Giọng của phố

Nói cho cùng, vật quý phải ở với người quý, nếu trọc phú cố giành giữ nó thì không những mang họa cho mình mà còn làm tan nát cả tứ bề nội ngoại.

Báu vật của đời là tên một cuốn tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Việt của nhà văn Mạc Ngôn người Trung Quốc từng ẵm giải Nobel. Nguyên tác của nó, “Phong nhũ phì đồn”, nôm na mang nghĩa rất phồn thực xếch xi, “mông to vú nở”. Bởi theo quan điểm của khá nhiều thị dân có dư dật tiền, thì một trong những báu vật ở cái cuộc đời nhan nhản dung tục này đôi khi cũng đơn giản chỉ là mấy thứ ấy.

Tất nhiên, báu vật thường có nhiều loại. Chỉ cần đọc truyện cổ tích Việt Nam kể chuyện hai “đại gia” Thạch Sùng và Vương Khải đấu của thì biết. Một hôm Thạch Sùng gặp Vương Khải ở một bữa tiệc đủ các bậc vương công đại thần, câu chuyện dần dần trở thành cuộc khoe của giữa hai người. Họ Vương nói “bọn nô tỳ nhà tôi đều mặc đồ tơ lụa thượng thặng”.

Họ Thạch đáp “bọn nô tỳ nhà tôi chỉ ăn gạo tám thơm, phải một huyện mới đủ cung cấp” (Sách đã dẫn – Nxb Khoa học xã hội). Và đây mới chỉ là màn dạo đầu. Càng về sau càng cay cú, hai gã nhà giàu hợm hĩnh mang hết báu vật ra khoe. Gấm quý trải suốt bốn mươi dặm đường. Ngọc trắng chặt từng phiến lát sân cửa. San Hô ba thước, Tê Giác nguyên sừng. Dạ minh châu đỏ to hơn mắt mèo. Long diên hương trắng đựng bằng bao tải.

Bau vat anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Teddy Yang/Pexels.

Xin một lưu ý nhỏ, người nông dân chết đói ở thời ấy đạt tới con số kỷ lục. Cuối cùng thì Thạch Sùng thua, khi chết biến thành con mối, suốt đêm tiếc của tắc lưỡi lê la bò trên trần nhà.

Nói cho cùng, vật quý phải ở với người quý, nếu trọc phú cố giành giữ nó thì không những mang họa cho mình mà còn làm tan nát cả tứ bề nội ngoại. Có điều, những báu vật cũng tùy biến theo thời. Đại loại giống như chiếc xe máy Dream, đã có thời đúng là giấc mơ của mọi dân phố, vậy mà hôm nay chỉ là thứ bình thường xe ôm hàng chợ.

Thế nhưng có một điều lạ, nhất là ở những người có tuổi khi phải dọn nhà, thường loay hoay không biết nên giữ cái gì hay phải bỏ đi cái gì. Bởi có những thứ đồ tuy xét về mặt tiền bạc thì chẳng đáng là bao nhưng chính lại là thứ đẫm đầy giá trị.

Hoặc đấy chỉ là một chiếc khăn quàng cổ cũ, quà tặng vào ngày sinh nhật của xa xưa mối tình đầu. Hoặc thiêng liêng hơn, đấy là cái áo trấn thủ trần bông quả trám đã sờn cùng cái bi đông méo mó lỗ chỗ vết đạn, di vật duy nhất còn sót lại từ người cha yêu thương hy sinh từ kháng chiến chống Pháp. Hình như đều là những thứ nếu mà không có nó, sâu xa tâm hồn sẽ lộ ra một khoảng trống.

Ở đoạn cuối Bao cấp của thời sinh viên trong trắng, khi cả dân tộc đang tần tảo lao động để dựng xây đất nước từ những đổ nát hoang tàn, thì thứ đồ quý nhất với mọi thằng nội trú là cái rương để ở đầu giường tầng. Thực ra, nó vốn là một thùng gỗ tạp xộc xệch, được nâng cấp lên thành nửa hòm nửa va ly.

Tất nhiên tùy gia cảnh từng đứa mà trong đấy chất chứa nhiều thứ giá trị khác nhau. Thằng quê Nghệ Tĩnh là lọ mắm khô, thằng quê Thái Bình là ba lạng ruốc cá. Hoang đường nhất là rương của thằng ở Hải Phòng.

Ngoài nửa cân “bích cốt”, (một thứ bánh mì sấy khô tẩm đường, thỉnh thoảng giờ đây vẫn thấy bán ở vài siêu thị rẻ tiền cho đám trung niên thích ăn mày dĩ vãng), thì nó còn sở hữu một quần bò Thái gần như mới tinh. Bởi cả năm, chính nó cũng chỉ mặc chưa tới bốn lần.

Vậy mà khi biết thằng Thái Bình đơn phương đau khổ yêu em Hằng “ngõ Gạch” khoa Sinh, một thứ gái phố cổ quen nhìn người qua thời trang, nó cắn răng cho thằng bạn mượn cái quần báu vật để diện tới chỗ hẹn lần đầu.

Sự hy sinh này của nó, thì những đứa thường cho bạn vay vài chục ngàn đô lấy lãi thấp của ngày hôm nay là không thể hiểu nổi. Rồi trong một lần ký túc xá bị hỏa hoạn do chập bếp điện, cái rương của thằng Hải Phòng cháy rụi. Nó khóc như cha chết. Mà bố nó bỗng mất thật.

Ông là một nhà giáo nghèo nhưng vẫn là trụ cột của cả gia đình. Ông bị tai nạn giao thông, thứ bi kịch giờ đây là cơm bữa. Mẹ nó sốc, “tăng xông” ốm liệt nửa người. Suốt tới khi ra trường, cả lớp chăm thằng Hải Phòng.

Thứ bảy chủ nhật, bọn con gái dắt díu nhau đi ôtô xuống tắm cho mẹ nó. Còn bọn con trai quần quật trên mấy sào vườn hương hỏa, để chăm nhãn chăm ổi rồi trồng rau, mong kiếm thêm mấy đồng tiền còm.

Tốt nghiệp, thằng Thái Bình xin việc ở “Phòng”, chia sẻ từng miếng ăn với bạn. Thằng Hải Phòng bây giờ tóc đã muối tiêu, dư dật con cháu cùng của ăn của để. Lần nào họp lớp cũ, quây quần uống rượu nó cũng khóc, “nếu đời tao không có chúng mày”.

Mọi sự trên đời đều có lúc thấp lúc cao, tùy theo phong khí thăng trầm của từng người và từng thời đoạn. Có thứ tưởng như là báu vật, nhưng tới một lúc khác lại hoàn toàn vô giá trị. Báu vật đúng nghĩa là thứ không bao giờ thay đổi. Đại loại nó giống hệt như tình bạn, hoặc rộng lòng đại ngôn hơn, tình thương yêu giữa người và người.

Nó bất biến cùng thời gian. Nó là kim cương bất hoại.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin