TTO – Khi đang là sinh viên năm 2 ĐH Ngoại thương (Hà Nội), Lê Đại Dương có tìm hiểu và tham gia một lớp học vẽ do Nguyễn Lý Bằng (27 tuổi, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật VN) trực tiếp giảng dạy.
Lớp dạy vẽ cho thiếu nhi của Mỹ Thuật Bụi – Ảnh: NVCC |
Dương nhận ra mỹ thuật không phải là điều gì đó hàn lâm, cao siêu và khó tiếp cận, vẽ có thể đơn giản và gần gũi hơn rất nhiều.
Nhóm bạn sáng lập Mỹ Thuật Bụi tin rằng ai cũng nên và có thể theo học hội họa dù có năng khiếu hay không, nhiều hay ít. Mỹ Thuật Bụi (gọi tắt là Bụi) – “đứa con” của nhóm bạn trẻ 9X tại Hà Nội – là mô hình đào tạo mỹ thuật truyền thống, căn bản dành cho mọi đối tượng đầu tiên nhằm lan tỏa mỹ thuật ra đời sống.
Từng ngày “vẽ” giấc mơ
Cách đây ba năm, nhận thấy nhu cầu khá lớn của các bạn sinh viên muốn học thêm về mỹ thuật nhưng chưa có một cơ sở đào tạo phù hợp, Dương và Bằng quyết định mở lớp vẽ đầu tiên từ số vốn 1.500.000 đồng. Hai chàng trai phải thuê lại phòng từ một người bạn (họ dùng ban ngày, hai bạn dùng ban đêm).
Tháng 8-2014, Trần Thủy Phương (sinh năm 1993, ĐH Ngoại thương) tham gia Bụi với vai trò là học viên. Phương cho biết: “Mình cảm nhận được không khí thân mật ở Bụi, tình cảm và sự đam mê mà mỗi học viên chia sẻ với nhau. Mình chợt nghĩ rằng tại sao không để mọi người biết đến ngôi nhà Bụi này nhiều hơn”.
Phương đề xuất với nhóm mang Bụi tham gia cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2015 – cuộc thi ý tưởng kinh doanh dành cho sinh viên do CLB Nhà doanh nghiệp tương lai (ĐH Ngoại thương) tổ chức, dưới sự tài trợ của Quỹ học bổng Kawai và sự bảo trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam.
Cuối tháng 4-2015, Bụi vượt qua hàng trăm dự án để giành 300.000 yen giải nhì chung cuộc. Trước đó, cũng với dự án này, nhóm bạn đã đoạt giải nhất cuộc thi Thử thách sáng tạo Innovation Challenge FBA 2015 – cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp doanh nghiệp xã hội dành cho sinh viên Hà Nội.
Là người có chuyên môn về hội họa, Bằng chưa từng biết đến các khái niệm về kinh doanh, quản lý, tài chính. Phương là sinh viên kinh tế nhưng lại học ngành xuất nhập khẩu. Nguyễn Lý Bằng bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất là tụi mình phải chứng minh được lợi nhuận và tính khả thi của dự án vì Bụi mang tính cộng đồng lớn. Cần phải thực sự hài hòa giữa yếu tố cộng đồng và yếu tố kinh tế”.
300.000 yen và nhiều hơn thế
Thủy Phương cho biết sau cuộc thi, thử thách mới đặt ra cho nhóm là quá trình đưa mô hình kinh doanh trên giấy ra thực tế. Những góp ý, nhận xét mà nhóm bạn có được sau cuộc thi bắt đầu phát huy giá trị: sử dụng khoản vốn có được sau cuộc thi vào hạng mục nào, cách vận hành lớp học ra sao để vừa chuyên nghiệp, độc đáo, vừa ấm cúng…
Đại Dương nhớ lại do là lớp dạy giá rẻ (chỉ bằng một nửa so với các trung tâm dạy vẽ) và nhóm thiếu kinh nghiệm về quản lý tài chính nên có thời điểm Bụi không kiểm soát được dòng tiền. Có những tháng sau khi thanh toán toàn bộ chi phí chỉ còn đúng 300.000 đồng, nhóm chia nhau chưa tới 100.000 đồng mỗi người. “Nhìn các cộng sự vất vả dạy cả tháng không lương, mình chỉ muốn dừng lại để các bạn đi tìm những công việc khác phù hợp hơn”.
“Chưa có ai làm giống Bụi, không có mô hình nào để tham khảo, chúng mình phải vừa làm vừa cải thiện, thay đổi. Những khác biệt về văn hóa làm việc, kiến thức nền, chuyên môn, góc nhìn… khiến cả nhóm căng thẳng. Tuy nhiên, chúng mình tin tưởng nhau và cùng hướng về mục tiêu chung nên các vấn đề đều được giải quyết nhanh chóng” – Phương cho hay.
Thoan Hoàng (nhà thiết kế tại TP.HCM) chia sẻ: “Mình học chuyên ngành về điện lực và từng nghĩ không biết vẽ là gì. Bụi đã truyền cảm hứng về tình yêu hội họa và cho mình nhiều mối quan hệ thân thiết. Điểm khác biệt của Bụi là một cộng đồng học viên gắn kết”.
Bụi “lớn lên” từ nhóm sáng lập và sự giúp đỡ từ các học viên: tự tay xây dựng văn phòng, tự tham gia tổ chức lớp học, hỗ trợ về vật chất – tinh thần, ủng hộ các sự kiện triển lãm. Sau khi hoạt động ổn định, Bụi chuyển về văn phòng mới ở phố Thái Hà, quận Đống Đa (Hà Nội) với hai phòng học, một phòng sinh hoạt chung cho CLB Mỹ Thuật Bụi. Học viên của Bụi là trẻ em, người đi làm, thậm chí là người cao tuổi.
Qua ba năm hoạt động, Bụi đã có 120 khóa học với gần 2.000 học viên không chuyên, hơn 50 chuyến ngoại khóa và hai triển lãm tranh quy mô cho người không chuyên, chung tay lập nên hai CLB mỹ thuật tại ĐH Y và ĐH Ngoại thương (Hà Nội). Đặc biệt, Bụi đã thành lập được cộng đồng CLB Mỹ Thuật Bụi với hơn 4.000 thành viên trên Facebook.
Trong một lần được nghe câu chuyện về Bụi, Nguyễn Lê Tuấn (29 tuổi, tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Hà Nội) quyết định cùng với nhóm bạn “mang” Bụi vào TP.HCM. Đầu tháng 4 vừa rồi, Bụi khai trương cơ sở đầu tiên tại Q.5 (TP.HCM). Nhiều học viên từ huyện Hóc Môn, Củ Chi… cũng tìm đến Bụi.
Chia sẻ về dự án “Mỹ Thuật Bụi”, ông Lê Mạc Linh – giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2015, phó tổng giám đốc phụ trách đối ngoại và truyền thông Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico VN – đánh giá rất cao vì ý tưởng mà các bạn đang làm là một xu hướng mới và các bạn đã nắm bắt được điều đó. Ông Đàm Quang Thắng – phó chủ tịch CLB CEO Hà Nội – nhận xét nhóm bạn nên lưu ý về chuyên môn của giảng viên để người học là sinh viên sau khi ra trường vẫn có thể gắn bó với Bụi, tạo không gian giao lưu cởi mở. Tại triển lãm “Tìm về 2016” diễn ra ở Hà Nội do Bụi tổ chức, họa sĩ Chu Anh Phương – trưởng khoa sư phạm mỹ thuật ĐH Mỹ thuật VN – cho rằng Bụi đang làm rất tốt, nhiều học viên được rèn luyện nên vẽ rất khá, các tác phẩm màu nước cũng khá ấn tượng. |