FPT tăng, khối tài sản của ông Trương Gia Bình đã tăng khoảng 1.500 tỷ đồng so với vài tháng trước, và tăng khoảng 4.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong phiên giao dịch ngày 16/8 vừa qua, cổ phiếu FPT ghi nhận sự hồi phục ấn tượng khi tăng 1,48%, đạt mức 130.600 đồng. Đây là phiên tăng đầu tiên sau ba phiên giảm điểm liên tiếp trước đó.
Dù chưa thể quay về mức đỉnh cũ thiết lập đầu tháng 7/2024, gần 140.000 đồng/cổ phiếu, nhưng với thị giá hiện tại, vốn hóa của FPT đã vượt mốc 190.700 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu FPT cũng đã làm gia tăng khối tài sản của Chủ tịch HĐQT, ông Trương Gia Bình.
>> FPT phá đỉnh, khối tài sản của ông Trương Gia Bình vượt 11.800 tỷ đồng
Khoảng hai tháng trước, ông Trương Gia Bình đang nắm giữ 88,73 triệu cổ phiếu FPT. Với mức giá 133.300 đồng/cổ phiếu thời điểm đó, khối tài sản của ông Bình đạt khoảng 11.800 tỷ đồng. Khối tài sản này đã gia tăng khoảng 3.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2024 nhờ sự tăng trưởng của giá cổ phiếu FPT.
Ngày 13/6 vừa qua, FPT đã hoàn tất phát hành 190 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ phát hành 15%. Những cổ phiếu này đã chính thức được chuyển vào tài khoản của cổ đông trong tháng 7 vừa qua.
Theo cập nhật mới nhất, ông Trương Gia Bình hiện đang sở hữu hơn 102 triệu cổ phiếu FPT. Tính theo thị giá hiện tại, khối cổ phiếu này có giá trị khoảng 13.300 tỷ đồng. Khối tài sản này đã tăng 1.500 tỷ đồng so với 2 tháng trước, và tăng khoảng 4.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2024.
Tại FPT, vợ ông Trương Gia Bình không sở hữu cổ phiếu, tuy nhiên, con gái ông, Trương Ngọc Anh, đang nắm giữ 414.124 cổ phiếu, trị giá khoảng 54 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Thanh Thanh, chị gái ông Bình, hiện đang sở hữu hơn 21,8 triệu cổ phiếu FPT, trị giá khoảng 2.800 tỷ đồng.
>> Ông Trương Gia Bình: Bao nhiêu nhân sự ngành bán dẫn tốt nghiệp, FPT có thể nhận hết
FPT của ông Trương Gia Bình đang ngày càng củng cố vị thế trên thương trường. Đây là động lực chính cho việc giá cổ phiếu ngày càng tăng mạnh, giúp doanh nghiệp luôn đứng Top cao trong bảng xếp hạng vốn hóa trên thị trường.
Trong chính sách phát triển kinh doanh vừa công bố, FPT cho biết đã và đang tiến hành các thương vụ M&A và joint venture tại thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, FPT cũng đang triển khai mở rộng chi nhánh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng thị trường. Bước đi mới đây nhất là việc thành lập chi nhánh tại Đại Liên – Trung Quốc. Bên cạnh đó, FPT đã mở thêm văn phòng thứ 3 tại Hàn Quốc nhằm tăng tiềm năng tiếp cận khách hàng.
Mang chuông đi đánh xứ người, ngoài dịch vụ hạ tầng viễn thông, FPT còn tiếp tục mang thêm các sản phẩm trong hệ sinh thái made by FPT ra thị trường nước ngoài.
Ở thị trường trong nước, FPT tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, triển khai các dự án, đồng thời đang hướng tới mở rộng kinh doanh mảng di động ảo. Nửa đầu năm 2024 vừa qua, FPT đã chính thức cung cấp mảng di động ảo đầu số 0775.
Hiện tại, FPT đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Nvidia, thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây trên toàn cầu. FPT đã đầu tư 200 triệu USD để xây dựng AI Factory cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, FPT đang chú trọng đầu tư tạo nền móng triển phát triển trí tuệ nhân tạo AI, như việc cung cấp phần mềm cho ngành sản xuất ô tô, chíp bán dẫn…
>> FPT không còn là FPT nữa nếu thiếu nguồn sức mạnh vô địch: ‘Tôn – Đổi – Đồng – Chí – Gương – Sáng’