G7 cho Ukraine vay 50 tỷ USD, bảo lãnh bằng tài sản của Nga

(VNF) – Theo một quan chức Nhà Trắng, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã công bố vào ngày 23/10 rằng họ đã hoàn thiện kế hoạch cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD bằng cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga.

Khoản vay này là động thái mà các quốc gia phương Tây cho là buộc Nga phải trả giá cho những thiệt hại mà nước này gây ra cho Ukraine thông qua một cuộc chiến chưa có dấu hiệu kết thúc.

Thông báo này được đưa ra sau nhiều tháng tranh luận và đàm phán giữa các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu về cách họ có thể sử dụng 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để hỗ trợ Ukraine.

chau au 2309
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen.

Mỹ và Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh trừng phạt nhằm đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, phần lớn được nắm giữ ở châu Âu, sau khi Nga đưa quân tới Ukraine vào đầu năm 2022. Khi chiến sự kéo dài, các quan chức tại Mỹ đã thúc đẩy việc tịch thu số tiền này và chuyển trực tiếp cho Ukraine để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, các quan chức châu Âu lo ngại về tính hợp pháp của động thái này và cuối cùng cả hai bên đã nhất trí rằng họ sẽ sử dụng tiền lãi từ các tài sản bị đóng băng để bảo đảm cho khoản vay 50 tỷ USD.

Mỹ sẽ đóng góp 20 tỷ USD vào khoản vay 50 tỷ USD và Liên minh châu Âu, Anh, Canada và Nhật Bản sẽ đóng góp phần còn lại.

Hơn 200 tỷ USD dự trữ của Nga được nắm giữ bởi Euroclear, trung tâm lưu ký chứng khoán của Bỉ. Các tài sản này tạo ra hơn 3 tỷ USD tiền lãi mỗi năm, sẽ được sử dụng để trả hết khoản vay theo thời gian.

Quá trình triển khai khoản vay đã bị đình trệ trong những tháng gần đây do nhiều vấn đề kỹ thuật và trở ngại pháp lý. Mỹ đang hướng tới mục tiêu tìm cách đóng góp vào khoản vay mà không cần phải yêu cầu Quốc hội cấp thêm tiền.

Ông Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Brussels, cho biết thỏa thuận về khoản vay nêu bật sức mạnh của sự ủng hộ giữa các quốc gia G7 đối với Ukraine.

“Đây là cách khiến Nga phải chịu chi phí và tổn thất do thiệt hại mà họ gây ra cho Ukraine”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 22/10.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves cho biết nước này sẽ đóng góp 3 tỷ USD cho khoản vay này. “Sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine là không lay chuyển và sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi nào cần thiết”, bà Reeves cho biết.

g7 2 2314
Nhóm G7 đã công bố vào ngày 23/10 rằng họ đã hoàn thiện kế hoạch cấp cho Ukraine khoản vay 50 tỷ USD bằng cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga.

Nghị viện châu Âu ngày 22/10 cũng đã thông qua kế hoạch cho Ukraine vay tới 39 tỷ USD trong bối cảnh Ukraine đang cạn tiền để mua vũ khí và xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng khi nước này đang bước vào một mùa đông nữa.

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết vào tháng trước rằng châu Âu sẵn sàng tiến hành khoản cho vay ngay cả trước khi Mỹ nêu rõ khoản đóng góp của mình.

Mỹ đã cản trở quá trình hoàn thiện kế hoạch do lo ngại về việc trả nợ, điều này phụ thuộc vào thời gian đóng băng tài sản là bao lâu.

Theo đó, Washington đã yêu cầu đảm bảo lâu dài hơn rằng các tài sản sẽ vẫn bị đóng băng bất chấp những bất đồng tiềm ẩn trong khối để phương Tây có thể khai thác các tài sản bị phong toả trong thời gian cần thiết.

Đổi lại, ủy ban đã đề xuất rằng các lệnh trừng phạt của khối này nhằm vô hiệu hóa tài sản của Nga sẽ được kéo dài từ giai đoạn 6 tháng liên tục hiện tại lên 36 tháng, để mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý hơn.

Mỹ cũng đã nhận được sự đảm bảo đầy đủ từ Liên minh châu Âu rằng khoản vay này là an toàn và các điều khoản của khoản vay sẽ yêu cầu Nga phải trả lại nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Nga đã chỉ trích gay gắt việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương nước này, đồng thời đe dọa sẽ có hành động pháp lý và trả đũa nếu nước này chuyển dự trữ cho Ukraine.

Nhóm G7 tin rằng khoản vay này không vi phạm luật pháp quốc tế vì tiền lãi thu được từ tài sản của Nga không thuộc về Nga.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin