Founder hãng thời trang MEO, TikToker Thu Nhi (2 triệu người theo dõi) vừa lên tiếng chính thức xoay quanh câu chuyện “dẹp tiệm”.
Trên fanpage chính thức của hãng thời trang MEO, TikToker Thu Nhi – Founder của hãng đã lên tiếng sau hai tuần chính thức thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống. Theo đó, Thu Nhi cho biết thực sự MEO không nhất thiết phải đóng cửa: “Nhìn lại một lần nữa thì MEO không nhất thiết phải đóng cửa. MEO Shop đi theo hướng thời trang công sở, từ ban đầu đã có tệp khách hàng riêng và ổn định. Hầu hết quần áo của MEO đều có thể vừa đi làm, đi chơi được. Mở shop quần áo là theo cảm tính cá nhân và đóng cửa cũng là cảm tính cá nhân của tôi”.
Nữ Founder cho biết thời gian qua, bản thân không còn dành được nhiều thời gian để cùng đồng hành và phát triển cùng thương hiệu thời trang của mình. Đồng thời, Thu Nhi cũng chia sẻ bản thân không còn cảm thấy hứng thú với nghề kinh doanh thời trang. Như cô chia sẻ, trong suốt 7 tháng qua, MEO Shop đã có quản lý mới, dù doanh thu không bùng nổ như thời gian đầu nhưng cũng không nói là lỗ.
“Tôi nghĩ một là phải làm thật tốt, hai là đừng làm. Thương hiệu nào cũng có linh hồn, khi người chủ không còn đặt nhiều linh hồn vào thì mọi thứ nó chỉ qua loa, tạm bợ qua ngày. Như vậy, tồn tại để làm gì? Mặt khác, bản thân tôi thấy mình không còn có gu quần áo hợp thời nữa” , TikToker Thu Nhi chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô cũng tiết lộ bản thân muốn dành nhiều thời gian cho mình cũng như gia đình nhỏ sau thời gian làm việc không ngơi nghỉ.
Trước đó, vào ngày 25/11 Thu Nhi đã đăng tải thông báo trên fanpage của hãng thời trang MEO về việc khép lại hành trình kinh doanh. “Thu Nhi và MEO rất vui khi đã đi được một hành trình dài cùng mọi người. Trạm cuối của chuyến tàu cuối cùng cũng đã đến, MEO và Thu Nhi rất vui khi những ngày cuối cùng vẫn được mọi người ủng hộ nhiều đến vậy” , nữ TikToker chia sẻ.
Những chia sẻ của Founder của MEO khiến nhiều người nhớ đến tâm thư của Nguyễn Ngọc Trâm – Founder của Lep’. Chia sẻ việc dừng lại hành trình kinh doanh sau 8 năm gia nhập thị trường, Ngọc Trâm cho biết: “Quãng thời gian có những giai đoạn quản lý tới 2-300 con người khiến cho mình từ một cô gái mộng mơ dễ thương trở thành một người phụ nữ cau có và cạn kiệt năng lượng. Dừng Lep’ cũng là một cơ hội cho mình nghỉ ngơi, để tìm lại bản thân, bắt đầu những hành trình mới của một người phụ nữ trưởng thành. Mình không còn theo kịp thị trường đang thay đổi chóng mặt hàng ngày, muôn vàn phong cách thời trang mới, muôn vàn sản phẩm mới, rẻ, đẹp”.
Trước đó, thương hiệu thời trang nam CATSA cũng đã rời khỏi thị trường sau 13 năm. Bà Nguyễn Thùy Linh Cát, sáng lập CATSA, chia sẻ: “Một trong những lý do khiến chúng tôi phải ngừng kinh doanh là không muốn cuốn vào cuộc cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc”.