Tính chung từ đầu năm, giá USD trên thị trường tự do đã tăng hơn 5%, trong khi giá USD tại các ngân hàng tăng 4,3 – 4,9%.
Ảnh minh họa
Khảo sát trên thị trường tự do chiều hôm nay (27/6) cho thấy, giá USD tại các điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội đã đồng loạt vượt mốc 26.000 VND/USD ở chiều bán ra – mức cao nhất lịch sử từng được ghi nhận. Giá thu mua USD trên thị trường tự do cũng đã tăng lên vùng 25.900 – 25.950 VND/USD.
Trên thị trường chính thức, tỷ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.264 VND/USD, tăng 6 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 5%, hiện giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch nằm trong khoảng 23.051 – 25.477 VND/USD.
Giá bán USD can thiệp tiếp tục được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 25.450 VND/USD.
Neo theo đà tăng của tỷ giá trung tâm, các ngân hàng hôm nay đồng loạt niêm yết giá bán USD kịch trần cho phép tại 25.477 VND/USD. Trong khi đó, giá mua USD tại các ngân hàng hiện dao động trong khoảng 25.210 – 25.280 VND/USD, thấp hơn giá bán 200 – 270 đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 4,3% ở chiều bán và 4,9% ở chiều mua vào. Đây là mức mất giá 6 tháng đầu năm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây của tiền Đồng.
Khác với các năm trước, tỷ giá đã bất ngờ “dậy sóng” ngay từ đầu năm 2024. Trước diễn biến tăng nóng của tỷ giá, từ ngày 19/4, NHNN đã thông báo bán ngoại tệ can thiệp nhằm bình ổn thị trường. Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã thực hiện tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Dù NHNN đã áp dụng nhiều biện pháp can thiệp, song tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép và cao hơn giá bán can thiệp trong nhiều tuần trở lại đây. Điều này gây ra áp lực lớn đối với dự trữ ngoại hối vốn chỉ ngấp nghé ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu) theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.
Theo Khối Thị Trường Tài Chính của Ngân hàng ACB, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường gia tăng mạnh vào thời điểm cuối tháng 6 cùng với hiệu ứng tâm lý từ đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới khiến tỷ giá duy trì đà tăng rõ nét hơn sau khi tương đối ổn định vào 2 tuần trước đó. Các chuyên gia của ACB nhận định, áp lực từ phía cầu ngoại tệ dự kiến còn duy trì ở mức cao cho đến thời điểm đầu tháng 7 sắp tới, sẽ tiếp tục chi phối xu hướng của tỷ giá
Dự báo về diễn biến tỷ giá, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng có một số yếu tố có thể tạo ra tác động tiềm tàng về một đợt tăng của đồng USD trong các tháng tới.
Thứ nhất, sự phục hồi của đồng USD trong tháng qua diễn ra khi một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách trong khi lãi suất của Fed vẫn giữ nguyên. Hiện tại, thị trường vẫn đang dò tìm kỳ vọng về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương. Việc Fed chần chừ trong việc cắt giảm lãi suất trong khi các NHTW khác như ECB, BOE, SNB tiến hành cắt giảm lãi suất sớm và nhiều hơn có thể khiến cho chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác gia tăng. Điều này ít nhất sẽ giữ cho nhu cầu đối với đồng USD vẫn mạnh.
Thứ hai, bất ổn địa chính trị kéo dài sẽ được bổ sung bằng cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra vào cuối năm nay. Trong đó, kịch bản nổi lên là nguy cơ thuế quan với hàng Trung Quốc và áp lực mất giá đối với đồng NDT. Theo ước tính của Goldman Sachs, nếu Mỹ áp đặt mức thuế 60% đối với tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc thì dựa trên phản ứng của thị trường đối với mức thuế 2018-2020, cặp tỷ giá USD/CNY có thể tăng vượt quá 8,0 (tức mất giá 10% so với mức hiện tại). Trong khi đó, một ước tính thấp hơn được đưa ra bởi BNP Paribas thì kịch bản thuế 60% có thể khiến đồng NDT mất giá từ 4-6%. Dù mức ước tính có thể khác nhau, rủi ro mất giá đối với cặp tỷ giá USD/CNY và theo đó lan sang USD/VND sẽ tăng lên nếu Trump thắng cử.
Thứ ba, mặc dù chính quyền Nhật bản thực hiện can thiệp khi tỷ giá USD/JPY chạm ngưỡng 160 vào khoảng cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tuy nhiên, sau một đợt phục hồi ngắn, đồng JPY tiếp tục trở lại mức cực đoan. Diễn biến này kết hợp với các yếu tố kể trên cho thấy chưa thực sự có một đối trọng đủ mạnh đối với đồng USD.
Trái ngược với các yếu tố kể trên, kịch bản Fed cắt giảm lãi suất hai lần như kỳ vọng và số liệu kinh tế Mỹ kém khả quan dần về cuối năm có thể phần nào tác động đến xu hướng đồng USD. Tuy nhiên, khi xem xét trên bình diện tổng thể, sức mạnh của đồng USD đang dựa vào hai yếu tố gồm: 1) Fed duy trì một mặt bằng lãi suất cao và 2) nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang. Điều này có thể giúp sức mạnh của đồng USD duy trì, ít nhất là trong nửa cuối năm 2024.
“Do đó, chúng tôi cho rằng rủi ro mất giá đối với tiền đồng vẫn còn hiện hữu với nguy cơ đồng USD tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024 có thể kích hoạt một đợt mất giá tiếp theo”, VDSC nhận định.