USD tăng giá so với các đồng tiền trú ẩn an toàn khác như yen Nhật và franc Thụy Sỹ sau những thông tin rằng virus biến thể Omicron không gây biến chứng nặng trấn an các nhà đầu tư, trong khi các đồng tiền rủi ro như đô la Australia hồi phục nhưng vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm từ những tuần gần đây khi nhà đầu tư tìm cách bảo toàn nguồn vốn.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt kết thúc ngày 6/12 theo giờ Việt Nam tăng lên mức 96,228, không xa mức cao nhất trong vòng 16 tháng, là 96,938, chạm tới vào cuối tháng trước.
Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán đều tăng trở lại trong phiên thứ Hai (6/12), đảo ngược xu hướng giảm sâu của ngày thứ Sáu (3/12) do hoạt động bán tháo, nhờ thông tin rằng các dấu hiệu ban đầu cho thấy các bệnh nhân Omicron chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Virus biến thể đã lây lan ra khoảng 1/3 các bang của Mỹ tính đến ngày Chủ nhật (5/12). Tiến sỹ hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, Anthony Fauci, cho biết: “Đến nay, có vẻ như virus biến chủng Omicron không gây hại nghiêm trọng”.
Marc Chandler, chiến lược gia thị trường của Bannockburn Global Forex, cho biết: “Việc không có những thông tin về diễn biến tiêu cực liên quan đến virus Omicron đang giúp thị trường ổn định trở lại sau những động thái hoảng loạn vào cuối tuần qua”.
USD kết thúc ngày 6/12 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,3% so với yen Nhật và tăng 0,6% so với franc Thụy Sỹ – hai loại tiền thường thu hút những nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn mỗi khi khi căng thẳng kinh tế hoặc địa chính trị gia tăng. Phiên liền trước (thứ Sáu, 3/12), USD đã giảm 0,3% so với yen Nhật.
Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về đồng USD gia tăng trong những tuần gần đây.
Chiến lược gia Francesco Pesole của ING Bank cho biết: “Đồng đô la đang hưởng lợi từ thông tin về việc Fed bám sát kế hoạch đẩy nhanh tốc độ cắt giảm kích thích kinh tế. Đó là những thông tin chúng tôi đã nhận được từ Chủ tịch Fed Jerome Powell vào tuần trước”.
Theo ông Pesole, đồng USD có thể sẽ có thêm động lực tăng giá so với yen do dự đoán ngân hàng trung ương của hai nước có sự khác biệt rất xa về chính sách lãi suất.
Các vị thế mua bằng đô la tăng tuần thứ hai liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2019, dữ liệu từ CFTC của Mỹ hôm 3/12 cho thấy. Trong khi đó, tâm lý bi quan của các nhà đầu tư về triển vọng đồng euro lên mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2020.
Đồng euro giảm nhẹ so với đồng đô la xuống khoảng 1,130 USD.
Tỷ lệ đặt cược euro giảm giá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2019.
Trong khi đó, đồng đô la Australia tăng 0,66% lúc kết thúc ngày 6/12 theo giờ Việt Nam, hồi phục nhẹ khỏi mức thấp nhất trong vòng 13 tháng chạm tới vào tuần trước.
Đồng đô la Canada cũng hồi phục so với USD nhờ giá dầu tăng và thị trường chuyển hướng chú ý tới quyết định của Ngân hàng Trung ương Canada trong tuần này về vấn đề lãi suất. Trong phiên liền trước, CAD cũng giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng.
Trên thị trường châu Á, đồng rupiah của Indonesia giảm phiên thứ 4 liên tiếp, chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng, trong khi tiền tệ của các thị trường mới nổi ở Châu Á biến động trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư đang xem xét khả năng virus Omicron có thể làm kinh tế suy yếu hay không, và ngày càng có nhiều bình luận mang tính chất “diều hâu” từ Fed.
Kết thúc phiên 6/12, won của Hàn Quốc giảm 0,5%, mức giảm mạnh nhất trong vòng gần 3 tuần qua. Rupee Ấn Độ phiên này cũng giảm 0,2% xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10 với dự đoán Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ sẽ giữ lãi suất trong cuộc họp vào thứ Tư (8/12), nhưng có khả năng sẽ tăng vào đầu năm sau.
Tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ tăng giá trong bối cảnh các nhà xuất khẩu bán tháo đô la vào cuối năm, và các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế nước này sẽ mạnh lên nhờ khả năng ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng tiền tệ.
Nhân dân tệ kết thúc ngày 6/12 ở mức 6,3688 CNY, tăng 72 pip so với phiên trước đó.
Truyền thông Trung Quốc hôm thứ Sáu (3/12) dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng “một cách kịp thời”. Các nhà đầu tư nhận định rằng các cơ quan quản lý đang nới lỏng một chút kênh tài trợ cho các doanh nghiệp như một dấu hiệu cho thấy khả năng China Evergrande Group vỡ nợ sẽ được hạn chế.
Trên thị trường tiền điện tử, đồng bitcoin quay đầu giảm trong ngày 6/12, mất khoảng 5% trong phiên đầu tuần do các nhà giao dịch vẫn đang chuyển dần tiền khỏi tài sản rủi ro trong thời điểm còn chưa chắc chắn về “sức mạnh” của virus Omicron.
Bitcoin kết thúc ngày 6/12 theo giờ Việt Nam ở mức giá 48.979 USD, tương đương giá đầu tháng 10; trong khi đó ether ở mức 4.164 USD.
Mặc dù giảm trong phiên này, song các đồng tiền điện tử đã hồi phục đáng kể so với mức thấp của ngày 4/12.
Tiền điện tử đang giảm giá nhanh chóng.
Giá vàng cũng giảm do tâm lý đối với tài sản rủi ro của nhà đầu tư đã được cải thiện sau khi giảm mạnh vào cuối tuần qua, và đồng USD mạnh lên.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 6/12 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% xuống 1.776,30 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,3% xuống 1.779,10 USD.
Tuần này, các thị trường tài chính chờ đợi thông tin về dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ và dữ liệu lạm phát và thương mại của Trung Quốc để biết rõ hơn đường hướng chính sách của những cường quốc này.
Tham khảo: Refinitiv