Trong thời gian quá ngắn của Shark Tank, ít ai có thể hiểu được startup Gcalls thực sự là cái gì, và tại sao “cá mập” khó tính Thái Vân Linh lại hào phóng rút hầu bao đầu tư với số tiền kỷ lục như vậy. Những thắc mắc này đã được giải đáp bên lề chương trình.
Được biết, tập 7 Shark Tank Việt Nam khép lại với “deal khủng” trị giá 23 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD cho startup Gcalls. Chỉ trong vòng 10 phút trình bày, mặc dù dến 4/5 cá mập chê nhưng startup Gcalls vẫn nhận được quyết định đầu tư từ Shark Thái Vân Linh. Chưa kể, việc huy động được con số 1 triệu USD cho một startup công nghệ sơ khai như Gcalls không phải là điều dễ dàng.
Vậy, Gcalls được hình thành như thế nào, và hiện đang có thế mạnh gì?
Chia sẻ cụ thể hơn về công ty của mình, CEO Xuân Bằng cho biết: “Tụi em cung cấp phần mềm nghe và gọi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngày xưa khi mà mua hàng trên website điện tử Amazon, thì đã có một sự cố đối với thẻ ngân hàng của em, trước giờ hoạt động thanh toán bằng visa luôn bình thường nhưng nay không thể thực hiện thanh toán, trong khi em lại đang rất cần đơn hàng này”.
Trước bất cập trên, thời gian sau đó khi đã tìm hiểu sâu hơn, chàng trai trẻ mới phát hiện ra 2 nguyên nhân chính khiến Amazon khó mà chăm sóc khách hàng địa phương (như Bằng) một cách tốt nhất, chính là:
1. Thứ nhất là hạ tầng để xây dựng một trung tâm khách hàng tại khu vực Đông Nam Á tương đối khó khăn và tốn nhiều chi phí đầu tư, cũng như mất rất nhiều thời gian hoàn thiện;
2. Thứ hai là vấn đề quản trị lao động, khi mà hệ thống của họ không thể hỗ trợ giải quyết quản lý phân tán từ xa.
Chính hai yếu tố này đã hình thành ý tưởng thành lập Gcalls của startup Bằng. Theo đó, một trong những tầm nhìn xa hơn mà Gcalls vươn tới là giúp doanh nghiệp địa phương toàn cầu hóa được dịch vụ chăm sóc khách hàng của họ. Đồng thời, Gcalls cũng định hướng giúp các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng mở trung tâm khách hàng tại khu vực Đông Nam Á, bằng cách trong vòng 5 phút mua một số điện thoại, sau đó đưa ứng dụng này xuống cho các nhân viên địa phương, từ đó có thể chăm sóc được từ xa.
Với Gcalls, hình ảnh các tổng đài viên sẽ hoàn toàn biến mất
Giải thích rõ hơn, CEO Tấn Phúc phân trần: “Có thể tưởng tượng Gcalls là một phần mềm kết nối giữa hệ thống quản trị doanh nghiệp với hệ thống quản trị khách hàng. Gcalls sẽ tích hợp (kết nối) với nhiều phần mềm quản trị khách hàng, từ đó người sử dụng Gcalls (khách hàng của Gcalls) có thể có được nhiều sự lựa chọn, Đồng thời họ cũng có thể dễ dàng phát triển hơn nữa hệ thống chăm sóc khách hàng của họ”.
Như vậy, hiểu nôm na Gcalls là hệ thống hướng đến hai nhóm khách hàng với hai công dụng riêng biệt, cụ thể:
(1) Nhóm khách hàng thứ nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, muốn đưa dịch vụ công ty ra toàn cầu;
(2) Nhóm khách hàng thứ hai là doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài (ví dụ Amazon), muốn tiếp cận sâu hơn và chăm sóc tốt hơn khách hàng địa phương.
Theo đó, Gcalls sẽ bao gồm hạ tầng Call center, phần mền quản lý cuộc gọi và giải pháp tích hợp với các CRM giúp doanh nghiêp quản lý khách hàng. Nếu theo truyền thống, các trung tâm tổng đài sẽ phải có những tổng đài viên trực tại chỗ để nghe và trả lời cuộc gọi từ khách hàng, thì với Gcalls hình ảnh này sẽ không còn nữa. Thay vào đó, Gcalls sẽ công nghệ hóa trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại (Call center).
Box phải: Call center là một hệ thống có chức năng nhận và chuyển tiếp một lượng lớn các cuộc gọi. Call center được tổ chức trong một công ty nhằm tiếp nhận và giải đáp các cuộc gọi đến của khách hàng, cung cấp thông tin cho khách hàng và cũng được sử dụng cho mục đích Telemarketing, chăm sóc khách hàng.
Gcalls có được cái mà Shark Linh đang cần cho startup của mình
Có thể nói, giải quyết được những bất cập hiện nay của việc kết nối và quản trị chăm sóc khách hàng, Gcalls đã hoàn toàn chinh phục được Shark Linh. Tuy nhiên, để cá mập này chi đến 23 tỷ đồng, Gcalls phải đáp ứng được nhiều hơn thế.
Cụ thể, khi được hỏi rằng là Shark duy nhất hiểu được mô hình hoạt động cũng như tiềm năng của Gcalls, điểm khác biệt tại startup này mà những đơn vị khác chưa có, Shark Linh thẳng thắn chia sẻ:
“Khi nói về Gcalls cũng như lý do mà Linh có thể hiểu được sản phẩm này là vì Linh đang có công ty khởi nghiệp riêng, và công ty đó đang dùng một hệ thống call center khác”.
Và trong hệ thống call center mà công ty mình đang dùng, Shark Linh hiểu được nó đang có gì cũng như đang thiếu gì, “Và Gcalls thì đã đáp ứng được cái hạn chế hiện tại của hệ thống call center này”, Shark Linh bộc bạch.
Được biết, trước đây Shark Linh cũng đã từng nghiên cứu để tìm ra một hệ thống chăm sóc khách hàng, bởi vì với mô hình công ty vừa và nhỏ nên không thể chi đầu tư cho một nhân viên chuyên chăm sóc khách hàng để chỉ ngồi ở đó nghe và trả lời điện thoại. Do đó, Shark Linh cho biết rất cần có một hệ thống để linh hoạt công việc này.
Cụ thể, việc nhận điện thoại từ khách hàng sẽ được kết nối với một người có thể là marketer… để họ có thể vừa đan xen làm công việc của mình vừa có thể thực hiện nghe và trả lời khách hàng, mà không phải ngồi một chỗ. “Đây là một điểm rất là đặc biệt cho công ty vừa và nhỏ có thể bán hàng cũng như chăm sóc khách hàng tốt nhất”, Shark Linh khẳng định.
Trên thực tế, mặc dù công nghệ viễn thông phát triển rất nhanh, song theo CEO Bằng thì độ chuyển mình đó chưa đủ để đáp ứng được tốc độ xây dựng một trung tâm chăm sóc khách hàng chỉ trong vòng 5 phút, như Gcalls. Đây cũng chính là nguyên nhân mà Bằng thuyết phục được Telstra để họ đầu tư vào Gcalls trong thời gian đầu, Bằng nhấn mạnh.
Như vậy, đến đây độc giả có thể hiểu được Gcalls là gì, công dụng gì và tại sao Shark Linh vẫn muốn đầu tư với số tiền bỏ ra khá lớn. Song, với một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới mẻ, cũng như những hạn chế của hai CEO về lĩnh vực quản trị tài chính, liệu bức tranh hoạt động thời gian đến tại Gcalls sẽ như thế nào?
Và trong những bước chân đầu tiên gia nhập, Shark Linh đã chuẩn bị cho mình những định hướng như thế nào, khi mà nhắm sơ qua, Shark từng nhận về mình rất nhiều trọng trách nặng nề thời gian đến với câu nói lặp lại ba lần “là chị”?
Bức tranh tài chính của Gcalls đã, đang và sẽ như thế nào?
Trở lại với Gcalls, thực tế công ty đã hoạt động được 2 năm với số lượng nhân viên cũng như cổ đông đầu tư không phải ít, như vậy Gcalls thực chất không còn là startup, mà là một đơn vị doanh nghiệp đang trong thời gian sơ khai.
Cùng với đó, đối tượng khách hàng hiện nay của công ty là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu tính riêng tại Việt Nam là hơn trăm ngàn đơn vị. Chưa kể thị trường Gcalls hướng đến là toàn khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á Thái Bình Dương, thì con số trên sẽ rất lớn. Liệu rằng, nhóm khách hàng nào trong phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ là Gcalls sẽ nhắm đến?
Trả lời thắc mắc trên, theo CEO Bằng, về hệ thống chăm sóc khách hàng thì hiện nay nhóm ngành sản phẩm dịch vụ tài chính đang dẫn đầu về mức độ sử dụng, đi cùng với đó là nhóm tư vấn giáo dục. Đặc biệt nhóm thứ ba tiềm năng cũng là nhóm hiện đang có tốc độ sử dụng tăng rất nhanh là nhóm thương mại điện tử. Do đó, công ty sẽ tập trung tại 3 phân khúc khách hàng trên, không chỉ tìm kiếm riêng tại thị trường trong nước mà sẽ mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, trước mắt thị trường Indonesia sẽ là đích đến của năm 2018.
Là một hệ thống phần mềm kết nối toàn cầu, nhiều độc giả kể cả các Shark còn lại vẫn chưa thực sự rõ ràng về nguồn doanh thu hiện nay của Gcalls. Làm rõ điều này, CEO Bằng cho biết doanh thu công ty hiện tại đến từ 3 nguồn:
• Thứ nhất là bán phần mềm, cho thuê dịch vụ sử dụng phần mềm hàng tháng;
• Thứ hai là chênh lệch hưởng lại từ việc phân phối cước viễn thông từ các Telcom;
• Nguồn thứ ba là tích hợp hệ thống thông tin. Tức, khi mà tích hợp (kết nối) được với một hệ thống nào đó, thì giá trị gia tăng ở đây là Gcalls sẽ có được tập khách hàng bên hệ thống đó.
Trong đó, nguồn thu chủ lực mà Gcalls hướng đến là nguồn tích hợp. “Tuy thời gian đầu sẽ hơi khó, nhưng một khi đã tích hợp đủ thì sẽ tạo được “một bộ rễ sâu” cho Gcalls. Đến lúc đó, một doanh nghiệp sau này khi muốn có được hệ thống quản trị khách hàng tại khu vực Đông Nam Á, nơi đầu tiên họ nghĩ đến sẽ là Gcalls”, CEO Bằng nói thêm.
Đồng tình với quan điểm trên,Shark Linh nói thêm không chỉ gói gọn trong khu vực Đông Nam Á, mà Gcalls có thể phân phối được tại khu vực châu Âu, châu Mỹ. Bởi hiện nay, các hệ thống tích hợp tương tự Gcalls tại những khu vực này rất là đắt đỏ và khó tiếp cận. Như vậy, với chi phí phải chăng, Gcalls sẽ là sự lựa chọn tối ưu cho tầng lớp doanh nghiệp vừa và nhỏ tại những khu vực này.
Box phải: Thị trường Gcalls nhắm đến hiện có quy mô rất lớn. Bằng chia sẻ, nếu chỉ tính riêng thị trường tích hợp thì đã trị giá khoảng 2 tỷ USD tại Việt Nam, tuy nhiên cũng chỉ mới có được 10% doanh nghiệp trong nước đã triển khai được CRM, theo đó dư địa còn lại rất lớn. Hơn nữa, đối với khu vực Đông Nam Á thì giá trị này lên đến con số 38.2 tỷ USD.
Cuối cùng, chia sẻ về những bước đi đầu tiên của mình khi đến với Gcalls, Shark Linh cho biết: “Linh nghĩ đây là một thương vụ đầu tư lâu dài, tối thiểu là 5 năm và có thể kéo dài đến 10 năm. Bởi vì khi tạo ra một công ty mà có một sản phẩm khá mới như vậy, thì thời gian đầu mình sẽ không biết hướng đi, khách hàng.. của mình như thế nào”.
Và đến bây giờ mặc dù đã hoạt động được 2 năm, nhưng bức tranh tài chính tại Gcalls thực sự vẫn chưa rõ. Shark Linh cho biết phải cần thời gian để tạo ra những Case Study để thu hút khách hàng. Mặc dù không biết thời gian chuẩn bị là bao lâu, nhưng với team hiện nay Shark Linh khẳng định Gcalls sẽ thành công.
Cũng liên quan đến hoạt động tại Gcalls, theo Shark Linh kế hoạch rút lui thông qua IPO không là lựa chọn ưu tiên bởi khả năng thành công thường rất thấp. Bởi, mình đã mất công tạo ra một công ty với kế hoạch kinh doanh, nguồn nhân lực, hệ thống khách hàng… thì việc bán lại cho một tập đoàn lớn sẽ là hướng đi có khả năng thành công cao hơn.