Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, cho rằng năm 2013 nên giảm giá tiền đồng 4%.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và
Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa dự báo
tăng trưởng GDP năm 2012 sẽ quanh mức 5%, trong khi lạm phát sẽ tăng
trên dưới 10%. So với mục tiêu lạm phát Chính phủ đặt ra từ 6-6,5%, mức
dự báo của VEPR là khá cao. Điều đáng nói là 2 năm trở lại đây, những dự
báo về lạm phát và tăng trưởng GDP của VERP luôn khá sát với thực tế.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, cũng cho rằng năm 2013 nên giảm
giá tiền đồng 4%.
Ông nói gì về các dự báo kinh tế của Chính phủ?
Năm 2013, lạm phát rất khó có khả năng thấp hơn năm
2012. Năm qua, lạm phát được hỗ trợ nhiều từ giá lương thực giảm, trong
khi các yếu tố lạm phát lõi vẫn tăng vượt 10%. Lý do là chúng ta vẫn
theo đuổi chính sách mở rộng tiền tệ từ sau quý I/2012 để hỗ trợ nền
kinh tế.
Chính sách đó chưa được phản ánh hoàn toàn vào lạm
phát của năm 2012 vì được trung hòa từ sự giảm giá của lương thực. Nhưng
năm nay, đà sử dụng tiền tệ vẫn tương tự năm 2012, trong khi khả năng
tương đối cao là sự hỗ trợ từ giá lương thực giảm mạnh không còn nhiều.
Do đó, lạm phát năm 2013 sẽ rất gần mức tăng lạm phát lõi, tức hơn 10%.
Năm nay, chúng ta cũng sẽ chịu hệ quả của việc điều chỉnh nhiều loại giá
từ năm 2012, trong đó có giá điện, giá dịch vụ y tế, lương tăng…
Nhưng năm 2013 cũng có một số yếu tố kìm giữ giá không tăng mạnh và yếu tố đó là cầu yếu?
Đúng vậy. Kinh tế năm 2013 vẫn còn khó khăn và
tổng cầu vẫn suy yếu. Tháng 1.2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng
1,25%. Nếu loại yếu tố tăng giá do một số địa phương điều chỉnh phí dịch
vụ y tế, CPI tháng 1 chỉ tăng hơn 0,8%. Nếu so với các tháng 1 của 10
năm vừa qua, trừ năm 2009 có mức giảm CPI mạnh thì không có năm nào CPI
của tháng giáp Tết Nguyên đán lại tăng dưới 1%. Với cách tính của VEPR,
năm 2013, sức mua sẽ giảm mạnh. Điều này sẽ làm cho tổng cầu giảm.
Như vậy, CPI năm nay sẽ tăng, tuy không vượt quá xa
10%, nhưng sẽ không thấp như năm trước. Còn để dự báo cho cả năm chính
xác hơn, phải đợi đến hết quý I/2013; lúc đó sẽ có đủ thông tin hơn.
Ông nói là cầu năm 2013 vẫn yếu, vậy mức độ so với năm 2012 sẽ như thế nào?
Sức cầu năm 2013 sẽ tiếp tục suy giảm. Một căn cứ là
tổng đầu tư toàn xã hội – chỉ tiêu lớn nhất của tổng cầu – vẫn giảm,
tính theo tỉ trọng của GDP. Lúc đỉnh cao, tổng đầu tư toàn xã hội có thể
bằng 40% GDP nhưng nay đang giảm về mức 30% GDP. Mức giảm này do nhiều
yếu tố, trong đó có cắt giảm đầu tư công. Hơn nữa, đầu tư tư nhân, đầu
tư của doanh nghiệp FDI cũng có xu hướng giảm.
Một căn cứ nữa là tăng trưởng tín dụng của năm 2012
thấp, dưới 10%. Nếu điều chỉnh các yếu tố giá thì tín dụng hầu như không
tăng. Tín dụng không tăng có nghĩa là khu vực tư nhân không có nhu cầu
đầu tư. Việc này sẽ được phản ánh rõ sau 6-9 tháng, tức gần như cả năm
2013. Trong khi đó, chi tiêu của hộ gia đình những năm gần đây không
được cải thiện. Còn sức mua của Chính phủ dư địa không còn nhiều vì thâm
hụt ngân sách cao.
Do vậy, tổng cầu năm 2013 sẽ không tăng, nếu không
muốn nói là giảm so với năm 2012. Sức ép khá rõ là tăng trưởng thấp,
trong khi rủi ro lạm phát lại cao.
Tổng cầu giảm như vậy thì tăng trưởng GDP năm 2013 sẽ như thế nào?
Việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khiêm tốn ở
mức 5,5% cho thấy Chính phủ đã rất thận trọng và hiểu rõ vấn đề. Tăng
trưởng năm 2013 có thể sẽ bằng hoặc nhỉnh hơn, thậm chí thấp hơn so với
năm 2012. Điều này phụ thuộc vào các chính sách của Việt Nam, tác động
của kinh tế thế giới và phản ứng của nhà đầu tư. Tức là GDP sẽ dao động
quanh mức 5%. Nhưng khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP
5,5% là khá cao.
Ông cũng dự báo năm 2013, tỉ giá nên được nới rộng, giảm giá tiền đồng khoảng 4%. Điều này liệu có tác động đến lạm phát?
Nếu chúng ta tiếp tục kiểm soát được tình hình chung,
việc nới rộng tỉ giá sẽ không tác động nhiều đến lạm phát. Mức tác động
làm tăng CPI chỉ dưới 1%, thấp hơn tác động của việc điều chỉnh giá các
mặt hàng khác.
Cơ sở nào để giảm giá tiền đồng?
Tỉ giá đã ổn định từ năm trước. Nếu không có sự chủ
động thay đổi về chính sách, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có cơ sở để
giữ tỉ giá tiếp tục ổn định. Vì hiện nay, ngoại tệ khá dư thừa và mức độ
can thiệp cũng vừa phải.
Nhưng việc tiếp tục giữ tỉ giá ổn định trong năm 2013,
giữa lúc lạm phát cao, sẽ làm tiền đồng tăng giá mạnh. Xuất khẩu sẽ gặp
khó khăn, trong khi hàng nhập khẩu tràn vào, gây sức ép cho những ngành
hàng sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, đặc biệt là các ngành phụ trợ.
Nên quan niệm ngoại tệ cũng là một mặt hàng và cần
điều chỉnh giá. Không thể để tỉ giá mãi như vậy, vì điều đó sẽ như thòng
lọng siết cổ doanh nghiệp từ từ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra mức
giảm giá tiền đồng 4%. Nhiều nhà kinh tế khác sốt ruột hơn có thể đưa ra
mức giảm giá cao hơn.
Chừng nào chúng ta còn chủ động điều tiết được tỉ giá
thì nên chủ động giảm giá danh nghĩa tiền đồng thêm 4%, không chỉ trong
năm 2013 mà liên tục trong 2-3 năm.
Vậy còn yếu tố tâm lý thì sao, vì người dân đang khá tin tưởng tiền đồng?
Những nhà làm chính sách đều lo ngại như vậy và đó là
lo ngại hợp lý. Nhưng nếu cứ như thế, vô hình trung chúng ta nuôi dưỡng
tâm lý an toàn, nhưng hy sinh các doanh nghiệp, như doanh nghiệp cá tra,
basa hiện nay. Việt Nam hầu như độc quyền về xuất khẩu cá tra, basa,
nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn. Cũng có doanh nghiệp gặp khó do thị
trường, nhưng nếu như vậy, chỉ có một số doanh nghiệp thì mới đúng. Đằng
này, cả ngành cá tra đều gặp khó khăn. Điều này nên nhìn nhận ở góc độ
chính sách. Việc giữ ổn định tỉ giá quá lâu cũng làm khổ các doanh
nghiệp sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.
Mức giảm giá 4% cũng là vừa phải, vẫn làm cho thị
trường tiền tệ cân bằng, vì lãi suất tiền gửi đang 8%, có thể giảm xuống
7%/năm, nhưng lãi suất đồng USD là 2%. Cộng với sự điều chỉnh tỉ giá 4%
thì lợi tức của đồng USD là 6 điểm phần trăm. Khi tiền đồng vẫn giữ
được lãi suất khoảng 7% thì không quá lo ngại.
Khi đưa ra chính sách, cần đi kèm với tuyên truyền,
nói đúng bản chất để người dân không hoang mang. Trên thực tế, nếu thị
trường biến động, Ngân hàng Nhà nước vẫn đủ khả năng can thiệp, vì lượng
ngoại tệ dự trữ lớn.
Lúc nào thì nên điều chỉnh?
Không nên quá quan trọng về thời điểm mà vấn đề nằm ở
cách điều chỉnh. Giảm giá 4% bằng cách điều chỉnh 2 lần trong năm, mỗi
lần 2%. Ví dụ, sau Tết điều chỉnh một lần, đến tháng 7 hay tháng 8.2013
thêm lần nữa. Đó là những giai đoạn lạm phát thường không biến động
mạnh.
Ông có nói đến việc doanh nghiệp sẽ bị siết cổ từ từ nếu không điều chỉnh tỉ giá. Cụ thể là như thế nào?
Khi tỉ giá ổn định và lạm phát cao, cao hơn thế giới
thì chi phí trong nước cao dần, trong khi giá thế giới không đổi. Và
hàng hóa Việt Nam sẽ mất đi tính cạnh tranh về giá. Đó là dây thòng lọng
đối với doanh nghiệp, vì việc bán hàng ngày càng không hấp dẫn. Nhưng
nếu điều chỉnh tỉ giá, có thể làm cho giá hàng hóa bán ra nước ngoài rẻ
hơn; doanh nghiệp sẽ cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.
Một điểm nữa là nếu vẫn neo tỉ giá, hàng hóa trong
nước ngày càng tăng giá. Khi đó, hàng nhập khẩu sẽ có lợi thế hơn so với
hàng sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước sẽ dần dần đóng
cửa, từ từ chuyển sang thương mại, thay vì sản xuất và sẽ không đầu tư.
Cũng có nghĩa doanh nghiệp sản xuất dần mất thị trường ngay trên sân
nhà. Do vậy, chính sách tỉ giá là rất quan trọng. Nếu chính sách phù hợp
thì sẽ giúp ích cho cả 2 nhóm doanh nghiệp sản xuất trong nước và xuất
khẩu. Đó cũng là 2 động lực của nền kinh tế.
Có một chuyên gia kinh tế cho rằng chính
sách neo giữ tỉ giá quá lâu cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư FDI
chuyển từ đầu tư sản xuất sang làm thương mại, không khuyến khích phát
triển công nghiệp phụ trợ?