chốt thuyết phục người dùng. Yếu tố này phải phù hợp với sản phẩm, ngành hàng của doanh nghiệp, đồng thời tối ưu tăng trưởng với nguồn vốn thấp.
Khi Dell vừa thành lập, Michael Dell, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn nổi tiếng này, tập trung vào việc bán trực tiếp cho khách máy tính để bàn đã được cá nhân hóa. Điều này giúp ông không phải chia lợi nhuận cho các kênh bán hàng trung gian, nhờ đó tối đa hóa số tiền thu được.
Thứ ba, kinh doanh “kỳ lân” chú trọng tự phát triển chiến lược cạnh tranh hiệu quả. Chuyên gia kinh tế Joan Magretta từng viết: “Mô hình kinh doanh mô tả cách bạn vận hành doanh nghiệp, chiến lược cạnh tranh giải thích cách bạn trở nên tốt hơn đối thủ”. Các doanh nhân cần đưa ra chiến lược cạnh tranh phù hợp để vừa đánh bại đối thủ vừa đảm bảo tăng trưởng.
Cuối cùng, kinh doanh “kỳ lân” đề cao việc cân bằng giữa trí tuệ và sự khôn lanh. Doanh nhân không cần phải qua trường lớp danh giá, nhưng họ phải biết cách kết hợp trí thông minh, kỹ năng và chiến lược để xây dựng cũng như kiểm soát công việc kinh doanh của mình.