Người thành lập doanh nghiệp (DN) đăng ký ngành, nghề kinh doanh theo mã ngành cấp 4, đồng thời có thể ghi chi tiết tên ngành nghề mà DN dự định tiến hành kinh doanh.
Khó… vì thói quen
Trong thắc mắc gửi tới trang Hệ thống thông tin đăng ký
doanh nghiệp quốc gia (dangkydoanhnghiep.info), có ý kiến đề nghị giải thích tại
sao ngành kinh doanh dịch vụ phiên dịch của họ lại được chuyên gia tư vấn mã
hoá thành “7490: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được
phân vào đâu”.
Ý kiến này cũng băn khoăn, với mã 7490 ghi trên Giấy chứng
nhận đăng ký DN, các cơ quan quản lý thị trường, thuế… có thể xác định được họ
đang kinh doanh đúng theo đăng ký hay không, bởi trong mã ngành không có chữ
nào là “phiên dịch” cả.
Tình hình diễn ra tương tự ở nhiều câu hỏi được gửi tới các
văn phòng luật sư.
Loại trừ một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới chưa có
tên trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam cần phải có hướng dẫn chi tiết, thói
quen phải nhìn rõ tên ngành, thậm chí là sản phẩm của hoạt động sản xuất kinh
doanh, trong Giấy chứng nhận đăng ký DN chi phối rất lớn việc thực thi quy định
về ghi ngành, nghề kinh doanh theo mã ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế
Việt Nam (theo quy định tại điều 7, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh
nghiệp). Trên thực tế, đã có Giấy chứng nhận đăng ký DN dài tới 2-3 trang chỉ để
ghi từng ngành nghề mà DN dự định kinh doanh, cho dù có khi họ chẳng bao giờ
triển khai hết.
Phải nói thêm, thói quen này không chỉ của DN, mà bị chi phối
lớn từ việc thực thi trách nhiệm của không ít cơ quan quản lý nhà nước. Có DN
khi được hỏi lý do muốn ghi chi tiết các ngành nghề định kinh doanh, đã trả lời
là đề phòng khi cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường đến làm việc, họ
không phải chứng minh ngành nghề họ đang kinh doanh thuộc nhóm ngành cấp 4 thể
hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký DN.
Giải pháp
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Cục Quản lý
đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện DN có quyền lựa chọn
ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN theo ngành cấp 4 và
được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề chi tiết trong ngành cấp 4 đó, hoặc
mã hóa ngành nghề theo ngành cấp 4 và ghi chi tiết ngành nghề dự định kinh
doanh trong phạm vi ngành cấp 4 đã chọn. Đồng thời, quy định này cũng nhằm để
chuẩn hoá thông tin về lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Đây là một giải pháp mà Công văn số 8311/BKH-QLĐKKD của Bộ Kế
hoạch và Đầu tư đưa ra, vừa tôn trong thói quen của DN, song vẫn đảm bảo dần thực
hiện đầy đủ quy định pháp lý về ghi mã ngành, nghề kinh doanh.
Tuy nhiên, trong trường hợp ghi chi tiết ngành nghề, DN chỉ
được kinh doanh trong phạm vi ngành nghề chi tiết đã ghi. Điều này hạn chế khá
nhiều quyền cũng như tính chủ động của DN, vì khi đó, nếu muốn chuyển đổi hoạt
động kinh doanh, dù vẫn thuộc mã ngành cấp 4, DN phải làm thủ tục thay đổi đăng
ký kinh doanh.
“Việc phân định ngành nghề kinh doanh theo ngành kinh tế quốc
dân hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam
được xây dựng trên cơ sở Hệ thóng phân tích kinh tế quốc tế, có bổ sung thực tiễn
của Việt nam. Việc ghi khai quát các ngành nghề khi đăng ký kinh doanh sẽ tạo sự
lĩnh hoạt và chủ động cho DN”, vị lãnh đạo Cuc Quản lý đăng ký kinh doanh nói.
Đây cũng là nội dung phải thực hiện đối với các DN đã được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng
ký thuế trước khi 43/2010/NĐ-CP có hiệu lực, khi DN này đăng ký thay đổi nội
dung đăng ký kinh doanh. Bởi, mặc dù không bắt buộc phải thực hiện thủ tục đổi
sang Giấy chứng nhận đăng ký DN, khoản 4, Điều 6 Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định,
khi DN này thay đổi nội dung đăng ký, họ sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký
DN, trong đó có mã ngành cấp 4 về lĩnh vực DN kinh doanh.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc áp dụng thống nhất ghi
ngành, nghề kinh doanh theo mã ngành cấp 4 là cần thiết để đảm bảo sự chủ động
cho DN, đồng thời tạo cơ sở cho việc xây dựng đuợc hệ thống thông tin DN một cách hoàn chỉnh. Điều này
đòi hỏi không chỉ DN phải thay đổi thói quen, mà chính các cơ quan quản lý cũng
phải hiểu và tuân thủ tốt hơn phương thức quản lý mới.
Theo Khánh An
Báo Đầu Tư