Ngày 16/4, tỷ giá USD tiếp tục tăng mạnh và lên mức kịch trần cho phép.
Ngày 16/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.141 VND/USD, tăng 45 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 22.934 – 25.348 VND/USD.
Giá USD tại các ngân hàng hôm nay tiếp tục tăng mạnh và lên mức kịch trần cho phép. Cụ thể tại Vietcombank, giá USD tăng 48 đồng lên 24.978 – 25.348 đồng. VietinBank tăng mạnh 70 đồng ở giá mua và tăng giá bán lên kịch trần 25.348 đồng/USD. BIDV cũng tăng 47 đồng ở cả hai chiều giao dịch lên mua – bán ở mức 25.036 – 25.346 đồng/USD.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, tỷ giá liên ngân hàng quý 1/2024 tăng mạnh chủ yếu đến từ đà tăng của chỉ số DXY, nhu cầu nhập khẩu tăng và các hoạt động găm giữ USD cũng như carry trade. NHNN mặc dù nhận thấy những áp lực ngay từ đầu năm, đã chủ động phát hành tín phiếu từ đầu tháng 3 nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn. “Chúng tôi cho rằng lí do khiến cho đợt phát hành tín phiếu này trở nên kém hiệu quả do động thái này chỉ tác động tới hoạt động carry trade của các ngân hàng, trong khi nhu cầu thanh toán USD để nhập khẩu và các hoạt động xuất khẩu nhưng trì hoãn, găm giữ USD vẫn tiếp diễn”, nhóm phân tích nhận định.
Theo đánh giá của KBSV, giai đoạn đầu năm 2023 vẫn là một giai đoạn khó khăn cho NHNN trong công cuộc điều hành tỷ giá, nhất là khi ngoài những áp lực hiện hữu từ 2023 thì còn chịu thêm sức ép từ diễn biến của giá vàng. Dù vậy, nếu xét với đồng tiền các quốc gia khác trong khu vực, VND vẫn đang duy trì độ mất giá tương đương với CNY, KRW và THB.
Trong kịch bản cơ sở, KBSV cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ còn tiếp tục chịu áp lực lớn trong phần còn lại của năm 2024, được dự báo tăng 3% đạt mức 25.000 VND/USD do mặc dù cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn nhưng áp lực từ DXY và chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND tiếp tục duy trì với sự điều chỉnh về FED Pivot xuống tháng 9.
KBSV kỳ vọng, xuất nhập khẩu sẽ phục hồi, dự báo cán cân tổng thể trong năm 2024 với mức thặng dư 10 – 12 tỷ USD, do các hoạt động xuất nhập khẩu tính đến quý 1/2024 tích cực hơn và được dự báo sẽ còn tăng trưởng, trong khi áp lực từ hoạt động carry trade giảm do mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ không còn thấp như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI, kiều hối tiếp tục ổn định và tăng trưởng sẽ là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024.
KBSV dự báo chênh lệch lãi suất USD/VND sẽ giảm và giúp giảm bớt áp lực tỷ giá, không chỉ giảm tình trạng găm giữ đầu cơ của các doanh nghiệp mà còn giảm bớt áp lực carry trade của hệ thống ngân hàng. Dự báo lãi suất liên ngân hàng quađêm sẽ duy trì trong khoản 2%-3% trong giai đoạn còn lại của năm. Với các áp lực ngoại biên từ đà tăng của DXY, Bond yield Mỹ và giá vàng, nhómchuyên gia cho rằng NHNN sẽ vẫn tập trung vào việc phát hành tín phiếu. Tuy nhiên, nếu các áp lực này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong kịch bản Brent vượt 93, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm vượt 4,7%, NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024” sáng 16/4, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết tỷ giá biến động thời gian gần đây cơ bản là do đồng USD tăng giá. Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,5%. Đô la Mỹ tăng với 2 lý do: Thứ nhất, FED có vẻ lưỡng lự hạ lãi suất, Thứ hai là kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua. Ông cho biết, cơ bản quan hệ cung cầu ngoại tệ tại Việt Nam vẫn ổn. Khi FED bắt đầu hạ lãi suất, có thể từ quý 3 thì ngay lập tức tỷ giá sẽ bớt đi áp lực. Dự báo, tỷ giá có thể tăng 2,5-3% trong năm nay.
Trả lời câu hỏi về việc liệu có khả năng NHNN bán ngoại tệ, ông Lực cho rằng NHNN sẽ phải tính toán cẩn thận vì còn liên quan đến chuyện nhập khẩu vàng, NHNN sẽ phải tính toán nhập khẩu bao nhiêu để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Đương nhiên, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì NHNN cũng sẽ sẵn sàng can thiệp, bằng nhiều nguồn lực khác nhau. “Tôi tin NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này, ví dụ như phát hành tín phiếu cũng là một cách tăng lãi suất trên liên ngân hàng để giảm chênh lệch lãi suất USD – VND, cũng giảm áp lực tỷ giá trong thời gian vừa qua”, ông Lực nói.