Giác ngộ để hồi sinh

Khi phát hiện trong cơ thể có một khối u ác tính đã di căn, nhiều người cảm thấy như kẻ nhận án tử hình đang chờ ngày ra pháp trường. Họ luôn phải sống trong tâm trạng hoang mang.

Chien thang ung thu anh 1

Nhiều bệnh nhân ung thư sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang. Ảnh: NHC Việt Nam.

Đã đến ngày 15 tháng Chín.

Ngày hẹn tái khám lần hai với bác sĩ Kakegawa. Lần trước tôi chỉ đi một mình, nhưng lần này tôi sẽ cùng vợ và chị gái đến bệnh viện Đại học trong nội thành. Vì tôi hy vọng vợ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh của mình, còn chị gái tôi thì sở hữu trực giác sắc bén đến khó tin, nên tôi có thể dựa vào chị trong những lúc bất trắc. Hơn hai tiếng dài đằng đẵng sau giờ hẹn, cuối cùng tên tôi cũng được gọi vào phòng khám.

“Hôm nay tôi muốn bàn với anh chị về việc điều trị sắp tới”. Bác sĩ Kakegawa vẫn có vẻ cau mày khó tính như mọi khi.

“Trước hết, vì hôm nay tôi có dẫn chị gái và vợ đến nên phiền bác sĩ có thể giải thích lại lần nữa về bệnh tình của tôi cho họ hiểu được không?” Tôi mở lời.

“Ồ vâng, dĩ nhiên rồi.” Bác sĩ gật đầu, sau đó bắt đầu giải thích tường tận cho vợ và chị tôi nghe nội dung đã trình bày với tôi lần trước.

“Không làm phẫu thuật được sao bác sĩ? Chỉ mổ những nơi có khối u thôi…” Chị tôi đặt câu hỏi với bác sĩ Kakegawa.

“Thiết nghĩ tốt nhất vẫn không nên phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ khiến thể lực yếu đi. Hiện giờ, điều quan trọng là cần duy trì thể lực tối thiểu để chuẩn bị cho các đợt điều trị về sau. Trong trường hợp của anh Tone, khối u đã di căn vào xương và hệ bạch huyết nên dù có phẫu thuật để loại bỏ vùng nhiễm bệnh thì khối u vẫn tiếp tục xâm lấn và hình thành ở nơi khác thôi”.

“Thì ra là như vậy.” Chị tôi dường như đã hiểu.

“Vâng, tôi rất tiếc nhưng anh Tone đang ở giai đoạn 4 nên không thể làm phẫu thuật được.”

“Tôi nghe rằng chỉ có thể điều trị bằng hóa trị, có thật như vậy không bác sĩ? Không có phương pháp nào mới nhất sao?” Tôi hỏi.

“Như tôi đã nói hôm trước về việc tiến hành phân tích gen di truyền của anh Tone. Chúng tôi đã kiểm tra loại gen EGFR, ừm… Tôi rất tiếc là xét nghiệm cho ra kết quả âm tính”. Bác sĩ Kakegawa cho ba người chúng tôi xem phiếu kết quả phân tích. Trong đó có ghi dòng chữ EGFR âm tính cùng một biểu đồ khó hiểu.

“Căn cứ vào đó, anh Tone sẽ không thể sử dụng loại thuốc điều trị đích Iressa chuyên chỉ định cho gen đột biến EGRF”.

Không thể dùng Iressa à…? Theo như tôi đã tìm hiểu trên mạng, thuốc điều trị đích Iressa rất có hiệu quả điều trị ung thư phổi. Giờ đây, một lựa chọn nhiều triển vọng đã biến mất.

“Ừm, tôi nhớ hình như vẫn còn 1 cách gọi là A gì đó thì phải, cách đó thì thế nào?”

“Vâng, là thế này, đầu tiên, EGFR được cho là loại gen xuất hiện trong khoảng 40% bệnh nhân ung thư phổi biểu mô tuyến, nhưng rất tiếc anh Tone không mang loại gen này. Loại gen tiếp theo sẽ kiểm tra là ALK thì xuất hiện rất ít, và chỉ khoảng 4% người bệnh ung thư phổi biểu mô tuyến có gen này. Đây là loại gen rất hiếm. Tôi xin lỗi, nhưng mong anh hiểu là khả năng xuất hiện loại gen này không cao đâu”. Bác sĩ Kakegawa thều thào một cách u ám, như thể ông đã bỏ cuộc.

Chien thang ung thu anh 2

Cuốn sách Giác ngộ để hồi sinh ghi lại hành trình chiến đấu với ung thư của tác giả Takeshi Tone. Ảnh: H.H.

“4%…” Âm thanh thét lên trong tim tôi. Chỉ 4% thì vô vọng rồi, tôi chắc chắc là không có.

“Sẽ mất một thời gian để kiểm tra gen ALK đấy. Việc xét nghiệm sẽ được chuyển ra nước ngoài để thực hiện. Dự kiến là còn khoảng 2 tuần nữa. Vì vậy tôi muốn chúng ta không nên chờ đến khi có kết quả mà phải quyết định hướng điều trị trước tiên đã”.

Tôi cảm thấy ánh mắt ông ấy như thể đang nói với tôi rằng đằng nào thì cũng vô ích thôi.

“Hai tuần? Vậy có nghĩa là đến đầu tháng mười tôi mới biết kết quả sao?”

“Vâng, dự tính là như vậy.”

“Được rồi, vậy kế hoạch bây giờ như thế nào?”

“Vâng, trước mắt tôi muốn anh bắt đầu điều trị và nhập viện từ giữa tuần sau”.

“Giữa tuần sau, tức là khoảng ngày 22, 23? Nhanh như vậy sao?”

“Đúng rồi, tôi nghĩ ta nên điều trị càng sớm càng tốt”.

“Nếu thế này thì tôi sẽ phải điều trị bằng hóa trị, nhưng hóa trị có thật sự có tác dụng không thưa bác sĩ?”

“Tôi không thể nói trước. Nếu không thử thì không biết được. Ung thư phổi là loại ung thư khó điều trị dứt điểm bằng hóa trị. Có khoảng 40% khả năng thuốc sẽ phát huy tác dụng”. Bác sĩ Kakegawa nói với vẻ mặt nghiêm trọng. Điều đó khiến tôi tưởng tượng đến quá trình điều trị khắc nghiệt mà ông ấy đã từng thực hiện từ trước đến nay.

“Có 40% khả năng, tức 60% còn lại là không hiệu quả sao?”

“Vâng, tôi rất tiếc là như vậy. Dù cho thuốc có tác dụng thì cũng sẽ đến lúc ung thư có khả năng kháng thuốc và hóa trị không còn hiệu quả nữa. Nếu vậy sẽ phải chuyển sang loại thuốc tiếp theo. Loại thuốc đó cũng chỉ có xác suất hiệu quả là 40%”.

[…]
Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin