Nhiều đơn vị phân tích cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất.
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cho rằng USD mạnh hơn đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Tại thời điểm ngày 21/09/2022, chỉ số đô la (DXY – đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với rổ tiền tệ) đạt 110,6 điểm (+15,6% so với cùng kỳ năm ngoái). USD mạnh hơn khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 3,8% so với cùng kỳ lên 23.688 VND/USD, mức cao nhất lịch sử. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do NHNN ấn định cho cặp tỷ giá USD/VND ở mức 23.316 VND/USD, tăng 0,7% so với cuối năm 2021 và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng khoảng 2,7% kể từ đầu năm 2022.
Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, Việt Nam Đồng vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 21/09/2022), hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 5% so với USD, bao gồm Peso Philippines (-12,6% so với USD), Baht Thái Lan (-11,6% so với USD), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-11,6% so với USD), Ringgit Malaysia (- 9,7% so với USD) và Rupiah Indonesia (-5,4% so với USD).
Nhóm phân tích cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, VnDirect vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).
Tựu chung lại, VnDirect dự báo VND có thể mất giá khoảng 3,5 – 4,0% so với đồng USD trong năm 2022.
Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lo ngại về kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của tiền Đồng đang xảy ra với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng cao.
Trong bối cảnh NHTW các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như FED, các chuyên gia phân tích cho rằng đồng USD sẽ có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 ở mức 120,3. Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước là không thể tránh khỏi khi các bộ đệm để giúp ổn định tỷ giá đã suy yếu.
Theo VDSC, dù chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn dương đáng kể nhưng nhu cầu USD trong hệ thống vẫn chưa hạ nhiệt, kể từ sau quyết định nâng lãi suất điều hành, NHNN vẫn tiếp tục phải bán ra gần 1,9 tỷ USD.
Kịch bản mất giá với tiền Đồng mà VDSC kỳ vọng cho cả năm 2022 khi đồng USD tăng mạnh là từ 4-5%.
Tương tự, BVSC cũng cho rằng rủi ro đối với đồng VND từ giờ đến cuối năm nếu có vẫn sẽ đến từ diễn biến của đồng USD, chỉ số DXY tiếp tục tăng giá mạnh – khi FED phải nâng lãi suất nhiều hơn dự tính và lạm phát của Mỹ không thể kiểm soát được. Chỉ số DXY hiện tại dường như đã phản ánh những thông tin có thể sẽ xảy ra – FED nâng lãi suất thêm 125 điểm cơ bản tới cuối năm 2022 và thêm 25 điểm trong năm 2023. Nếu FED có quyết định tăng cao hơn mức kỳ vọng hiện nay có thể tác động tới xu hướng tăng của đồng USD.
Với bối cảnh trên, BVSC cho rằng mức mất giá của đồng VND có thể lên cao nhất tới mức 4% trong năm 2022, nhưng mức mất giá ở thời điểm hiện tại đã nằm trong vùng cao nhất của năm. Đối với năm 2023, nhóm dự báo khi lãi suất điều hành của FED đạt đỉnh, đồng USD ổn định hơn, diễn biến của VND sẽ trở lại quỹ đạo ổn định của các năm trước trong biên độ +/- 2%.