Giảm mạnh chi phí lãi vay, KBSV thoát cảnh suy giảm lợi nhuận trong quý 2
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) công bố BCTC quý 2/2024 cho thấy các hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ, nhưng nhờ giảm mạnh chi phí lãi vay đã giúp Công ty tránh được cảnh suy giảm lợi nhuận.
Chi phí lãi vay giảm mạnh cứu lãi quý 2 thoát cảnh suy giảm
Trong quý 2/2024, KBSV ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 12% về còn gần 273 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động lại tăng thêm 23% lên mức hơn 85 tỷ đồng.
Đóng góp doanh thu chủ đạo là lãi từ các khoản cho vay và phải thu gần 142 tỷ đồng, tăng 8%, bên cạnh doanh thu môi giới chứng khoán gần 76 tỷ đồng, tăng đến 34%.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng từ hai mảng trên lại không đủ bù đắp cho sự suy giảm 70% lãi từ tài sản tài chính FVTPL, còn 19 tỷ đồng và giảm 43% lãi từ khoản đầu tư HTM, còn gần 32 tỷ đồng.
Về chi phí, trong bối cảnh mảng môi giới được thúc đẩy doanh thu, chi phí cho các hoạt động liên quan cũng bị đội lên 33%, ghi nhận hơn 81 tỷ đồng, qua đó nối dài chuỗi ngày kinh doanh môi giới chứng khoán dưới giá vốn. Các khoản chi phí hoạt động còn lại ở mức không đáng kể.
Dù gặp nhiều khó khăn ở các hoạt động chính, nhưng lợi nhuận của KBSV lại được “cứu” bởi chi phí tài chính giảm mạnh 37%, còn hơn 85 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm chi phí lãi vay. Qua đó, lãi sau thuế quý 2 vẫn giữ được mức hơn 63 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.
Với quý 2 đi ngang và trước đó là quý 1 tăng trưởng hơn 12%, KBSV lãi sau thuế lũy kế nửa đầu năm 2024 hơn 128 tỷ đồng, tăng 6% so với nửa đầu năm 2023.
Năm 2024, KBSV đặt mục tiêu lãi trước thuế 297 tỷ đồng. Như vậy, với gần 161 tỷ đồng đã mang về sau 6 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện 54% kế hoạch đề ra.
Kết quả kinh doanh quý 2/2024 của KBSV
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Nợ vay ngắn hạn giảm mạnh gần 2,400 tỷ đồng
Tại thời điểm cuối quý 2, tổng tài sản của KBSV ghi nhận gần 9,634 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm, tương ứng giảm hơn 2,360 tỷ đồng, chủ yếu do giảm mạnh quy mô tài sản tài chính FVTPL và các khoản đầu tư HTM, trong khi lại gia tăng dư nợ margin.
Cụ thể, KBSV tăng thêm 1,264 tỷ đồng quy mô cho vay, lên gần 6,275 tỷ đồng, phần lớn là số tiền cho nhà đầu tư vay margin. Dư nợ cho vay cũng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của KBSV, khoảng 65%.
Ngược lại, quy mô tài sản tài chính FVTPL, mà gần toàn bộ là các chứng chỉ tiền gửi, đã giảm 2,521 tỷ đồng so với đầu năm, còn chưa đến 944 tỷ đồng. Mức giảm mạnh ghi nhận đồng loạt ở các chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng BIDV, HDBank, MBBank và các ngân hàng khác, trong khi chỉ phát sinh mới hơn 200 tỷ đồng tại LPBank.
Nguồn: BCTC quý 2/2024 của KBSV
|
Quy mô các khoản đầu tư HTM, toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến 1 năm, cũng giảm mạnh 1,064 tỷ đồng, còn đúng 2,165 tỷ đồng.
Dễ thấy KBSV không còn ghi nhận khoản tiền gửi 710 tỷ đồng tại BIDV và 200 tỷ đồng tại VietinBank, đồng thời giảm đáng kể tiền gửi tại VPBank và các ngân hàng khác. Ngược lại, KBSV phát sinh mới 300 tỷ đồng tiền gửi tại SeABank.
Nguồn: BCTC quý 2/2024 của KBSV
|
Trong các tài sản tài chính FVTPL và các khoản đầu tư HTM nêu trên, KBSV sử dụng 370 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và gần 1,898 tỷ đồng tiền gửi để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng.
Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ vay ngắn hạn giảm mạnh 2,392 tỷ đồng, còn gần 5,243 tỷ đồng. Dư nợ chủ yếu tại các ngân hàng Vietcombank, Sumitomo Mitsui – Chi nhánh Singapore và Kookmin – Chi nhánh Tokyo.
Các khoản vay được đảm bảo bởi chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi nêu trên, hoặc bảo lãnh bởi công ty mẹ. Mục đích vay để tài trợ hoạt động đầu tư và vốn lưu động của Công ty. Gốc vay được trả một lần vào cuối thời hạn của từng lần giải ngân. Lãi suất từ 3.15 – 6.8%/năm.
Việc nợ vay giảm mạnh cũng lý giải cho chi phí tài chính giảm mạnh trong quý 2 vừa qua.
Nguồn: BCTC quý 2/2024 của KBSV
|
Huy Khải
FILI