Đó là những nhà phố giờ vẫn còn đầy trên các đường phố mà ai cũng có thể nhìn thấy, nhận ra: một, hai, ba… tầng, mái bằng, mặt tiền đá rửa hoặc đá mài…
Nhà hàng Mc Donald’s ở vòng xoay Điện Biên Phủ có thiết kế đơn giản, gọn, đường nét thẳng. Các mảng bê tông dầm sàn, tường bao trở thành điểm nhấn, ấn tượng cho công trình. Rõ ràng đây là một ngôi nhà rất hiện đại…
Nhà hàng Mc Donald’s gần cầu Điện Biên Phủ thiết kế hiện đại. Ảnh: Cù Mai Công. |
Mỗi lần qua đây, tôi đều nghĩ về những ngôi nhà xưa hơn nửa thế kỷ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur, Trần Quốc Thảo… của Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa – Phạm Văn Thâng – Nguyễn Quang Nhạc bậc nhất Sài Gòn.
Hai kiểu nhà giống nhau đến ngỡ ngàng: tất cả đều thẳng, gọn, bê tông dầm sàn trở thành điểm nhấn ngôi nhà; không mảnh thừa, càng không có những chi tiết rườm rà. Tôi hoàn toàn không nói đó là sự sao chép, nhưng có lẽ nó bắt đầu từ một cốt nền chung, chia tay hoàn toàn với các kiểu kiến trúc khác trước nó thời thuộc Pháp: Gothic, Hy Lạp, Cổ điển, Tân cổ điển…
Quan trọng và thiết thực hơn, cho tới giờ, đó vẫn là tiêu chí, hình ảnh của những công trình thật sự hiện đại và sinh thái, do nó thoáng, nó nhẹ nhàng, thanh thoát, như những ngôi nhà trên sông nước miền Tây, như tánh tình rộng mở của dân miền Tây, của người Sài Gòn, và của người Việt bao đời nay: những cột, dầm bê tông của ngôi nhà hiện đại Sài Gòn trước 1975 có khác gì nhà Việt xưa: cột kèo, dầm lồ lộ trước mắt mọi người.
Đã bao nhiêu lần tôi đi qua những ngôi nhà đậm nét Sài Gòn – Gia Định thập niên 1950, 1960, 1970 ấy. Chúng vẫn hiện đại cho tới nay. Đó là những nhà phố giờ vẫn còn đầy trên các đường phố mà ai cũng có thể nhìn thấy, nhận ra: một, hai, ba… tầng, mái bằng, mặt tiền đá rửa hoặc đá mài, ban công rộng trước mỗi tầng và phía trên, trước nhà là lam đứng, lam ngang, bông gió đúc bê tông…
Một góc đường Ngô Tùng Châu tại Sài Gòn vào năm 1972 (nay là đường Lê Thị Riêng, Quận 1) ©2018 Mel Schenck. Ảnh: Tư liệu trong sách. |
Dù kiểu dáng ra sao, phong cách thiết kế nào, yêu cầu cực kỳ quan trọng trong thiết kế nhà cửa ở miền Nam trước 1975 của các kiến trúc sư Pháp trước đó và của ông bà ta nghìn đời nay: giải quyết những cơn nắng chói chang lẫn mưa xối xả vùng nhiệt đới. Tôi hay tâm sự với một số học trò mình là kiến trúc sư trẻ: “Những ngôi nhà ấy gió vô được mà nắng mưa vào hạn chế. Cửa sổ, cửa ra vô lá sách cũng chỉ để làm công việc ấy. Nếu không sẽ là những tấm gỗ bít bùng như vô số cửa nhà trọ, phòng trọ lẫn nhà dân hiện nay”.
Hệ thống lam gió (brise soleil), khung sườn cơ bản của những ngôi nhà ấy đã ít nhiều làm được điều đó. Những thanh lam sổ dọc, chạy ngang mặt tiền mỏng nhẹ, thanh thoát như thế nào còn tùy theo hướng nhà, hướng nắng gió.
Nó không dùng biện pháp cản nhiệt như những bức tường dày chịu lực, khối nhà nặng nề kiểu Pháp trước đó. Nó sống chung với nắng gió Sài Gòn, Nam Bộ. Như mái hiên dài rộng đón gió, cản nắng chiếu thẳng tường nhà của nhà Việt xưa. Như tấm giại tre dựng trước mỗi nhà Việt. Tấm giại ấy có thể di động, thay đổi chức năng như yêu cầu của mọi thiết kế: tính co dãn trong kiến trúc mỗi căn nhà, mỗi phòng ở.
Ban công, hàng hiên nhà phố là một dạng hàng ba tạo khoảng đệm nhiệt độ, mưa gió phổ biến trước những ngôi nhà Sài Gòn – Gia Định xưa, nhất là trong các hẻm nhỏ. Ai người Sài Gòn xưa không nhớ cái hàng ba đầy kỷ niệm ấy, nhất là con nít: một khoảng không gian – ranh giới cuối cùng trong nhà và ngoài đường. Đó là nơi chúng có thể chơi đùa, tụ họp bạn bè, ngồi trên đó trò chuyện rôm rả. Đó cũng là nơi đón, tiễn khách của người lớn…