Vừa hồi phục được một ngày, đồng USD đã nhanh chóng quay đầu giảm trở lại trên diện rộng, tiếp tục lùi xa khỏi mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ đạt được vào tuần trước, rơi xuống mức thấp nhất 2 tuần khi hầu hết các đồng tiền lớn đã từng giảm giá mạnh so với USD trong năm nay thu hút một số người mua trở lại.
Với sự biến động gia tăng trên thị trường tài chính toàn cầu, đồng USD giảm mạnh so với đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sĩ – hai loại tiền có xu hướng thu hút các nhà đầu tư trong thời điểm thị trường căng thẳng hoặc rủi ro.
Không dừng lại ở đó, đồng USD phiên vừa qua cũng giảm so với các loại tiền tệ rủi ro cao, bao gồm đô la Australia và đô la New Zealand.
Shaun Osborne, chiến lược gia tiền tệ của Ngân hàng Scotia, cho biết: “Các nhà đầu tư có lẽ đã có đủ USD và đang tìm cách đa dạng hóa tài sản bằng cách bổ sung các loại tiền tệ rủi ro – đặc biệt là khi sự hỗ trợ cho đồng USD từ việc lãi suất của Mỹ tăng dường như đã cạn kiệt”.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – lúc kết thúc ngày 19/5 theo giờ Việt Nam đã giảm 1,0% so với phiên liền trước, xuống 102,78, mức thấp nhất kể từ ngày 5 tháng 5.
Chỉ số này đã đạt mức cao nhất gần hai thập kỷ vào tuần trước, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện rõ quan điểm ‘diều hâu’ trong chính sách tiền tệ và những lo lắng ngày càng tăng về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. DXY đã tăng 7,5% từ đầu năm đến nay.
USD trong phiên vừa qua cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần so với đồng yên, và thấp nhất trong 2 tuần so với đồng franc Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo không nên quá chú ý vào sự thoái lui của đồng đô la.
Simon Harvey, người đứng đầu bộ phận Phân tích tiền tệ của Monex Europe, cho biết: “Đúng vậy, đồng đô la hôm nay đang giảm bất chấp các điều kiện rủi ro trong không gian tài sản chéo, nhưng điều này có phải chứng tỏ vị thế nơi trú ẩn của đồng đô la đang bắt đầu suy yếu hay không? Có lẽ là không”.
Ông Harvey cho biết: Sự biến động đáng kể trong ngày, ngay cả khi hầu hết các đồng tiền G10 vẫn ở trong phạm vi gần đây, là một xu hướng đáng chú ý trên thị trường ngoại hối, không chỉ ngày hôm nay mà trong thời gian gần đây”.
Đồng franc Thụy Sĩ tăng giá so với đồng USD đồng euro sau khi chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) Thomas Jordan hôm thứ Tư (18/5) phát tín hiệu rằng SNB đã sẵn sàng hành động nếu áp lực lạm phát còn tiếp tục.
Đồng EUR tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần so với đồng USD khi các nhà đầu tư nhận định về cơ hội cho một lộ trình thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ trong ngắn hạn của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Bảng Anh tăng 1,2% so với đồng USD trong phiên vừa qua, nhưng vẫn gần với mức thấp nhất trong 2 năm – đã chạm tới vào tuần trước – do lạm phát tăng cao kết hợp với triển vọng tăng trưởng không khả quan.
Đáng chú ý, rúp Nga tăng mạnh lên mức khoảng 62 RUB/USD do các biện pháp kiểm soát vốn cũng như yêu cầu các khoản thanh toán thuế phải chuyển ngoại tệ sang đồng rúp.
Đồng rúp đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất trong năm nay bất chấp một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, được hỗ trợ bởi các biện pháp kiểm soát mà Nga áp đặt vào cuối tháng Hai để bảo vệ khu vực tài chính của mình.
Trong phiên vừa qua, trên Sàn giao dịch Moscow, rúp có lúc chạm 61,72 RUB/USD, mức mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, kết thúc phiên vẫn tăng hơn 2% so với phiên liền trước, lên 62,08 RUB.
So với đồng euro, đồng rúp kết thúc phiên vừa qua tăng mạnh hơn nữa, hơn 3%, lên 64,46 RUB/EUR, sau khi có lúc đạt 61,1075 RUB/USD vào lúc mở cửa (có thể do lỗi giao dịch, và trở thành mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2017).
Anton Strouchenevsky, nhà kinh tế trưởng thuộc SberCIB Investment Research, cho biết: “Do giá hàng hóa vẫn ở mức cao, đồng rúp có thể tiếp tục tăng lên 60 (so với USD) và có thể xa hơn nữa vào cuối quý II”.
“Nhưng do nhập khẩu có khả năng ổn định trong quý thứ ba và ngân hàng trung ương có thể giảm bớt kiểm soát vốn, đồng rúp có khả năng ổn định trên mốc 70 RUB/USD trong quý IV”, ông Strouchenevsky nói.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc giảm giá trong phiên vừa qua sau khi một số ngân hàng đầu tư lớn trên toàn cầu cắt giảm kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế của nước này.
Những lo ngại về khả năng lặp lại các vụ phong tỏa giống như Thượng Hải ở các thành phố lớn khác của Trung Quốc cũng gây áp lực lên đồng tiền này, vì chính quyền trung ương dường như không có ý định từ bỏ chính sách “Zero COVID” cứng rắn của mình.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa cuối phiên giảm 67 pip xuống 6,7597 CNY/USD, thấp hơn 0,1% so với đóng cửa cuối phiên trước đó.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc năm 2022 xuống 4% từ mức 4,5% một ngày trước đó, với lý do COVID gây thiệt hại cho nền kinh tế trong quý thứ hai.
Thị trường tiền điện tử hồi phục mạnh mẽ trong phiên vừa qua cùng với xu hướng tăng giá của các tài sản rủi ro. Trong đó, bitcoin tăng hơn 4% so với phiên liền trước, kết thúc ngày 19/5 theo giờ Việt Nam vượt ngưỡng 30.000 USD.
Giá Bitcoin ngày 19/5.
Giá vàng cũng tăng trong phiên này do USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm làm tăng sức hấp dẫn của nơi trú ẩn an toàn là vàng thỏi, sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ không khả quan làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế của nước này.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 19/5 theo giờ Việt Nam tăng 1,4% lên 1.841,59 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 6/2022 tăng 1,4% lên 1.842,10 USD.
Đầu tuần này (thứ Hai, 16/5), giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng, sau đó đã tăng khoảng 3% kể từ khi đồng đô la giảm khỏi mức cao nhất trong 20 năm.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Đồng đô la giảm và lợi suất thấp hơn đáng kể là tin tốt cho vàng”.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk